Hiện vật... kể chuyện xứ Thanh anh hùng
Có từng sống và chiến đấu trong những năm tháng vất vả và gian lao nhất của chiến tranh mới hiểu được cái giá của hòa bình, của độc lập - tự do. Thế hệ cháu con hôm nay, chưa một ngày biết thế nào là “khoét núi, ngủ hầm”, bom rơi đạn nổ, “sống giờ chết giờ” nhưng chưa bao giờ lãng quên đi quá khứ, quên đi những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Ngày nay, những nhân chứng sống, những tư liệu, hiện vật được lưu giữ vẫn tiếp tục kể câu chuyện về dân tộc Việt Nam anh hùng, xứ Thanh anh hùng.
Súng và nòng súng cao xạ được quân ta sử dụng trong chiến đấu, bảo vệ Hàm Rồng những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1972).
Âm vang trống lệnh
Không phô trương hay vạm vỡ về kích thước, cầu kỳ về kiểu dáng, chiếc trống lệnh mà quân và dân Hoằng Hóa sử dụng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24/7/1945 nằm ngay ngắn ở giá đỡ, trong không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên đất Thanh Hóa của Bảo tàng tỉnh. Màu thời gian cùng các vết xước, rách trên mặt trống, tang trống như mở cánh cửa lịch sử, đưa du khách về với sự kiện vẻ vang trên quê hương Hoằng Hóa.
Những tháng đầu năm 1945, cao trào chống Nhật cứu nước ở tỉnh Thanh Hóa đã phát triển rầm rộ. Cùng với các phong trào phá kho thóc để cứu đói, sắm vũ khí tự vũ trang chống Nhật liên tiếp nổ ra. Có những cuộc biểu tình kéo dài hơn 20km, càng đi càng khí thế, thu hút sự hưởng ứng đông đảo của người dân. Các cuộc rải truyền đơn, diễn thuyết, tuyên truyền hưởng ứng Việt Minh liên tục được tổ chức tại các địa phương như: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Hà Trung. Mặt trận Việt Minh ở nhiều tổng, huyện, phủ được thành lập. Kẻ thù hoang mang, dao động. Hệ thống chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật ngày càng rệu rã...
Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ở Hoằng Hóa mạnh mẽ khắp làng quê. Để cứu vãn cục diện, quân địch tăng cường đàn áp hòng dập tắt phong trào cách mạng đang bừng bừng khí thế trên mảnh đất này. Ngày 13/7/1945, phát xít Nhật cùng tỉnh trưởng bù nhìn phái một đơn vị bảo an gồm 34 tên được trang bị vũ khí do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa để cùng với tri phủ khủng bố 2 khu vực Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Trước âm mưu của địch, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tập trung quân tự vệ, chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón, Đằng Trung (Hoằng Đạo). Tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long (Liên Châu – Hóa Lộc) và các làng lân cận bố trí lực lượng sẵn sàng đợi lệnh.
Sáng 24/7/1945, quân địch do tri phủ Phạm Trung Bảo dẫn đầu tiến về Hoằng Hóa. Khi tới Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo), chúng lọt vào trận địa phục kích của lực lượng tự vệ Đằng Trung. Sau khi giằng co quyết liệt, Phạm Trung Bảo cùng toàn bộ quân lính bị khuất phục, bắt sống, 12 khẩu súng bị ta tịch thu. Lực lượng tự vệ và Nhân dân Hoằng Hóa đã áp giải quân địch cùng tri phủ Phạm Trung Bảo về tạm giữ tại đình Đằng Trung chờ xét xử. Một toán quân khác do Quản Hiến cầm đầu kéo xuống Liên Châu - Hóa Lộc thì bị trung đội tự vệ cảm tử do đồng chí Lê Văn Tướn chỉ huy tập kích, phải tìm đường tháo chạy. Ngay buổi trưa hôm đó, Chi bộ Đảng và ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây trong sự vui mừng, hân hoan của quân và dân Hoằng Hóa. Bản cáo trạng tố cáo tội ác của tri phủ Phạm Trung Bảo và chính quyền tay sai đanh thép vang lên trước sự chứng kiến của hàng nghìn người.
