(Baothanhhoa.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành dịch vụ đã có sự tăng trưởng bứt phá, với tốc độ 8,1%. Qua đó, đóng góp quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành dịch vụ đã có sự tăng trưởng bứt phá, với tốc độ 8,1%. Qua đó, đóng góp quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụHoạt động vận tải hành khách nhộn nhịp tại Bến xe phía Bắc, TP Thanh Hóa.

Một trong những điểm nhấn tăng trưởng KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 là các ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh; hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Đáng chú ý, các chỉ số ghi nhận đều tăng trưởng ấn tượng, một số lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Điển hình như doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 14,1%; tổng lượng khách du lịch tăng 13%, tổng thu du lịch tăng 16,7%, vận chuyển hàng hóa tăng 20,6%, vận chuyển hành khách tăng 53%, doanh thu vận tải tăng 34,5%...

Nổi bật trong đó là hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, một số dự án đầu tư kinh doanh du lịch trọng điểm, quy mô lớn hoàn thành, đi vào hoạt động, như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Flamingo Linh Trường, các dự án khách sạn ở TP Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... Các địa phương có khu du lịch biển đã chú trọng tổ chức các sự kiện lễ hội du lịch biển năm 2023 gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc, chuỗi các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch.

Du khách đến với Thanh Hóa có nhiều sự lựa chọn, trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch mới, như: Tuyến du lịch Làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm đồng quê trên địa bàn TP Thanh Hóa; chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), tại xã Trí Nang (Lang Chánh); chụp ảnh hoa sen trong nội thành Thành Nhà Hồ, chụp ảnh hoa súng tại Khu du lịch Kim Sơn (Vĩnh Lộc)... Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch văn minh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm sẵn có. Các điểm, khu vui chơi, giải trí được các doanh nghiệp đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, như: Động Tiên Sơn - Hàm Rồng, Làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh, Xứ Thanh Eco-villa, Khu vui chơi Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa); Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Tổ hợp Khu vui chơi - nghỉ dưỡng Anh Phát gắn với tuyến du lịch Nghi Sơn - Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn); Làng Du lịch Yên Trung (Yên Định)... Với sự đa dạng của các loại hình du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh đạt hơn 8,3 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ.

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên, nhấn mạnh: Du lịch ngày càng khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP Sầm Sơn với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Số lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn tăng qua các năm, trong 3 năm qua ước đạt 15,8 triệu lượt khách, bằng 77% và doanh thu du lịch cao gấp 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn luôn chiếm từ 65 đến 70% tổng số lượng khách của toàn tỉnh. Du lịch Sầm Sơn ngày càng khẳng định thương hiệu khi có nhiều cơ sở hạ tầng du lịch đẳng cấp và đi vào khai thác; nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách; đô thị du lịch xanh, sạch, đẹp; ứng xử ngày càng văn minh hài lòng du khách.

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, kéo theo hoạt động vận tải cũng hồi phục mạnh mẽ. Ghi nhận tại Bến xe phía Bắc (TP Thanh Hóa), mỗi ngày có khoảng 60 đầu xe vận chuyển hành khách và hàng hóa đi các tỉnh phía Bắc thông qua bến. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp vận tải hành khách, thời điểm này không chỉ có người dân về quê mà còn rất đông khách du lịch và dự báo thời gian tới lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải sẽ còn tiếp tục tăng. Trong những ngày cao điểm, các nhà xe đã lên kế hoạch bảo trì xe, niêm yết giá đầy đủ và cam kết lái xe chấp hành về tốc độ, không chở quá số người quy định...

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụĐoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).

Ông Nguyễn Đức Nga, Trưởng Bến xe khách phía Bắc, cho biết: Thời điểm này, ngoài dịch bệnh được kiểm soát thì đây cũng là dịp “mở cửa” trở lại của ngành du lịch sau thời gian dài “cửa đóng then cài” nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nhất là trong dịp lễ 30 - 4 và 1 - 5 trùng vào dịp cuối tuần, thời gian nghỉ được kéo dài nên nhu cầu đi lại vui chơi của người dân tăng đột biến. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng tăng hơn so với trước. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách theo đó cũng tăng đầu xe và khôi phục lại các tuyến đã dừng hoạt động từ những năm trước. Điển hình, như Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh, Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Đức Phát đầu tư xe mới, khôi phục lại tuyến vận chuyển hành khách Thanh Hóa - Đà Nẵng và ngược lại. Hầu hết các nhà xe đều hoạt động hết công suất, nhiều nhà xe đã gần kín chỗ khi xuất bến. Ban quản lý bến xe cũng yêu cầu các nhà xe thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký, niêm yết giá... và chỉ xuất, nhập bến cho những xe đủ điều kiện, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho hành khách.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2.789 xe ô tô được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, HTX, cá nhân theo các loại hình: Vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt... Để khôi phục dịch vụ vận tải, Sở Giao thông - Vận tải đã chủ động nắm bắt tình hình, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư mới các phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ; liên doanh, liên kết để phát triển hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa có số lượng phương tiện nhiều, chất lượng tốt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của ngành dịch vụ vận tải toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh đạt 35,997 triệu tấn, tăng 20,5%; vận chuyển hành khách đạt 20,852 triệu lượt khách, tăng 57,2%; xếp dỡ hàng hóa qua cảng đạt 23,593 triệu tấn, tăng 12%... Doanh thu vận tải trong 6 tháng đạt 10.402 tỷ đồng, tăng 35% cùng kỳ. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Những điểm sáng trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là động lực để Thanh Hóa hướng đến những mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực dịch vụ những tháng cuối năm 2023: đạt 11,22% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này rất cần sự quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp, ngành và các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Bài cuối: Nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cán đích.

Tin liên quan:
  • Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụ
    Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 3): ...

    Phần lớn dân số tỉnh Thanh Hóa vẫn sinh sống ở các vùng nông thôn, gắn với sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của ngành nông nghiệp là yếu tố quan trọng để ổn định phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Cùng với công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thì nông nghiệp đã tạo thế “chân kiềng” vững chãi cho tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa.

  • Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụ
    Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 2): ...

    Trước nhiều thách thức của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) vẫn đạt được con số đáng khích lệ. Trong thành quả này, ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu trong hành trình khôi phục và phát triển kinh tế sau “bão dịch”.

  • Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 4): Sức vươn ngành dịch vụ
    Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 1): ...

    Bước qua 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực vượt khó và tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn có được những gam màu tươi mới, giữa bối cảnh phải đối mặt với không ít thách thức khó lường.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]