(Baothanhhoa.vn) - Nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng tiếp giáp với vùng trung tâm đô thị TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông kết nối để tạo “đòn bẩy” phát triển nhanh và bền vững. 

Huyện Hoằng Hóa ưu tiên nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông kết nối

Nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng tiếp giáp với vùng trung tâm đô thị TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông kết nối để tạo “đòn bẩy” phát triển nhanh và bền vững.

Huyện Hoằng Hóa ưu tiên nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông kết nốiĐường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Ngã tư Goòng, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Hiếu Linh

Khởi sắc từ các công trình

Tháng 1-2022, dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Ngã tư Goòng có tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Người dân Hoằng Hóa và nhiều du khách đi qua đều phấn khởi bởi sự thay đổi rõ rệt từ một công trình điểm nhấn sáng, xanh, sạch, đẹp nơi “cửa ngõ” phía Tây của huyện Hoằng Hóa. Chiều rộng mặt đường được mở rộng lên 16m, 4 làn xe cơ giới, dải phân cách rộng 2m, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng và các hạng mục an toàn giao thông được lắp đặt đồng bộ theo hướng đô thị. Đặc biệt, dự án đã giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, quá tải trên tuyến giao thông chính về huyện Hoằng Hóa, cải thiện điều kiện đi lại của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn khai thác đấu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng khu dân cư thôn Phú Vinh, thị trấn Bút Sơn. Để thực hiện dự án, tổng diện tích phải thu hồi giải phóng mặt bằng là hơn 9.319m2; có 33 hộ dân xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn bị ảnh hưởng về đất ở và đất nông nghiệp, trong đó có 9 hộ liên quan đến đất ở thuộc diện tái định cư. Quá trình giải phóng mặt bằng ở khu vực đất được xem là “đắc địa” cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, song bằng sự quyết tâm, nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân khi nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Trong giai đoạn 2016-2021, nhờ việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn chương trình, dự án, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện từng bước được hoàn thiện, trong đó hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 17 công trình cấp huyện và hàng trăm công trình cấp xã được khởi công xây dựng, trong đó có nhiều dự án giao thông. Năm 2021, huyện đã đôn đốc bàn giao, đưa vào sử dụng 75 công trình cấp huyện, cấp xã, tiêu biểu nhất vẫn là các dự án giao thông, trong đó đã hoàn thành được 9,6km đường giao thông có 4 làn xe trở lên.

Huyện Hoằng Hóa đã chủ động rà soát kế hoạch vốn đầu tư, tập trung nguồn vốn để giải ngân kịp thời, góp phần giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ công trình và phát huy được hiệu quả vốn đầu tư; ưu tiên vốn cho các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm. Chi đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Hoằng Hóa trong năm 2021 là hơn 1.086 tỷ đồng, bằng 221,8% kế hoạch tỉnh giao và bằng 127,9% kế hoạch huyện giao, trong đó ngân sách xã hơn 578 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 508 tỷ đồng, trong đó vốn chi cho các dự án lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ lớn.

Kiên trì khâu đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật

Huyện Hoằng Hóa đang hướng đến mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2030. Để tạo nền tảng vững chắc, chuẩn bị các tiền đề, điều kiện cần thiết để bước sang một giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 1 trong 2 khâu đột phá quan trọng đó là: Đột phá về hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông.

Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm Quyết định số 2869/KH-UBND ngày 26-11-2021 của UBND huyện Hoằng Hóa) đã nêu rõ mục tiêu: Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển đô thị hài hòa với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Về hạ tầng giao thông, huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng số tuyến đường có quy mô từ 4 làn xe trở lên trên địa bàn huyện khoảng 75km (trong đó có 15,2km Quốc lộ). Xây dựng các tuyến đường trục chính theo quy hoạch chung các đô thị: Bút Sơn, Hải Tiến, Phú Quý, Thịnh Lộc đạt 30% theo quy hoạch. Đồng thời, tập trung nâng cấp, cải tạo các đường tỉnh, đường huyện, đường xã, thôn, trong đó các tuyến đường có bề ngang từ 7,5m trở lên, thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ với quy mô theo tiêu chí đô thị. Huyện cũng đặt ra yêu cầu khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phải được đầu tư xây dựng đồng bộ theo tiêu chí đô thị (mặt đường thảm bê tông nhựa, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, viễn thông, rãnh thoát nước được ngầm hóa). Tích cực phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự để triển khai thi công các trục giao thông đối ngoại do tỉnh, Trung ương đầu tư như: đường bộ ven biển, Đại lộ Bắc Sông Mã, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10...

Để phân bố nguồn lực phù hợp, bảo đảm đầu tư phát huy hiệu quả, tránh dàn trải, huyện Hoằng Hóa lựa chọn phát triển theo thứ tự ưu tiên. Trước hết, tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường quan trọng, huyết mạch có tính kết nối vùng, kết nối các cụm, khu công nghiệp, làng nghề và phục vụ du lịch, như: Thịnh Đông, Quỳ-Xuyên; Kim-Quỳ; đường từ Quốc lộ 10 (thị trấn Bút Sơn) đi Khu du lịch Hải Tiến (giai đoạn 1); đường từ Quốc lộ 1A đi Quốc lộ 45; đường giao thông từ cống Phúc Ngư đi Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; đường cầu Bút Sơn – Quốc lộ 10 - Thịnh Đông; đường Hoằng Tiến đi Hoằng Trường... Huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện hiện hữu, thực hiện giải tỏa hành lang giao thông, kết hợp với vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư nâng cấp các tuyến đường đảm bảo theo tiêu chí đô thị. Xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư đối với các tuyến đường thôn, đường xã, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các tuyến đường chuyên dùng, xây dựng đèn tín hiệu, đảo giao thông; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của các cấp, các ngành cho phát triển giao thông.

Riêng đối với các dự án giao thông xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường huyện, liên xã chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách huyện, xã từ đấu giá quyền sử dụng đất; ngoài ra tranh thủ tối đa vốn hỗ trợ các chương trình từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Theo quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của huyện Hoằng Hóa, nguồn vốn bố trí cho các dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư là hơn 3.079 tỷ đồng (từ vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, vốn đầu tư từ nguồn xây dựng cơ bản ngân sách cấp huyện và vốn đầu tư từ nguồn tiền khai thác quỹ đất các hạ tầng). Trong đó lĩnh vực giao thông được ưu tiên hơn 1.022 tỷ đồng để thực hiện các dự án; đồng thời đầu tư hơn 1.391 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tái định cư và tạo nguồn thực hiện các dự án giao thông...

Với sự kỳ vọng phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối bằng những định hướng, giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng huyện Hoằng Hóa tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu huyện Hoằng Hóa đạt đô thị loại IV vào năm 2025 làm tiền đề cho huyện trở thành thị xã trước năm 2030.

Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]