Kiên quyết xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác ngoài mốc giới
Hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng như qua đánh giá của ngành chức năng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động này làm ảnh hưởng đến môi trường và thất thoát tài nguyên, đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép, khai thác ngoài mốc giới.
Hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát tại một điểm mỏ trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 322 giấy phép KTKS còn hạn do UBND tỉnh cấp, 15 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp. Ngoài ra, theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023, có 557 khu vực mỏ khoáng sản, chủ yếu là đá, cát xây dựng, đất san lấp được quy hoạch để khai thác. Theo đánh giá từ ngành chức năng, hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hằng năm từ 800 - 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cũng cho thấy tình trạng KTKS trái phép, khai thác ra ngoài vị trí mỏ được cấp phép; khai thác vượt công suất... ở một số nơi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân của thực trạng trên cũng đã được ngành chức năng chỉ rõ tại nhiều hội nghị chuyên ngành, các cuộc giao ban chuyên môn đó là vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý chưa cao. Đối với việc khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới, một phần trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có mỏ được cấp do chưa kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khách quan khác liên quan đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân tăng so với yêu cầu thực tế; nhận thức trong thực thi quy định KTKS của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế...
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: "Nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động KTKS trái phép, đặc biệt là khoáng sản cát sỏi lòng sông, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát trong hoạt động này. Năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TN&MT đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm một số đơn vị, cá nhân khai thác trái phép, khai thác ngoài mốc giới mỏ được cấp, khai thác vượt công suất như: Công ty Đức Lộc khai thác cát vượt công suất, trữ lượng, ngoài mốc giới tại mỏ cát số 41 xã Quý Lộc, huyện Yên Định; Công ty Tân Hải, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Hà Tân, huyện Hà Trung; Công ty TNHH Phú Sơn, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Nga An, huyện Nga Sơn... Trong năm 2023, đã tổ chức kiểm tra hoạt động KTKS đối với 26 đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cuộc qua phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn KTKS trái phép. Tuy nhiên, tình trạng KTKS trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trước thực trạng này, Sở TN&MT đã xác định tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động khoáng sản. Theo ông Hùng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh là rất rõ ràng, đầy đủ, cụ thể đến từng cấp, ngành, nếu thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn hiệu quả mang lại là rất cao.
Cũng theo ông Hùng, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động KTKS trái phép. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, trong đó tập trung thực hiện chuyên đề đo đạc, xác định trữ lượng đã khai thác đối với một số đơn vị được cấp phép khai thác đất, đá, cát có dấu hiệu khai thác vượt công suất, trữ lượng được phép khai thác và khai thác không đúng thiết kế, khai thác vượt mốc giới. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu các đơn vị phải khắc phục triệt để các vi phạm, dừng khai thác hoặc thu hồi giấy phép nếu có vi phạm nghiêm trọng, đủ điều kiện thu hồi. Cùng với đó tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản...
Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản Nguyễn Thế Hùng cho rằng, nếu thực thi đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên hoạt động khoáng sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ ổn định, hạn chế tối đa được tình trạng KTKS trái phép, khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Phong
{name} - {time}
-
2024-12-13 22:09:00
Quy định mới của Chính phủ về thực hiện đấu giá biển số xe
-
2024-12-13 16:49:00
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trao 196 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
-
2024-03-19 10:06:00
Điển hình xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch – đẹp
Bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung
Yêu cầu Cục Đường bộ làm rõ trách nhiệm chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết
Tái diễn bán hàng “chui” dưới hình thức hội thảo
Quan Sơn phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững
Sôi động thị trường việc làm những tháng đầu năm
Ấm áp tình đồng hương Sầm Sơn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số
Các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với gió Đông Bắc mạnh