(Baothanhhoa.vn) - Báo cáo công tác dân nguyện tại Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7 cho biết, giá cả một số mặt hàng, nhất là giá nguyên vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh và đời sống, là một trong những vấn đề cử tri đang lo lắng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm soát lạm phát để thực hiện “mục tiêu kép”

Báo cáo công tác dân nguyện tại Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7 cho biết, giá cả một số mặt hàng, nhất là giá nguyên vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh và đời sống, là một trong những vấn đề cử tri đang lo lắng.

Kiểm soát lạm phát để thực hiện “mục tiêu kép”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này được nhiều người lo sợ sẽ tăng hơn nữa trong những tháng cuối năm sau khi lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở đều tăng từ ngày 1/7/2024.

Việc Quốc hội điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước, điều chỉnh mức lương cơ sở, đem đến niềm vui cho người hưởng lương, nhưng cũng mang theo nỗi lo về “bóng ma” giá cả.

Đây là điều dễ hiểu, bởi song hành với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước nâng cao mức sống xã hội, thì tư tưởng “ăn theo”, “tát nước theo mưa” nhằm trục lợi cũng xuất hiện. Sau một số lần tăng lương, chỉ thời gian không lâu sau giá nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng bất thường.

Việc tăng lương là cần thiết, nhưng dư luận xã hội mong mỏi hơn rất nhiều là phải có các biện pháp kiểm soát tốt thị trường, kiềm chế hiệu quả lạm phát, để việc tăng lương giữ nguyên giá trị, lương và giá không rơi vào cuộc đua “đuổi bắt”...

Không chỉ thế, việc đưa ra được các biện pháp kiềm chế hiệu quả lạm phát còn giúp chúng ta hiện thực các mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 2024 từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao (7%). Nếu dựa trên con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 6,42%, thì điều này hoàn toàn có thể. Tuy nhiên đó là “thuận buồm, xuôi gió”, không có vấn đề lớn phát sinh, đặc biệt là phải thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát.

Kiểm soát lạm phát hiệu quả không chỉ để đảm bảo những mục tiêu vĩ mô, lâu dài, mà còn giải quyết bài toán an dân trước mắt. Những lo lắng, đề xuất của cử tri mà Ban Dân nguyện báo cáo mới đây, là điều rất đáng lưu tâm, đòi hỏi phải có biện pháp kịp thời.

Theo đó, để lạm phát trong tầm kiểm soát, nhất là vào đúng thời điểm tăng lương, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Nhất là phải tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe những kẻ có ý định “tát nước theo mưa”, trục lợi tăng giá sau khi tăng lương. Cùng với đó, cơ quan chức năng và các địa phương cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Thực hiện dự trữ tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra thiếu hàng tạo cơ hội cho gian thương lợi dụng trục lợi.

Nếu đảm bảo tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4 - 4,5% như Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ cùng lúc đạt được mục đích vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng vừa kiềm chế được lạm phát, giữ vững trật tự xã hội; vừa đảm bảo được sự nhân văn của chính sách tăng lương, vừa đảm bảo mức lương mới phát huy giá trị, hiệu quả như mục đích đề ra.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]