(Baothanhhoa.vn) - Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian qua, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã dần bỏ thói quen sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, phụ thuộc vào thời tiết để ứng dụng khoa học - kỹ thuật, triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Sản xuất rau an toàn trái vụ đạt hiệu quả cao

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian qua, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã dần bỏ thói quen sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, phụ thuộc vào thời tiết để ứng dụng khoa học - kỹ thuật, triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất rau an toàn trái vụ đạt hiệu quả caoDiện tích trồng thì là trái vụ tại thị trấn Thiệu Hóa.

Những ngày này, trên cánh đồng sản xuất rau an toàn tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), người dân đang tích cực thu hoạch rau cần tây trái vụ để chuẩn bị cho vụ mới. Nếu như trước đây, người dân chỉ trồng rau cần tây vào vụ đông và vụ xuân, thì vài năm gần đây đã tăng thêm thu nhập nhờ trồng vào mùa hè. Bà Phùng Thị Loan, một trong những hộ dân tiên phong sản xuất rau cần tây trái vụ, cho biết: “Trồng rau cần tây trái vụ người trồng phải kiên trì, chịu khó, thường xuyên thăm đồng để kịp xử lý sâu bệnh; tuy nhiên, có ưu điểm là thời gian canh tác ngắn, thị trường ưa chuộng nên giá bán cao, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất chính vụ. Do vậy, gia đình tôi luôn duy trì sản xuất gần 3 sào cần tây trái vụ”. Cũng theo bà Loan, cần tây trái vụ trung bình 45 ngày cho thu hoạch 1 lứa, so với vụ đông, giá rau cần trái vụ cao hơn trung bình từ 20 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với chính vụ, có thời điểm giá cao gấp 4 lần.

Đứng trước thực trạng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thiếu tính cạnh tranh,... HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (thị trấn Thiệu Hóa) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương sản xuất rau an toàn; nhất là, định hướng cho người dân các loại rau trồng trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn luôn duy trì hơn 1 ha trồng rau trái vụ, như: cần tây, mùi, thì là, rau cải các loại,... Trong quá trình sản xuất, HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ dân thực hiện đúng theo quy trình VietGAP nên diện tích rau phát triển tốt, chất lượng bảo đảm. So sánh về hiệu quả kinh tế của các hộ trồng rau ở đây, cho thấy: Diện tích được sử dụng trồng rau trái vụ bảo đảm an toàn thường đạt doanh thu trung bình 800 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với trồng chính vụ.

Xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) vốn là địa phương có truyền thống trồng chuyên canh các loại cây rau màu. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều năm nay, bên cạnh các cây trồng chính vụ, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn sản xuất các loại cây trồng trái vụ hoặc sớm hơn so với thời vụ khoảng 1 tháng. Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, cho biết: Hiện nay, xã có khoảng 4 ha trồng rau trái vụ, với những loại cây trồng, như: cà, đậu đỏ, bí xanh, hành,... Trước mỗi vụ sản xuất, xã đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ...; đồng thời, định hướng các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Diện tích trồng rau trái vụ lợi nhuận bình quân đạt từ 200 đến 250 triệu đồng/vụ.

Từ hiệu quả của các mô hình trồng rau trái vụ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các địa phương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, trồng rau trái vụ cũng gặp không ít khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết như ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh, cây trồng kém phát triển hơn so với bình thường,... Vì vậy, khi thực hiện mô hình, người dân phải kiên trì, tuân thủ nghiêm ngặt khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Để mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, các địa phương cần tích cực tuyên truyền về hiệu quả của trồng rau trái vụ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho người dân, hướng người dân sản xuất theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, thường xuyên nghiên cứu thị trường, định hướng cho người dân sản xuất các loại rau được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, tạo điều kiện, thu hút, tìm kiếm các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]