Trong những thời khắc lịch sử hào hùng ấy, tiếng trống lệnh vang vang như thúc giục lòng người, cổ vũ tinh thần, ý chí, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Hoằng Hóa. Đó là âm vang của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa. Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Tiếng pháo cao xạ trong “những ngày đen tối” của không lực Hoa Kỳ
Bệ vệ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh chiếc máy bay MIG-17, số hiệu 3029 và nòng pháo cao xạ 57mm của quân đội ta sử dụng trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm kháng chiến chống Mỹ trường kỳ (1965-1972) là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. “Giá mà đừng có chiến tranh” - câu nói như tiếng thở dài của người phụ nữ khoác trên mình bộ quần áo thanh niên xung phong khiến những người xung quanh không khỏi bồi hồi, xúc động. Số phận dân tộc là vậy, không thể khác được. Điều quan trọng là biết bao thế hệ người dân Việt Nam đã chẳng màng đến mất mát, hy sinh, dâng hiến máu thịt mình, đã “sống và chết", “giản dị và bình tâm” để hòa vào dáng hình non sông đất nước, để lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, để ta có được hòa bình và phát triển như ngày hôm nay. Chiến thắng Hàm Rồng đã góp vào “bản anh hùng ca” ấy những thanh âm hào hùng nhất.
Còn nhớ, Hàm Rồng của những ngày rực lửa. Trước sự bành trướng đến ghê người của những chiếc “thần sấm” gào thét trên bầu trời, Hàm Rồng bước vào cuộc chiến bằng tâm thế sẵn sàng, chủ động và chuẩn bị chu đáo, “bày binh bố trận”, hiệp đồng tác chiến với nhiều lực lượng tham gia, như: Tiểu đoàn pháo cao xạ 14 - Sư đoàn 304 - Đoàn Vinh Quang; Trung đoàn cơ động 213 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với hai đại đội pháo 37 ly là Đại đội 5 đóng quân ở khu vực Đình Hương và Đại đội 4 đóng quân ở lều vịt và đồi không tên; Đại đội 1 và Đại đội 5 của đoàn pháo cao xạ 57 ly, trung đoàn Tam Đảo (Trung đoàn 234); các đại đội pháo cao xạ của Tỉnh đội Thanh Hóa đóng trên cao điểm 75...
Lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa tạo thành “lưới lửa” phòng không nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón máy bay địch. Dân quân tự vệ các làng, xã lúc bấy giờ: Đồng Đá, Yên Vực, Nam Bình, Đầm Chuông, Âu Thuyền, Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh... cùng công nhân nhà máy diêm, nhà máy điện Hàm Rồng, nhà máy phân lân... được huy động giúp bộ đội đào đắp công sự, ngụy trang căn cứ chiến đấu. Tất cả đã sẵn sàng với lực lượng đông đảo, bố trí tầng trên, tầng dưới chặt chẽ, toàn quân đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm đánh thắng trận đầu.
Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, không quân Mỹ đã trút “mưa bom bão đạn” xuống khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn. Cũng trong 2 ngày chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay của địch, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Thanh Hóa nói chung, Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng đã lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi máy bay địch trên miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Sự kiện này đã trở thành “những ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Chiến thắng Hàm Rồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp giữ vững “mạch máu” lưu thông giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa. Những cuộc cách mạng của hôm nay đã rất khác, đã mang một dáng vóc, tâm thế khác. Đối diện với những “chứng nhân” lịch sử, mỗi chúng ta luôn cảm thấy mình bé nhỏ trước tinh thần, khí phách, sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Thế hệ trẻ hôm nay vẫn nghe thấy âm vang trống lệnh trong khát vọng sống và cống hiến. Đối diện với nòng súng cao xạ luôn bền chí hướng thẳng phía trời xanh, chiếc máy bay MIG đã từng sải cánh trên bầu trời Hàm Rồng năm ấy và biết bao tư liệu, hiện vật khác nữa, lòng mỗi người lại trào dâng niềm tự hào, ý chí nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.
Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:38:00
Khai mạc Triển lãm 3D trực tuyến “Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi”
-
2024-12-12 08:32:00
Budapest chào đón chiếc xe điện LEGO đầu tiên trên thế giới
-
2024-07-20 14:31:00
Viết giai điệu cho khúc ca mùa thu
Nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư
[E-Magazine] – Nồng nàn hoa nắng
Đà Nẵng đón 1,5 triệu lượt khách trong hơn một tháng pháo hoa, tăng 60% so với năm 2023
Sầm Sơn: Điểm đến du lịch hàng đầu miền Bắc với đa dạng trải nghiệm từ ngày đến đêm
Cẩm nang du lịch hàng đầu thế giới dành nhiều lời khen cho Phú Quốc
Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh
[Podcast] - Tản văn: Hương vị tình thân, vương vấn người ở lại
Đà Nẵng: Có gì ở show nghệ thuật tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng cho mỗi đêm diễn?
Độc đáo chương trình thao diễn ngựa “Hào khí Tây Bắc” tại Sun World Fansipan Legend