(Baothanhhoa.vn) - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa phát đi cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không dùng phần mềm Zoom

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa phát đi cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không dùng phần mềm Zoom

Theo Cục An toàn thông tin, qua các lỗ hổng tồn tại trên Zoom, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc... (Ảnh minh họa: techradar.com)

Cục An toàn Thông tin khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần cân nhắc sử dụng phần mềm này. Ứng dụng Zoom có nhiều lỗ hổng bảo mật chưa được xử lý triệt để, gây lộ thông tin cá nhân và đường dẫn vào các cuộc họp, học trực tuyến.

Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho hay, các nội dung lộ từ Zoom bao gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL của các cuộc họp và mật khẩu kèm theo. Từ đầu năm 2020, nhiều lỗ hổng bảo mật của Zoom đã được công bố nhưng chưa được hãng khắc phục triệt để, như CVE-2020-11500 với mức độ nguy hiểm cao có thể khiến tin tặc xem được hình ảnh trong cuộc họp mà không cần tên, mật khẩu. Lỗi này chưa có bản vá. Lỗ hổng CVE-2020-11469 tồn tại trên phiên bản Zoom 4.6.8 khiến máy tính của người dùng có thể bị chiếm quyền điều khiển từ xa. Lỗi CVE-2020-11470 giúp tin tặc có thể truy cập trái phép vào camera, micro của người dùng...

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng, Cục An toàn thông tin vừa đưa ra khuyến cáo về phần mềm Zoom.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước được khuyến cáo không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình.

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác, Cục An toàn thông tin cho rằng cần cân nhắc cẩn thận khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom cho các hoạt động học trực tuyến, trao đổi trực tuyến hoặc các tổ chức hội họp khác.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến nghị ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VNG, CMC, Nhân Hòa…

Riêng với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa, Cục An toàn thông tin đề nghị phải trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật cho phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho người sử dụng, có đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.

Đối với người sử dụng các phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa, văn bản cảnh báo của Cục An toàn thông tin nêu rõ, cần chú ý tải phần mềm tải phần mềm từ các nguồn chính thống, thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm. Không chia sẻ thông tin về phòng họp (ID, mật khẩu) để tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại.

Bên cạnh đó, người dùng cần thiết lập các cấu hình bảo mật cao trên các phần mềm họp trực tuyến. Cụ thể, người dùng cần đặt mật khẩu phức tạp cho các buổi họp; Kích hoạt chế độ xét duyệt người tham gia trước khi vào phòng họp; Thiết lập các tính năng quản lý việc chia sẻ màn hình trong buổi họp; Hạn chế việc lưu lại nội dung buổi họp trong trường hợp không cần thiết.

Cục An toàn thông tin cũng lưu ý, với những người dùng đã sử dụng phần mềm Zoom, cần thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.

Trường hợp phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Zoom Cloud Meetings là một trong những phần mềm họp từ xa được nhiều công ty, trường học sử dụng nhất trong thời gian cách ly để ngăn chặn COVID-19. Tuy nhiên, nền tảng này liên tục gặp sự cố về quyền riêng tư và rò rỉ dữ liệu.

Ngày 27-3, ứng dụng Zoom trên iOS bị phát hiện âm thầm gửi dữ liệu người dùng đến Facebook, bao gồm thông tin chi tiết về thiết bị, múi giờ, thành phố, nhà mạng và số nhận dạng quảng cáo của người dùng. Thông qua đó, bên thứ ba có thể sử dụng để quảng cáo tới đối tượng phù hợp. Vài ngày sau, Zoom đã cập nhật gỡ bỏ tính năng này.

Ngày 1-4, trang Motherboard phát hiện Zoom tiết lộ địa chỉ email, hình ảnh người dùng cho người lạ. Vấn đề liên quan đến tính năng Company Directory, tự động thêm một nhóm người vào danh sách liên lạc nếu đăng ký với địa chỉ email có tên miền giống nhau.

Vài ngày sau, Bleeping Computer cảnh báo phần mềm Zoom Desktop Client trên Windows có thể bị hack để đánh cắp mật khẩu. Tìm hiểu kỹ hơn, The Intercept phát hiện các cuộc gọi Zoom không được mã hóa đầu cuối, trái với những gì mà dịch vụ này khẳng định.

Ngoài ra, ứng dụng Zoom trên macOS bị phát hiện có đoạn mã cài ứng dụng vào máy trước cả khi người dùng bấm Cài đặt (Install). Patrick Wardle, nhà nghiên cứu bảo mật của Jamf cũng phát hiện 2 lỗ hổng zero-day cho phép kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát micro và webcam.

Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đã ghi nhận hàng loạt lớp học và phòng họp ảo trên Zoom bị hacker phá rối bằng hình ảnh phản cảm và ngôn từ thù địch. Tuần qua, Bộ Giáo dục Singapore cấm dùng Zoom cho công tác giảng dạy trực tuyến sau khi một người đàn ông lạ mặt xâm nhập một lớp học và buông lời chọc ghẹo nữ sinh. Ngoài Singapore, nhiều khách hàng lớn khác của Zoom như quân đội Mỹ, chính phủ Đức, Đài Loan, công ty Tesla và SpaceX áp dụng lệnh cấm tương tự.

Gần đây nhất, công ty bảo mật Cyble (Mỹ) phát hiện 530.000 tài khoản Zoom bị hacker rao bán với giá “rẻ như cho” trên một diễn đàn Dark Web.

Eric Yuan, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Zoom, công khai xin lỗi về bê bối gần đây. Ông thừa nhận, công ty phát triển quá nhanh và không lường trước vấn đề bảo mật trên nền tảng. Công ty ngừng phát triển tính năng mới trong 90 ngày để tập trung vá lỗi và bổ sung thiết lập an toàn.

PV


PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]