(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang được khuyến khích, định hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động từ cung ứng các dịch vụ công ích sang dịch vụ cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng đang là trở ngại lớn đối với mục tiêu thay đổi về “chất” của các HTX trong lĩnh vực này. Bên cạnh khó khăn về vốn, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khiến các HTX đang gặp không ít khó khăn, lúng ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các HTX nông nghiệp

Hiện nay, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang được khuyến khích, định hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động từ cung ứng các dịch vụ công ích sang dịch vụ cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng đang là trở ngại lớn đối với mục tiêu thay đổi về “chất” của các HTX trong lĩnh vực này. Bên cạnh khó khăn về vốn, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khiến các HTX đang gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Mô hình nuôi tôm sú tại HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương).

Theo khảo sát, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực sự “khát vốn” để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như văn phòng, trụ sở làm việc, nhà kho, hệ thống nhà lạnh, nhà sơ chế để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Trong bối cảnh nguồn lực thực tế của các HTX còn hạn hẹp, thì việc tiếp cận nguồn vốn các ngân hàng thương mại cũng hết sức khó khăn do đa phần các HTX không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn rất e dè với hình thức cho vay tín chấp. Điển hình như, Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ quy định: Tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay phát triển sản xuất không có tài sản bảo đảm. Trong đó, các HTX có thể được vay từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách này. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lãi suất cho khu vực kinh tế tập thể không những quy mô nhỏ mà còn rất khó tiếp cận.

Với một số HTX khác, mặc dù nguồn vốn thực hiện các dự án đã được bố trí, nhưng lại đang vướng mắc các thủ tục đầu tư xây dựng. Điển hình như tại HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương). HTX này được thành lập tháng 4-2017 gồm 41 thành viên với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX hiện nay là 176 ha, trong đó hộ lớn nhất có diện tích nuôi trồng lên đến 20 ha. Ngay sau khi đi vào hoạt động, HTX phối hợp với UBND xã thực hiện dịch vụ cải tạo vệ sinh đồng nuôi, điều hành nước, ký hợp đồng với các công ty sản xuất giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Vụ xuân hè năm nay, HTX thả 17 triệu tôm sú, 5 triệu tôm thẻ chân trắng, 50.000 con cua càng xanh, 10.000 cá đối nục. Toàn bộ diện tích nuôi trồng được thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, các loại thủy sản đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng 160 tấn. HTX cũng đã liên hệ được một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân; tuy nhiên, do chưa có trụ sở làm việc, điều hành và khu vực cửa hàng giới thiệu sản phẩm nên việc giao dịch với khách hàng, tập trung sản phẩm để tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các thương lái vẫn thực hiện thỏa thuận riêng về giá với từng hộ. Nhiều thời điểm, tình trạng ép giá diễn ra. Ông Phạm Bá Thảo, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính, cho biết: Ngay sau khi thành lập HTX, đơn vị đã đề xuất vị trí để xây dựng nhà điều hành, khu vực giới thiệu sản phẩm với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Nhưng đến nay, HTX vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 954 HTX, trong đó có 590 HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN), chiếm 61,8% tổng số HTX. Hoạt động của các HTX DVNN ngày càng có những chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, một số HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy móc, trang thiết bị đẩy mạnh sản xuất, như: HTX DVNN và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua khay mạ, máy cấy và xây dựng nhà sơ chế rau, củ, quả; HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Yên Bái (Yên Định) đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà kho, sân phơi, mua máy làm đất, mạ khay; HTX DVNN Vạn Xuân (Thường Xuân) đầu tư 450 triệu đồng mua máy phát điện, xây dựng gian hàng thu mua và bán nông sản... HTX kinh doanh nông nghiệp thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) đầu tư 350 triệu đồng xây dựng cửa hàng thu mua và bán nông sản; HTX DVNN Công Liêm (Nông Cống) đầu tư 325 triệu đồng xây dựng nhà sấy lúa...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, qua công tác khảo sát thực tế, tình hình cơ sở vật chất hạ tầng của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Phần lớn các HTX chưa có trụ sở, văn phòng làm việc riêng mà thường phải làm việc, giao dịch tại văn phòng do UBND xã bố trí hoặc xây dựng trong khuôn viên của UBND xã. Số HTX được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn rất ít. Bên cạnh đó, trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất của các HTX còn lạc hậu và chậm được đầu tư đổi mới.

Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, một số chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của các HTX cũng đã được xây dựng. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn, triển khai hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp. Theo đó, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đầu tư trụ sở làm việc, sân phơi, nhà kho, cửa hàng vật tư nông nghiệp; xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, công trình điện, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản... tối đa 80% giá trị đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp nên trên địa bàn tỉnh mới có HTX DVNN và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) tiếp cận được chính sách này. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các tiêu chí để được thụ hưởng chính sách cũng là một vấn đề khó so với năng lực hiện tại của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Để gỡ khó cho các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp về vấn đề này, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nguồn vốn và thực thi chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các HTX, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX khi không có đủ điều kiện về tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần thực sự vào cuộc trong việc tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng để các HTX thuận lợi trong vấn đề tiếp cận, thuê đất. Bản thân các HTX cũng cần năng động, đổi mới trong tư duy sản xuất, tích cực nghiên cứu các dự án, phương án kinh doanh khả thi, nâng cao hiệu quả sản xuất để đáp ứng các tiêu chí quy định khi thực hiện thẩm định vay vốn phục vụ đầu tư phát triển.

Cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, mang tính đặc thù để hỗ trợ các HTX hoạt động

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn trực tiếp và hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Một số HTX đã mạnh dạn tập trung tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nhiều HTX đang gặp khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ, như: Theo quy định, khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 thì HTX phải có trụ sở riêng, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song, tại một số địa phương do quỹ đất hạn chế nên chưa thể cấp đất cho HTX. Chính vì vậy, để hỗ trợ các HTX hoạt động cần có những cơ chế, chính sách ưu tiên, mang tính đặc thù. Theo đó, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ các HTX, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh của HTX, như: Giao, cho thuê đất xây dựng trụ sở, công trình thủy lợi, các cơ sở dịch vụ, bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, đưa tiêu chí phát triển HTX vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư nguồn lực, hỗ trợ HTX.

Bên cạnh đó, các HTX cũng cần huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế và tăng cường liên kết để mở rộng thị trường.

Nguyễn Văn Hưng

Chủ tịch Liên minh HTXThanh Hóa

Khắc phục những tồn tại, hạn chế của HTX

Huyện Nga Sơn hiện có 64 HTX (42 HTX nông nghiệp và 22 HTX phi nông nghiệp). Để phát triển kinh tế HTX, huyện đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, chế biến sản phẩm; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện Nga Sơn đã xây mới 149,6 km đường nội đồng bằng bê tông; nâng cấp sửa chữa 99,6 km kênh mương nội đồng; đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, trạm bơm đồng bộ bảo đảm cho các HTX thực hiện các dịch vụ thủy lợi cho xã viên; giao đất cho một số HTX để xây dựng trụ sở, kho bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch. Hỗ trợ người dân cải tạo, san gạt mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để một số HTX áp dụng mô hình dịch vụ mạ khay, máy cấy vào sản xuất. Một số HTX có cơ sở vật chất khá tốt như: HTX DVNN Nga Yên, HTX DVNN Nga Thanh, HTX DVNN Nga Tân...

Tuy nhiên, hoạt động của HTX trên địa bàn huyện Nga Sơn vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Phần lớn các HTX có quy mô sản xuất, dịch vụ nhỏ; chưa tạo được các chuỗi giá trị sản phẩm lớn, có tầm ảnh hưởng rộng, uy tín trên thị trường. So với các lĩnh vực khác, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các HTX còn thấp; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động HTX vừa thiếu, vừa lạc hậu; công tác tổ chức, quản lý HTX ở nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ. Các HTX chưa khai thác tốt các nguồn lực nội tại từ bên trong HTX và các điều kiện thuận lợi của địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực...

Đặng Văn Huy

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nga Sơn

HTX gặp khó trong xây dựng cơ sở hạ tầng

HTX DVNN xã Công Liêm (Nông Cống) hiện nay đang phát triển và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. 6 tháng đầu năm 2018, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu 62 tấn ớt xuất khẩu, 25 tấn bầu hồ lô, 15 tấn ngô ngọt, 151 tấn khoai tây, 106 tấn lúa giống với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX cũng vừa xây dựng xong cơ sở sấy khô bảo quản lúa sau thu hoạch. Tuy nhiên, HTX đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, như: Văn phòng làm việc đang đặt tạm tại trụ sở UBND xã; chưa có đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phục vụ sản xuất... Bên cạnh đó, hiện HTX phải dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thành viên để vay vốn ngân hàng.

HTX DVNN xã Công Liêm đã đề xuất với chính quyền địa phương được cấp đất xây dựng trụ sở làm việc và gian hàng giới thiệu nông sản cho xã viên nhưng chưa được bố trí.

Mạch Xuân Hồng

Giám đốc HTX DVNN xã Công Liêm, Nông Cống


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]