(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, kinh tế trang trại (KTTT) ở huyện Như Xuân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Như Xuân phát triển kinh tế trang trại

Những năm gần đây, kinh tế trang trại (KTTT) ở huyện Như Xuân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện Như Xuân phát triển kinh tế trang trại

Trang trại chăn nuôi gia cầm ở thị trấn Yên Cát. Ảnh: tư liệu của L.N

Ông Lê Khắc Khoa, xã Xuân Hòa là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả để phát triển trang trại trồng cây ăn quả. Cũng từ thành công của ông, hiện nay, nhiều hộ dân xã Xuân Hòa đã mạnh dạn phát triển các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại trồng cây ăn quả nằm giữa bãi đất đồi, ông Khoa chia sẻ: Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ dám trồng thử nghiệm giống cam Xã Đoài, vừa làm, vừa học hỏi và nhận thấy thổ nhưỡng ở địa phương rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả nên tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích để trồng thêm bưởi và ổi. Tuy có nhiều khó khăn, song được sự khuyến khích, động viên và giúp đỡ của chính quyền xã Xuân Hòa, tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí sản xuất. Cũng theo ông Khoa, với mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nên trong quá trình canh tác, ông đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhất là thuốc có nguồn gốc hóa học; để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, ông dùng các chế phẩm sinh học phun lên cây trồng để phòng trừ sâu bệnh. Đất không phụ công người, sau một thời gian, vườn cây ăn quả, với diện tích hơn 6 ha của gia đình ông Khoa đã phát triển tốt và cho thu hoạch. Nói đến đây, ông Khoa vui mừng chia sẻ: Canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ, sản phẩm phải sạch tuyệt đối, công bỏ ra lớn nhưng đầu ra ổn định và giá trị kinh tế lại cao hơn. Cũng bởi vậy mà từ khi trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi vụ thu hoạch, thương lái thường chủ động tìm đến trang trại để đặt mua sản phẩm với số lượng lớn. Hiện nay, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt hơn 1,3 tỷ đồng.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Như Xuân có 350 trang trại; trong đó, có 32 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02-2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ yếu là trang trại tổng hợp, trồng trọt... Đánh giá về việc phát triển KTTT trên địa bàn huyện Như Xuân, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Như Xuân, cho biết: Việc phát triển KTTT đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua những mô hình KTTT, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Đối với các trang trại chăn nuôi, người dân đã từng bước đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố kết hợp với đệm lót sinh học, hầm biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quá trình phát triển KTTT trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, như: Một số trang trại phát triển tự phát, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, đa số các chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, tiếp cận thông tin về thị trường; khả năng đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất của các trang trại còn khó khăn. Việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất đối với chủ trang trại còn gặp nhiều trở ngại, một số trang trại chăn nuôi chưa chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của các trang trại còn hạn chế.

Để KTTT phát huy được tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển KTTT. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Trong chăn nuôi, các địa phương bám sát, kịp thời hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]