(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó có việc sản phẩm phải được xuất khẩu ổn định đi thị trường nước ngoài mới trở thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đến thời điểm này, Thanh Hóa mới chỉ có 1 sản phẩm OCOP quốc gia là mắm tôm Lê Gia của huyện Hoằng Hóa. Song gần đây, nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng cơ bản các điều kiện có thể xét chọn thành sản phẩm OCOP 5 sao, đang mở ra hy vọng mới cho các địa phương, các chủ thể sản xuất nâng tầm sản phẩm, gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Kỳ vọng thêm những sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia

Với nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó có việc sản phẩm phải được xuất khẩu ổn định đi thị trường nước ngoài mới trở thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đến thời điểm này, Thanh Hóa mới chỉ có 1 sản phẩm OCOP quốc gia là mắm tôm Lê Gia của huyện Hoằng Hóa. Song gần đây, nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng cơ bản các điều kiện có thể xét chọn thành sản phẩm OCOP 5 sao, đang mở ra hy vọng mới cho các địa phương, các chủ thể sản xuất nâng tầm sản phẩm, gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Kỳ vọng thêm những sản phẩm OCOP 5 sao quốc giaSản phẩm trống đồng đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống của xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Ảnh: Lê Đồng

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan xét công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP quốc gia. Đây đều là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cói truyền thống của huyện Nga Sơn, gồm: bình cói Nga Sơn, đĩa cói Nga Sơn và rổ cói Nga Sơn. Chủ thể sản xuất các sản phẩm này chính là Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh ở xã Nga An. Tại đây, ngay từ cổng vào và khu vực sân bê tông quanh nhà xưởng, tranh thủ thời điểm trời nắng, các công nhân đã phơi kín hàng nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại xưởng, luôn có khoảng 40 công nhân phụ trách đan lát, phơi sấy, dán nhãn mác và đóng thùng sản phẩm chờ ngày để xuất khẩu.

Với 3 sản phẩm đã được Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh lựa chọn đề xuất xét chọn sản phẩm OCOP 5 sao, đều là những sản phẩm khá tinh xảo, tuy được đan thủ công nhưng vẫn tạo được các hoa văn cầu kỳ, đẹp mắt. Giới thiệu với chúng tôi, ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc công ty chia sẻ: Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở đây là cói - sản phẩm trồng trọt truyền thống của huyện Nga Sơn. Hiện nay, 4 doanh nghiệp lớn tại Hoa Kỳ đã phân phối để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ huyện Nga Sơn đến khách hàng tại hệ thống 64 siêu thị trên khắp nước bạn.

Cũng theo ông Tôn, Hoa Kỳ là thị trường khó tính bậc nhất thế giới nên sản phẩm phải bảo đảm hàng chục tiêu chuẩn, trong đó có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất độc hại, cả môi trường làm việc của công nhân cũng được chuyên gia phía bạn về kiểm tra định kỳ. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao tại nước bạn, công ty liên tục thay đổi mẫu mã và các hoa văn họa tiết cho sản phẩm. Riêng 3 sản phẩm đang được tỉnh định hướng đề nghị xét chọn sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, cũng chính là những sản phẩm chủ lực, được công ty duy trì sản xuất liên tục nhiều năm qua.

Không những thế, việc tổ chức sản xuất đã tạo hàng nghìn việc làm tại nhà cho lao động nông thôn huyện Nga Sơn. “Lao động đan các sản phẩm này có thể tranh thủ thời gian mà vẫn có thể làm được những việc gia đình, thậm chí làm việc cả buổi tối. Hiện thu nhập trung bình của người lao động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho công ty chúng tôi đạt trung bình 4 đến 8 triệu đồng - tùy thời gian lao động và hiệu quả thực tế” - ông Phạm Minh Tôn, chia sẻ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng giúp huyện Nga Sơn phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi như yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Người trồng cói trong huyện có việc làm và thu nhập ổn định, hoạt động sơ chế, thu mua cũng mang lại lợi ích cho các tiểu thương. Tiếp đó là khâu sản xuất, khâu vận chuyển và xuất khẩu sản phẩm đều được diễn ra liên hoàn, tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân.

Nhận định về khả năng đạt chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, người phụ trách phát triển Chương trình OCOP, cho biết: “Chiếu theo các tiêu chí của sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, 3 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của huyện Nga Sơn đang có nhiều cơ hội. Đây là những sản phẩm chất lượng tốt, đã xuất khẩu được những thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu và một số nước Trung Đông. Không những mẫu mã đẹp, thân thiện môi trường, mà việc sản xuất còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, chính là yếu tố bảo đảm an sinh xã hội. Nguyên liệu cói cũng là cây trồng truyền thống của vùng đất Nga Sơn, được kết tinh trí tuệ và sự sáng tạo của người dân, mang bản sắc văn hóa địa phương”. Cũng theo ông Bùi Công Anh, qua tham khảo các bộ, ngành Trung ương đánh giá, 3 sản phẩm cói này của huyện Nga Sơn đáp ứng khá tốt các tiêu chí đề ra, hiện chỉ còn thiếu tiêu chí là chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu cho sản phẩm nên chưa xét đợt này. Tuy nhiên, các thủ tục để chờ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp quyền bảo hộ đã được triển khai, đang trong giai đoạn chờ kết quả. 3 sản phẩm này dự kiến sẽ đề xuất xét sản phẩm OCOP quốc gia đợt tiếp theo.

Kỳ vọng thêm những sản phẩm OCOP 5 sao quốc giaSản phẩm thủ công mỹ nghệ “Đĩa cói Nga Sơn” đủ các điều kiện và xuất khẩu thường xuyên vào thị trường Hoa Kỳ, hiện đang chờ được bảo hộ sở hữu trí tuệ để có thể xét sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Một sản phẩm khác đang được Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới và huyện Thiệu Hóa định hướng xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao là trống đồng đúc bằng phương pháp thủ công của làng nghề Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Theo đánh giá của các sở, ngành thành viên trong Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm trống đồng truyền thống xã Thiệu Trung có nhiều cơ hội thành sản phẩm OCOP quốc gia. Nổi trội nhất phải tính đến yếu tố văn hóa trong sản phẩm, sau đó là chất lượng và nhiều tiêu chí khác cũng được đánh giá bảo đảm yêu cầu. Hiện xã Thiệu Trung đang đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã xuất khẩu được sản phẩm đi Hoa kỳ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

“Để sản phẩm đạt được tiêu chuẩn OCOP 5 sao không hề dễ. Mỗi bộ, ngành Trung ương được giao đánh giá một tiêu chí nhỏ trong sản phẩm rất khắt khe. Vài năm nay mới có một đợt xét, gần đây nhất là vào tháng 5-2023 vừa qua, sau khi được sơ duyệt qua các vòng, cả nước có 85 sản phẩm đủ điều kiện xét chọn vòng cuối, nhưng cũng chỉ có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Và đến nay, cả nước mới có 39 sản phẩm OCOP quốc gia; hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước còn chưa có sản phẩm nào” - ông Bùi Công Anh cho biết thêm. Tuy khó khăn là vậy, nhưng gần đây, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục định hướng để đưa thêm một số sản phẩm tre luồng của các huyện Hà Trung, Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn... vào diện xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao. Những chỉ tiêu, tiêu chí của sản phẩm đang được từng bước hoàn thiện theo các quy chuẩn xét chọn chung.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]