Khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng
Những năm qua, huyện Vĩnh Lộc luôn chú trọng xây dựng và phát triển các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ nhằm khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.
Các CLB, đội văn nghệ xã Vĩnh Long tích cực tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương.
Được thành lập năm 2006, với 19 thành viên, sau nhiều năm hoạt động, CLB hát chèo Xuân Áng hiện có 26 thành viên. Đây là một trong những CLB văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả, tạo ra sân chơi lành mạnh, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến phong trào văn nghệ quần chúng của xã Vĩnh Long. Những năm đầu thành lập CLB gặp rất nhiều khó khăn, thiếu kinh phí hoạt động, nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong xã, đặc biệt là lòng đam mê với các giá trị truyền thống của các thành viên, CLB có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng của xã Vĩnh Long phát triển. Ngoài việc tập luyện các tiết mục, trích đoạn chèo phục vụ cho các sự kiện chính trị, ngày lễ, kỷ niệm của xã, huyện, CLB còn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong xã tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Hà Thị Điền, Chủ nhiệm CLB hát chèo Xuân Áng, cho biết: Mặc dù tuổi đời khác nhau, nhưng các thành viên có điểm chung là đam mê nghệ thuật chèo và mong muốn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ban ngày lao động vất vả, ban đêm anh, chị em trong CLB lại tập hợp tại nhà văn hóa thôn để tập luyện thỏa niềm đam mê.
"Hiện nay, xã Vĩnh Long có 3 CLB và 9 đội văn nghệ quần chúng. Những năm qua, bằng tình yêu, tâm huyết, trách nhiệm với phong trào văn nghệ của địa phương, các thành viên trong các CLB, đội văn nghệ đã nỗ lực vượt khó cống hiến hết mình cho phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương. Trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện, tỉnh, các CLB, đội văn nghệ tham gia đều đoạt giải cao. Thời gian tới, xã Vĩnh Long tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp hỗ trợ kinh phí để cho CLB, đội văn nghệ mua sắm trang phục, nhạc cụ phục vụ tập luyện, biểu diễn” - ông Vũ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, cho biết.
Cùng với xã Vĩnh Long, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã quan tâm tới việc thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin, huyện Vĩnh Lộc có 116 CLB văn hóa, văn nghệ. Hiện các CLB này đang là nòng cốt của phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Vĩnh Lộc. Hằng năm, ngoài việc dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ Nhân dân vào các dịp lễ, tết của đất nước, lễ hội truyền thống của địa phương, các CLB còn chú trọng tới việc thu hút hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ tuổi. Bên cạnh đó, các CLB, đội văn nghệ còn phối hợp với ban công tác mặt trận thôn, khu phố, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương thông qua hình thức sân khấu hóa, được Nhân dân tiếp nhận hiệu quả.
Được biết để thúc đẩy các CLB, đội văn nghệ hoạt động hiệu quả, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn để các CLB có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Quan tâm hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn, khu phố, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn để các CLB hoạt động.
Ông Cao Văn Bình, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Các CLB đã tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho những người đam mê văn hóa, văn nghệ; làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật biểu diễn, phục vụ nhu cầu của đông đảo quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Phòng Văn hóa – Thông tin tham mưu với UBND huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các CLB, đội văn nghệ dân gian, truyền thống. Trong đó, ưu tiên phát triển, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành thế hệ kế cận trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với các lễ hội truyền thống, liên hoan văn hóa, văn nghệ. Qua đó, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, động viên Nhân dân lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-03-16 09:50:00
Tôn vinh giá trị di sản văn hóa Lễ hội Đền Bà Triệu
[E-Magazine] - Đường về tháng ba
Gia tăng trải nghiệm cho du khách dịp đầu xuân
Báo Anh ngỡ ngàng với vẻ đẹp ngôi làng châu Âu trên đỉnh núi Bà Nà
BLACKPINK là nhóm K-pop nữ đầu tiên có bài hát vượt 1 tỷ lượt nghe trên Spotify
Chợ phiên Ngàm Pốc - nơi hội tụ sắc màu vùng cao
Các văn nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị
Spotify chính thức “lấn sân” sang thị trường video ca nhạc
[Podcast] - Tản văn: Hương sắc giêng hai quê nhà
Quan Hóa: Sẵn sàng tổ chức Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao