Kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam: Chung một khát vọng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Ghi nhận đóng góp và khuyến khích cộng đồng doanh nhân dám nghĩ, dám làm, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có những quyết sách nhằm kiến tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả. Tất cả hướng tới một khát vọng chung - khát vọng thịnh vượng và kiểu mẫu.
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức bàn giao mặt bằng thực địa, tiến tới khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON Mall Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Lâm
Vươn tầm quốc tế
Cách đây khoảng 10 năm, khi ấy, khó ai có thể nghĩ rằng trong một tương lai rất gần, hàng hóa “made in” từ Thanh Hóa lại có mặt tới 68 vùng lãnh thổ trên thế giới. Không những vậy, trong số các thị trường đã chiếm lĩnh thành công, nhiều quốc gia “khó tính” vô cùng khắt khe trong các tiêu chuẩn và xây dựng hàng loạt các rào cản kỹ thuật, thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước. Vậy nhưng, thông qua nhiều cảng trung chuyển lớn của hàng hải quốc tế, 212 DN tỉnh Thanh đã đưa tới 55 chủng loại hàng hóa đến khắp năm châu. Một số mặt hàng hàm lượng công nghệ cao lần đầu xuất hiện tại Mỹ, Nhật Bản... cũng là lần đầu những sản phẩm Việt Nam chinh phục thành công các thị trường này.
Điển hình như hàng triệu tấn thép “xanh” của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe của thị trường Nhật Bản, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Úc trong thời gian gần đây. Đến nay, thép VAS đã chinh phục hơn 15 thị trường xuất khẩu; đồng thời đóng góp tích cực vào hành trình “xanh hóa” các công trình trọng điểm quốc gia như Cao tốc Bắc - Nam, Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng, Sân bay quốc tế Long Thành...
Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, cho biết. “Tập đoàn đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, nâng cao công suất; đồng thời phát triển sản phẩm đạt chất lượng ưu việt, xứng đáng là đại diện thương hiệu quốc gia, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam vươn ra thế giới”.
Sau dịch bệnh COVID-19, là tiếp tục hàng loạt những khó khăn về thị trường đầu tư, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Nỗ lực bước qua thách thức, năm 2024, các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN tiếp tục khẳng định “sức sống” mãnh liệt. Trong chỉ tiêu GRDP 9 tháng vượt kế hoạch năm nay, có sự đóng góp không nhỏ của khối sản xuất công nghiệp, với chỉ số sản xuất tăng 20,2% so với cùng kỳ, đóng góp 7,97 điểm % trong tăng trưởng 12,46% của GRDP, tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng của tỉnh Thanh.
Cũng trong 9 tháng năm nay, tổng thu ngân sách từ khu vực DN đạt kết quả khá với 10.063,1 tỷ đồng, chiếm 40,7% tổng thu nội địa, đạt 108,2% dự toán giao, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thành lập mới 2.200 DN, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về số DN thành lập mới. Mỗi năm, cộng đồng DN đã đóng góp hàng tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội; thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa; khuyến học, khuyến tài; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao - xứng đáng vai trò của lực lượng xung kích trên mọi mặt trận.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan khẳng định: “Với bản lĩnh kiên cường, tinh thần đoàn kết, cộng đồng DN Thanh Hóa sẽ tranh thủ nắm bắt những thời cơ, vận hội mới, cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng với cả hệ thống chính trị ra sức thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo nhiều công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước”.
Đưa doanh nghiệp ở vị thế trung tâm
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (Nghị quyết 41) đã xác định “đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế”.
Tại Thanh Hóa, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra những mục tiêu phát triển: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.
Phát biểu tại hội thảo “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định: “Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng nêu trên, lãnh đạo tỉnh ta luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của DN và đội ngũ doanh nhân; luôn xác định DN là trung tâm của hoạt động sản xuất, kinh doanh - là “trái tim” của nền kinh tế, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của Thanh Hóa”.
Thực hiện Nghị quyết số 41, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU, ngày 30/11/2023; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 12/01/2024 đề ra mục tiêu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng; có năng lực quản trị tiên tiến, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, hình thành một số DN lớn tầm cỡ trong nước và khu vực Đông Nam Á; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Hướng tới hành trình thịnh vượng với những mục tiêu trên, cùng với tiếp tục động viên đội ngũ doanh nhân phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng học tập nâng cao trình độ quản trị DN, chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ; đề cao tính phục vụ và hỗ trợ DN phát triển.
Bên cạnh đó, cùng với tiếp tục “chọn mặt, gửi vàng”, thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ, tập đoàn đa quốc gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm cao thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN; cung cấp thông tin về quy hoạch, tín dụng, thị trường, thuế, sản phẩm, công nghệ; hỗ trợ đào tạo, khởi sự DN, phát triển nguồn nhân lực... Đây được xem là những giải pháp trọng tâm nhằm trợ lực cho “lực lượng nòng cốt” vững bước đi lên - tạo nguồn sức mạnh cho các mục tiêu hướng tới “tỉnh kiểu mẫu” của xứ Thanh.
Tùng Lâm
- 2024-11-04 14:27:00
Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- 2024-11-04 14:10:00
Bảo đảm cung ứng phân bón cho sản xuất vụ đông
- 2024-10-12 11:58:00
Công ty CP Xây lắp Điện lực Thanh Hóa kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Thị xã Nghi Sơn tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân
Triệu Sơn gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp
Thọ Xuân toạ đàm kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam
Chia sẻ cơ hội hỗ trợ tài chính giữa ngân hàng với doanh nghiệp
Công khai danh sách doanh nghiệp, doanh nhân đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen
5 thuật ngữ cần biết trước khi mở thẻ tín dụng
Quản lý, vận hành nhà máy điện an toàn, hiệu quả
Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2024 sẽ được tổ chức tối 11/10
Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tăng tốc những tháng cuối năm