(Baothanhhoa.vn) - Vườn Quốc gia (VQG) Bến En nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, với 31 thôn, bản thuộc vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng (RĐD).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn, bản các khu rừng đặc dụng - “muối bỏ bể”

Vườn Quốc gia (VQG) Bến En nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, với 31 thôn, bản thuộc vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng (RĐD).

Đường bê tông ở thôn Đồng Chèo dài khoảng 100m được đầu tư bằng nguồn kinh phí theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Chính phủ.

Trong đó, huyện Như Xuân có 9 thôn, thuộc 4 xã gồm: Hóa Quỳ, Xuân Quỳ, Tân Bình, Bình Lương, với hơn 500 hộ dân nằm trong vùng lõi các khu RĐD.

Từ trung tâm xã Bình Lương (Như Xuân), vượt gần 10 km đường đất chúng tôi đến thôn Hợp Thành - 1 trong 3 thôn của xã thuộc vùng lõi các khu RĐD của VQG Bến En. Toàn thôn có 71 nóc nhà nằm ven dưới chân những cánh RĐD, quang cảnh thật đìu hiu giữa cái nắng “cháy da, cháy thịt”. Vốn nằm trong vùng lõi RĐD nên các hộ dân ở đây đều thiếu đất sản xuất, thiếu các công trình cơ sở hạ tầng. Cuộc sống của 330 nhân khẩu trong thôn chỉ trông vào 14 ha lúa nước hai vụ, bởi bước ra khỏi cửa nhà là đất RĐD. Năm 2017, thôn Hợp Thành được VQG Bến En hỗ trợ 40 triệu đồng, theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách đầu tư phát triển RĐD giai đoạn 2011-2020”. Nguồn kinh phí này được đầu tư cho các nội dung: Nâng cao năng lực phát triển sản xuất; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn, bản, nhà văn hóa... Sau khi tổ chức họp dân, thôn Hợp Thành thống nhất sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ vào xây dựng nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, theo dự toán, công trình nhà văn hóa thôn Hợp Thành có tổng kinh phí xây dựng khoảng 520 triệu đồng. Như vậy, nguồn kinh phí được hỗ trợ theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg là quá nhỏ. Để có đủ nguồn kinh phí xây dựng công trình nhà văn hóa thôn Hợp Thành, xã Bình Lương đã lồng ghép 400 triệu đồng, thuộc nguồn vốn Chương trình 135 (trong 2 năm 2017 và 2018), còn lại 80 triệu đồng là nguồn đóng góp của nhân dân. Ông Lê Đình Tính, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành, chia sẻ: “Nguồn kinh phí hỗ trợ trên là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của thôn. Với khoản kinh phí 40 triệu đồng, muốn làm cái gì cũng khó”. Vì nguồn kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng thôn, bản theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Chính phủ chẳng khác nào “muối bỏ bể” nên mỗi hộ dân ở thôn Hợp Thành phải đóng góp hơn 1 triệu đồng cho công trình nhà văn hóa và được thu trong 3 vụ sản xuất.

Khác với thôn Hợp Thành, thôn Đồng Chèo lại thuộc vùng đệm khu RĐD của VQG Bến En. Điều khiến chúng tôi băn khoăn khi đặt chân đến thôn Đồng Chèo là hình ảnh con đường bê tông “cụt”, nằm ngay bên cạnh nhà văn hóa thôn. Tìm hiểu mới biết, đó là con đường giao thông dẫn vào một cụm dân cư của thôn. Năm 2017, thôn Đồng Chèo được VQG Bến En hỗ trợ 40 triệu đồng, theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Chính phủ. Vì nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít nên thôn mới làm được khoảng 100m. Còn lại hơn 600m vẫn đang là đường đất, muốn đổ bê tông cả tuyến đường phải có nguồn kinh phí lớn hơn. Câu hỏi đặt ra là, việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng hay nâng cao năng lực sản xuất cho cộng đồng vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD, liệu đã hiệu quả hay chỉ là sự bất cập của một chính sách?!

Toàn tỉnh hiện có hơn 214 thôn, bản nằm trong vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD, thuộc 2 VQG Bến En, Cúc Phương, 3 Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên; Khu Bảo tồn loài Sến Tam Quy và 4 Khu Di tích lịch sử văn hóa, gồm: Lam Kinh, đền Bà Triệu, núi Hàm Rồng, núi Trường Lệ. Do thiếu đất sản xuất, hạ tầng giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi chưa được đầu tư, dẫn đến đời sống của người dân đang sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD gặp nhiều khó khăn. Không việc làm, không thu nhập, nhiều lao động đã “ly hương” để kiếm sống. Trước Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Chính phủ, để hỗ trợ các thôn, bản vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân các thôn, bản. Nhờ vậy, hơn 82.273 ha RĐD được bảo vệ, không bị xâm lấn, khai thác trái phép. Từ năm 2012 đến nay, các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích lịch sử đã triển khai hỗ trợ 8,56 tỷ đồng cho 214 thôn, bản thuộc vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD để nâng cao năng lực phát triển sản xuất của người dân, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Song, nguồn vốn hỗ trợ ít so với nhu cầu thực tế ở các thôn, bản đang dẫn đến những bất cập, như: Đầu tư không đến nơi đến chốn, dàn trải nên không phát huy hiệu quả, huy động sức đóng của người dân lớn, trong khi thu nhập bấp bênh.

Để bảo vệ, phát triển RĐD phải dựa vào người dân sống trong vùng lõi, vùng đệm. Vì vậy, việc đầu tư phát triển sinh kế hay cơ sở hạ tầng thiết yếu cần sát với nhu cầu thực tế, mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn, bản vùng lõi, vùng đệm các khu RĐD.


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]