(Baothanhhoa.vn) - Phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông ở vùng nông thôn là phong trào hết sức ý nghĩa, được Nhân dân đồng thuận ủng hộ, góp phần làm cho bộ mặt làng quê ngày càng đổi mới, hướng tới tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Song, liên quan đến một nội dung “hậu” hiến đất đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của những người hiến đất chưa được điều chỉnh diện tích theo thực tế, mỗi nơi thực hiện một kiểu, một số nơi còn lúng túng trong việc lập hồ sơ...

Không để người hiến đất “gánh” hệ lụy

Phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông ở vùng nông thôn là phong trào hết sức ý nghĩa, được Nhân dân đồng thuận ủng hộ, góp phần làm cho bộ mặt làng quê ngày càng đổi mới, hướng tới tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Song, liên quan đến một nội dung “hậu” hiến đất đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của những người hiến đất chưa được điều chỉnh diện tích theo thực tế, mỗi nơi thực hiện một kiểu, một số nơi còn lúng túng trong việc lập hồ sơ...

Không để người hiến đất “gánh” hệ lụySau khi người dân đồng thuận hiến đất, các công trình rãnh thoát nước, đường giao thông ở thôn 5, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) đang được thi công.

Lúng túng trong lập hồ sơ

Thôn 5, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) đang trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí của thôn NTM kiểu mẫu. Sau các buổi vận động, phong trào hiến đất ở đây “nở rộ” khi có hàng chục hộ dân hiến đất để mở rộng đường. Gia đình ông Nguyễn Văn Liêu là một trong số đó. Theo ông Liêu, hiến đất mở rộng đường là việc nên làm bởi giao thương sẽ thuận tiện hơn, cuộc sống văn minh hơn, người dân cũng được thụ hưởng đầu tiên. Tuy nhiên, điều khiến các hộ dân còn băn khoăn là vấn đề giấy tờ, thủ tục sau hiến đất. “Thửa đất của gia đình tôi đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 2012 với diện tích 669m2. Đầu năm 2023, gia đình đã hiến 42m2 để mở rộng đường. Diện tích thực tế hiện nay thay đổi so với GCNQSDĐ nên tôi chỉ lo ngại sau này thêm rắc rối vì việc làm lại GCN, sợ mất thêm tiền để đo vẽ lại hồ sơ thửa đất, rồi lại phải ngược xuôi đến xã, đến huyện để làm các thủ tục”, ông Liêu chia sẻ.

Cùng nỗi trăn trở, ông Nguyễn Văn Nhật - một trong những hộ hiến nhiều đất ở xã Hoằng Thái, cho rằng: “Người dân không tiếc đất đã hiến, nhưng lo ngại sau này gặp rắc rối khi đăng ký biến động đất đai không được cập nhật kịp thời. Vì vậy, tôi mong muốn sớm được hướng dẫn để làm lại GCNQSDĐ của gia đình cho đúng diện tích đất thực tế, kẻo sau này lại liên quan đến cả vấn đề thu thuế đất phi nông nghiệp”. Được biết, gia đình ông Nhật có 2 lần hiến đất để mở rộng các trục đường giao thông ở xã Hoằng Thái. Không chỉ hiến 65,5m2 trong tổng số 680m2 đất thổ cư của gia đình ở thôn 5, con trai ông Nhật đã hiến 17m2 trong tổng số hơn 200m2 đất ở để mở rộng trục đường chính của xã.

Ở xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2023, đã có hàng chục hộ dân hiến hơn 500m2 đất ở để mở rộng đường giao thông và xây rãnh thoát nước dân cư. Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân Lê Hoài Nam, thông tin: Đối với các hộ hiến đất, UBND xã đã lập biên bản công nhận việc hiến đất với sự tham gia của xã, thôn và chủ hộ dân, có đo vẽ hiện trạng thửa đất để làm hồ sơ căn cứ. Nếu hộ dân có nhu cầu đề nghị cấp đổi GCNQSDĐ hoặc đề nghị đăng ký biến động thì xã sẽ hướng dẫn các hộ thủ tục thực hiện tiếp theo.

Xã Quảng Trường (Quảng Xương) là một trong những xã NTM nâng cao. Đường quê NTM được mở rộng khang trang với toàn bộ 3,7km đường trục xã được thảm nhựa với chiều rộng mặt đường đều đạt từ 4,5m đến 6m; gần 8km đường trục thôn và liên thôn trong xã cũng được bê tông hóa với chiều rộng nền đường từ 4m trở lên. Diện mạo khang trang đó là nhờ vào phong trào hiến đất của các hộ dân trong xã với tổng diện tích hiến hơn 10.000m2 đất.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, cho biết: “Tổng số hộ dân hiến đất của xã Quảng Trường chiếm khoảng 60% tổng số hộ dân có đất ở nằm trên các trục đường giao thông của xã. Trên địa bàn xã Quảng Trường có một số tuyến như đường Lĩnh – Trường – Vọng, đường Quảng Trường – Quảng Hợp được Nhà nước đầu tư, giao cho huyện, xã thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, có quyết định thu hồi đất thực hiện dự án nên đã kịp thời điều chỉnh diện tích trong GCNQSDĐ cho người dân. Tuy nhiên, đối với giao thông nông thôn thì rất khó trong việc lập hồ sơ xác nhận. Các dự án mở rộng giao thông nông thôn hầu hết là do cộng đồng dân cư tự thực hiện. Có hộ ít chỉ hiến vài mét vuông, có hộ thì vài chục mét vuông, có hộ cả trăm mét vuông. Việc điều chỉnh diện tích đất thực tế so với GCNQSDĐ hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng đang là nội dung được nhiều bà con đề nghị, song chính quyền địa phương còn lúng túng trong thực hiện”.

