(Baothanhhoa.vn) - Lĩnh vực nông nghiệp đa dạng ngành nghề vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để những người trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp. Song, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi những trăn trở và trợ lực đường dài để các mô hình phát triển bền vững.

Khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp - trăn trở để phát triển bền vững

Lĩnh vực nông nghiệp đa dạng ngành nghề vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để những người trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp. Song, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi những trăn trở và trợ lực đường dài để các mô hình phát triển bền vững.

Khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp - trăn trở để phát triển bền vữngNgoài dưa vàng là sản phẩm chủ lực, chị Lê Thị Nhung - “bà chủ” của Nông trại Nhung Farms đang trăn trở hướng phát triển mới với những sản phẩm chế biến từ khoai tây. Ảnh: CTV

“Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung thực hiện. Từ đó, một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đã ra đời, thổi “làn gió mới” trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. HTX nông nghiệp xanh, CNC Hồng Nhuệ (còn gọi là Nông trại Nhung Farms) có địa chỉ tại xã Hoằng Thắng là một trong số đó.

Được thành lập năm 2020, Nhung Farms đầu tư xây dựng 6.500m2 nhà màng và hơn 2ha ngoài trời làm nơi sản xuất chính... Sản phẩm chủ lực của HTX là dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo... Ngoài ra, tùy mùa vụ, HTX còn cung cấp ra thị trường các loại rau dinh dưỡng khác. Nhung Farms còn ký hợp đồng liên kết sản xuất với 5 đơn vị vệ tinh khác ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống... để cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Sản phẩm của Nhung Farms đã có mặt tại hệ thống thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở một số tỉnh, thành và thường xuyên góp mặt tại các hội chợ quảng bá, các phiên chợ giao lưu, kết nối để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Nói về hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Nhung Farms, “bà chủ” Lê Thị Nhung chia sẻ: “Hơn 4 năm “bắt tay” vào lĩnh vực nông nghiệp, nhìn nhận lại quá trình thực sự thấy khá vất vả. Làm nông nghiệp thuần túy ngoài trời thì không mang lại hiệu quả, còn đầu tư các khu sản xuất nhà màng đồng bộ thì chi phí ban đầu bỏ ra lớn mà thu hồi vốn chậm, cần kiên trì, quyết tâm và cần một chiến lược dài hơi thì mới có thể trụ vững và mang lại kết quả”.

Theo chị Nhung, giai đoạn đầu khi bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, chị chỉ mong muốn đơn giản là có một khu trang trại của riêng gia đình để trồng những thứ mình thích, làm những điều mình muốn, được sử dụng sản phẩm từ nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Song, dấn thân vào con đường khởi nghiệp nông nghiệp, chị ngày càng thấu hiểu nỗi vất vả của những người nông dân địa phương, càng mong muốn làm được điều gì đó để đóng góp cho nông nghiệp.

Nhận thấy tiềm năng dồi dào từ nguồn nguyên liệu khoai tây được bà con nông dân huyện Hoằng Hóa sản xuất trên các cánh đồng, đầu năm 2024, Nhung Farms đã đầu tư hơn 350 triệu đồng để mua sắm máy móc, vận hành thử nghiệm dây chuyền chế biến để làm các sản phẩm snack khoai tây và khoai tây đông lạnh. Sau vụ đầu tiên thử nghiệm, chị Lê Thị Nhung đánh giá: “Với nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng của bà con nông dân trong vùng, cộng với nhu cầu của thị trường, đây là hướng đi khá khả quan để có thêm các loại sản phẩm chế biến, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chúng tôi chưa có nhiều điều kiện về vốn, mặt bằng để đầu tư máy móc, trang thiết bị, kho lạnh cũng như quy mô nhà xưởng đồng bộ để sản xuất số lượng lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu. Mọi nguồn lực hiện tại hoàn toàn đang phải “tự bơi” nên còn nhiều rào cản. Song, Nhung Farms đã đưa ra lộ trình dự kiến trong 5 năm tới sẽ nỗ lực để hiện thực ước mơ có một nhà xưởng nhỏ đồng bộ để thỏa sức đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Phát triển nông nghiệp sạch, NNCNC là hướng đi tất yếu, bởi đó là cách thức đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. HTXNN CNC Điền Trạch được thành lập tại thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) với mô hình sản xuất các sản phẩm dưa vàng, dưa chuột... trên các khu trang trại CNC đã và đang nỗ lực thực hiện “sứ mệnh” đó. Từ 1,5ha sản xuất ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng quy mô nhà màng, nhà lưới với diện tích hơn 3,5ha. Điểm đặc biệt là nông trại sản xuất ở Điền Trạch áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, vật tư đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ. Đây chính là nền tảng để sản phẩm của Điền Trạch tiếp cận thị trường và có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, một số tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. HTX hiện đang đồng hành, dẫn dắt 15 thành viên là các hộ dân ở thôn Điền Trạch cùng tham gia vào quy trình sản xuất NNCNC...

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu dưa Điền Trạch cũng như mở rộng thị trường hiện nay gặp phải vô vàn khó khăn. Anh Đặng Đình Hải, Giám đốc HTXNN CNC Điền Trạch và một số cộng sự của mình, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc mở rộng thị trường đầu ra của sản phẩm. Kinh tế suy thoái, mức thu nhập của người dân giảm, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức tiêu thụ những sản phẩm chất lượng như dưa vàng cũng giảm sút. Trong khi đó, thị trường hiện nay cũng khá đa dạng các dòng sản phẩm dưa vàng khác nhau, mức giá khác nhau, thậm chí nhiều lúc sản phẩm của những nông trại CNC bị “đánh đồng” với sản phẩm thông thường, bị so sánh về giá bán nên khó tiếp cận, mở rộng đối tượng khách hàng mới... Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ngày càng khó, hệ thống nhà màng vẫn chỉ độc canh dưa vàng và một số cây trồng khác, chưa tìm được loại cây trồng phù hợp để luân canh canh tác. Công nghệ là “chìa khóa” phát triển của các mô hình NNCNC, song đầu tư hệ thống máy móc hiện đại tốn kém, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng, thi thoảng gặp sự cố thì HTX khá vất vả ở khâu sửa chữa. Lĩnh vực nông nghiệp rất cần nguồn vốn để đầu tư sản xuất, song từ khi bắt đầu đến nay, HTXNN CNC Điền Trạch chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay dành cho lĩnh vực này.

Mỗi một cá nhân hay tổ chức khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức riêng đến với nông nghiệp nhưng ở họ có một điểm chung là đam mê, quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương. Với những điều dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, hy vọng họ sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để các mô hình ngày càng chuyển mình với những gam màu tươi sáng hơn.

Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]