Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Xu thế không thể đảo ngược!
Trong rất nhiều hệ lụy mà tham nhũng, tiêu cực gây ra, thì mất cán bộ và làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, là những hệ lụy vô cùng nặng nề. Do đó, tham nhũng đã và đang trở thành một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi một cách chủ động, hiệu quả.
Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2023 của ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố. Ảnh: Quốc Hương
Dấu ấn đột phá
Nói đến “xu thế” là nói đến chiều hướng phát triển hợp quy luật. Theo đó, nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) mà Đảng, Nhà nước ta tiến hành là “xu thế không thể đảo ngược” cũng có thể hiểu, đây là cuộc chiến có tính tất yếu, một xu thế hợp với quy luật phát triển của đất nước ta: Vừa “xây” dựng đất nước, vừa “chống” lại những nhân tố tiêu cực đang kìm hãm sự phát triển đó.
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước đã bước sang một giai đoạn mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu mang tính lịch sử. Đây cũng đồng thời là giai đoạn Đảng, Nhà nước ta tập trung đẩy mạnh công cuộc đấu tranh PCTNTC với nhiều kết quả quan trọng. Điều này được minh chứng bằng các con số “chưa từng có tiền lệ”. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, trong cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Còn tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật.
Cùng với đó, qua công tác thanh tra, kiểm toán các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo...). Đặc biệt, các cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng. Nhiều vụ án đã kê biên, thu giữ tài sản hàng nghìn tỷ đồng như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng, vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỷ đồng, vụ Phạm Công Danh hơn 9.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.770 tỷ đồng...
Đáng nói hơn, nếu như trước đây, hằng năm có một số địa phương không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào, thì vài năm gần đây, tất cả các địa phương trong cả nước đều đã phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng. Trong đó, nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Những con số kể trên cũng chính là dấu ấn đột phá trong công tác PCTNTC những năm qua. Đây cũng là minh chứng cho thấy, công tác chỉ đạo và triển khai các biện pháp đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã và đang được tiến hành một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Đồng thời, PCTNTC không còn là “khẩu hiệu”, mà đã thực sự trở thành một việc làm cần thiết, có tính tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Để rồi, những kết quả quan trọng đạt được đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; cũng như củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương, thì tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTNTC. Con số này cũng đồng thời là minh chứng cho thấy, cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành là đúng với ý nguyện của người dân, hợp với “quy luật lòng dân” – bởi lòng dân sẽ luôn hướng về cái đúng, cái mang lại lợi ích cho dân tộc.
Không ai được đứng ngoài cuộc
Trong xu thế không thể đảo ngược của cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, Thanh Hóa đã và đang có những chuyển động rất tích cực cả về nhận thức và hành động. Trước hết, công tác PCTNTC được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và Nhân dân về công tác PCTNTC. Hệ thống các văn bản quản lý, các cơ chế, chính sách được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Việc thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ tốt hơn. Vai trò giám sát của Nhân dân được đề cao. Công tác thanh tra, kiểm tra; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng đặc biệt được quan tâm...
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn các khâu đột phá, các vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Nhờ đó, mặc dù trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án lớn, gắn với thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện; song hầu hết các sự việc phát sinh đều được xử lý thấu tình đạt lý. Điểm nổi bật là Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, góp phần phòng ngừa và đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản...
Từ đầu năm 2024 đến nay, chủ tịch UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định. Kết quả, đã tiếp 6.875 lượt/7.806 người; 6.188 vụ. Đã giải quyết 3.687/3.979 vụ việc (tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết), đạt tỷ lệ 93%. Thông qua công tác tiếp dân, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã giải đáp băn khoăn, thắc mắc cho công dân về chính sách, pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền đúng quy định các vấn đề phát sinh, góp phần ổn định tình hình cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, Thanh tra tỉnh đã triển khai 29 cuộc thanh tra, ban hành kết luận 20/29 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 25,9 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 11,89 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm đã chỉ ra trong kết luận thanh tra thực hiện kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Thanh Hóa đã đưa một số vụ án phức tạp vào diện theo dõi, để trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Riêng năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh đã quyết định đưa 1 vụ việc, 3 vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm và có khó khăn, vướng mắc vào diện theo dõi, chỉ đạo (nâng tổng số vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo từ khi thành lập đến nay là 17 vụ). Thực hiện kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý đối với các vụ việc, vụ án. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý... Trong đó, đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra một cách thận trọng, bài bản, chặt chẽ đối với vụ án Hạc Thành Tower. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 2 vụ án tại thị xã Nghi Sơn và 2 vụ án tại thị xã Bỉm Sơn. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận giám định, định giá tài sản phục vụ cho việc giải quyết, xử lý đối với 1 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo...
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, vừa trực tiếp kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương... Qua đó, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã thụ lý thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết 10 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra đã giải quyết 6 tin (khởi tố vụ án 3 tin, không khởi tố 2 tin, tạm đình chỉ 1 tin). Thụ lý thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra 27 vụ, 61 bị can; giải quyết 11 vụ, 16 bị can. Viện kiểm sát thụ lý giải quyết 10 vụ, 16 bị can; đã giải quyết 10 vụ, 16 bị can (truy tố). Hai cấp thụ lý thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử 18 vụ, 37 bị cáo; đã giải quyết 16 vụ, 33 bị cáo (xét xử). Tổng số tài sản thiệt hại trên 114,1 tỷ đồng và 16.351m2 đất (trong đó, số cũ là trên 109,95 tỷ đồng và 16.351m2 đất; số mới trên 4,1 tỷ đồng). Số tiền đã thu hồi là trên 12,7 tỷ và 16.351m2 đất; còn phải thu hồi trên 101,39 tỷ đồng.
...
Nhìn lại cuộc đấu tranh PCTNTC hơn một thập kỷ qua, không chỉ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nước đồng tình, ủng hộ, mà nhiều nước trên thế giới cũng đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong đấu tranh với tham nhũng. Trong đó, một tờ báo của Ấn Độ cho rằng, “Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn trên toàn cầu”. Điều này một lần nữa khẳng định, đấu tranh PCTNTC là xu thế không thể đảo ngược. Và do đó, nó đòi hỏi mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân phải cùng cộng đồng trách nhiệm trong cuộc chiến không khoan nhượng và đầy cam go này.
Khôi Nguyên
Bài 2: Cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:48:00
Chỗ dựa vững chắc cho người cao tuổi
-
2024-11-21 09:46:00
Sức mạnh từ “ý Đảng - lòng dân”
-
2024-08-22 08:12:00
Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành, phấn đấu đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh
Thanh Hóa tạo đột phá trong đổi mới công tác cán bộ - Kết quả và bài học kinh nghiệm
MTTQ huyện Đông Sơn phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân
70 năm cuộc trao trả tù binh Việt - Pháp: Trên đường hồi hương, tù binh Pháp ở nhà tôi
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám trên quê hương Hậu Lộc
Thọ Xuân quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới
Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa - thắng lợi của tinh thần chủ động và sáng tạo
Quảng Cư nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế