(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trong tỉnh đang ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là do việc xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt chưa hiệu quả khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề thu gom, xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang là bài toán khó đối với các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trong tỉnh đang ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là do việc xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt chưa hiệu quả khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề thu gom, xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang là bài toán khó đối với các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại bãi rác phía Nam huyện Nga Sơn.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.450 tấn/ngày đêm, trong khi đó tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt trung bình cả tỉnh mới chỉ đạt khoảng 82,5%. Những năm gần đây, công tác quản lý, xử lý CTR đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị, địa phương, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp; việc phân loại, tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt còn nhiều hạn chế; phí thu gom, xử lý rác thải thấp... Vì vậy chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nhất là CTR.

Tại huyện Nga Sơn, lượng rác thải sinh hoạt ước tính từ 45 đến 60 tấn/ngày. Thời gian qua, công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực do có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Ở mỗi thôn đều thành lập tổ thu gom rác, sau đó tập kết về những điểm quy định. Hiện tại tất cả các xã, thị trấn đều ký kết với đơn vị thu gom là Công ty TNHH Vệ sinh môi trường Nga Sơn để vận chuyển rác thải tại nơi tập kết đến bãi chôn lấp rác thải phía Nam huyện, nằm trên địa bàn 2 xã Nga Văn và Nga Nhân. Thống kê của Phòng TN&MT huyện Nga Sơn, trong tổng số rác thải sinh hoạt trên địa bàn thì có khoảng 3% là ni lông, tương đương với 0,9 đến 1,2 tấn/ngày; 20% là CTR tương đương từ 9 đến 12 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, người dân mới được hướng dẫn tập trung rác thải sinh hoạt để đội vệ sinh môi trường các xã thu gom vận chuyển đến nơi tập kết song chưa được hướng dẫn, tuyên truyền về phân loại rác, nhất là CTR, gây khó khăn cho đơn vị thu gom trong quá trình phân loại, xử lý.

Được biết, từ tháng 11-2017, huyện Nga Sơn đã đầu tư xây dựng một lò đốt Hataco, công suất 2.500 kg/giờ, hoạt động theo nguyên lý đốt 2 cấp (vùng đốt sơ cấp và thứ cấp) tại bãi rác phía Nam huyện để xử lý rác thải sinh hoạt. Ông Mai Văn Tài, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nga Sơn, cho biết: Theo dự đoán lượng CTR sinh hoạt nhất là CTR nguy hại trên địa bàn huyện ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về loại. Tuy nhiên, hiện phương pháp chủ yếu để xử lý CTR vẫn là chôn lấp, không chỉ gây lãng phí cả về tài nguyên đất lẫn rác, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí ở khu vực bãi rác. Chưa kể, rác thải sinh hoạt thường có độ ẩm cao, nên việc tìm kiếm công nghệ xử lý triệt để, phù hợp rất khó khăn. Mặt khác, việc phân loại rác tại nguồn dù có được triển khai đại trà thì với công nghệ xử lý như hiện nay, để đạt thành công cũng là điều rất khó.

Để xử lý CTR sinh hoạt, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 23 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động 21 lò đốt rác thải. Trong đó, có 10 lò đốt được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và xã với tổng công suất 168 tấn/ngày đêm; 11 lò đốt được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác với tổng công suất 295 tấn/ngày đêm. Đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh, cho biết: Trước những khó khăn bất cập trong xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thì việc xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang trở thành vấn đề cấp thiết. Trước hết, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể cơ sở, hướng dẫn các hộ dân thực hiện cách phân loại rác tại nhà. Về lâu dài, các cấp, ngành chuyên môn cần xây dựng giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa vùng miền và bảo đảm được chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR tại các địa phương.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]