Cần hướng dẫn cụ thể, thống nhất

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2021-2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng nghìn hộ dân tham gia hiến đất XDNTM với tổng diện tích đất là hơn 34 ha, trong đó có cả đất ở, đất nông nghiệp... Qua tiếp xúc trực tiếp với một số hộ dân hiến đất, trưởng thôn, bí thư chi bộ ở các xã, thị trấn có nhiều người hiến đất, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, các hộ dân đã vì cộng đồng mà hiến đất thì cơ quan chức năng cũng cần có sự ghi nhận thiết thực, cụ thể theo hướng miễn phí đăng ký biến động đất đai và hết sức tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các thủ tục giấy tờ về đất đai.

Bà Lê Thị Toàn, bí thư chi bộ thôn 5, xã Hoằng Thái cho biết: Trong quá trình vận động các hộ dân hiến đất, nhiều hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để các hộ cấp mới hoặc đăng ký biến động về diện tích trên GCNQSDĐ; đồng thời có cơ chế linh hoạt hỗ trợ một phần kinh phí để người dân xây dựng lại tường rào, cổng ngõ cho đỡ thiệt thòi.

Ông Trương Thế Duyên, thôn trưởng thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) cũng cho rằng: “Nên tạo điều kiện hết sức cho người dân khi có nhu cầu về giấy tờ đất đai, ngắn gọn các thủ tục cấp mới, cấp lại GCNQSDĐ và có cơ chế “mở” cho những hộ dân hiến đất, hiến công trình trong thực hiện xây dựng công trình công cộng, nhất định không để người hiến đất “gánh” hệ lụy về sau khi có nhu cầu làm giấy tờ về đất”.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Phượng, Công ty TNHH Lê Phượng Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc “hiến đất” mà chỉ có quy định về trình tự, thủ tục tặng cho QSDĐ để xây dựng công trình công cộng. Tại Khoản 3 Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Trường hợp người sử dụng đất tặng cho QSDĐ để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho QSDĐ theo quy định. Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào văn bản tặng cho QSDĐ đã được UBND cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp GCN đã cấp để xác nhận thay đổi. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp GCN thì thu hồi GCN để quản lý”. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định về các chính sách miễn phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai trong trường hợp hiến đất.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân và khuyến khích người dân hiến đất vì mục đích công cộng trong khi chưa có văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn đối với trường hợp này thì cần vận dụng linh hoạt các quy định về “tặng cho QSDĐ” đã được ghi nhận trong Luật Đất đai cũng như Bộ luật Dân sự. Theo đó, khi người dân hiến đất, các bên cần lập hợp đồng tặng cho QSDĐ, trong đó nêu rõ bên nhận tặng cho (là cơ quan Nhà nước) có trách nhiệm thực hiện các thủ tục đăng ký biến động và chịu toàn bộ chi phí đăng ký biến động (hoặc miễn toàn bộ chi phí đăng ký biến động), cấp lại GCNQSDĐ cho bên tặng cho. Trường hợp này, sẽ phát sinh 2 vấn đề: Một là, nguồn kinh phí nào để cơ quan Nhà nước bỏ ra thực hiện các thủ tục đăng ký biến động QSDĐ cho người dân hoặc căn cứ nào để miễn toàn bộ chi phí này. Hai là, cơ chế pháp lý nào để cơ quan Nhà nước đứng ra nhận tặng cho QSDĐ, thực hiện các thủ tục về đăng ký biến động QSDĐ cho người dân. Đây là những vấn đề khó, nếu không tháo gỡ được thì chính cơ quan Nhà nước cũng sẽ lúng túng khi thực hiện.

Do vậy, nên chăng trước khi vận động người dân hiến đất vì mục đích công cộng thì địa phương nơi vận động hiến đất cần xây dựng được cơ chế rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi người dân hiến đất cũng như cơ chế tài chính để thực hiện đăng ký biến động QSDĐ cho người dân. Việc lập hợp đồng tặng cho có quy định rõ trách nhiệm của các bên sẽ mang ý nghĩa lớn, bởi lẽ đây là một phương thức giúp người dân yên tâm, vui vẻ khi hiến đất; đồng thời cũng là một căn cứ pháp lý để cơ quan Nhà nước thực hiện mà không e ngại có sự sai phạm.

Đối với những trường hợp đã thực hiện hiến đất và người hiến đất đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đăng ký biến động, cấp lại GCNQSDĐ thì cơ quan Nhà nước cần có trách nhiệm sớm tìm phương án tháo gỡ phù hợp theo hướng thuận lợi cho người dân. Nên có quy định người dân được miễn toàn bộ chi phí đăng ký biến động và được cơ quan Nhà nước hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Các bên cũng cần lưu ý, theo quy định tại Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tặng cho bất động sản có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Do vậy, nếu không thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định thì mặc dù, trên thực tế có thể diện tích đất đã được sử dụng vào mục đích công cộng nhưng về pháp lý thì việc tặng cho (hiến) đất chưa có hiệu lực pháp luật.

Việc hiến đất, hay là tặng cho QSDĐ góp phần quan trọng vào việc xây dựng các công trình công cộng, phục vụ đời sống dân sinh. Thực tiễn này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần phải khẩn trương hướng dẫn cụ thể, xây dựng chính sách đặc thù tạo thuận lợi để người dân thực hiện quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, để không gây hệ lụy phức tạp về sau cho người hiến đất. Đây cũng là một cơ chế cần thiết để người dân tin tưởng, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển các phong trào ở địa phương.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]