Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài cuối): Cần thiết phải điều chỉnh chính sách
Trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, việc thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn tới dự báo còn gặp không ít khó khăn. Cùng với những vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành Trung ương cần có sự điều chỉnh trong thiết kế chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện để phù hợp với thực tiễn tình hình.
Trò chơi, trò diễn dân gian ở xã Hồi Xuân được bảo tồn, phát huy từ nguồn hỗ trợ Chương trình 1719. Ảnh: Đỗ Đức
Cần xác định lại tiêu chí phân định vùng
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo, giai đoạn 2021-2025, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn, 1.551 thôn, bản, khu phố. Sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 87 xã vùng đồng bào DTTS&MN. Trong số này, nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861) đã được sáp nhập, sắp xếp với các xã không thuộc diện. Thực tế tất yếu này cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải phân định lại vùng, làm căn cứ thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, việc xác định tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN để phù hợp với thực tiễn tình hình lại không hề đơn giản. Bởi sau Quyết định 861, số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội chưa chuyển biến rõ rệt, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã khiến nguồn lực đầu tư về địa phương giảm sút, người dân không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế, cùng với nhiều chế độ ưu đãi cho phát triển giáo dục, chính sách thu hút cán bộ...
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh mới đây, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Vũ Thị Hương đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo cần nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành phương án, tiêu chí phân định vùng DTTS&MN giai đoạn 2026-2030 phù hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tiêu chí hộ nghèo... để hạn chế những trường hợp trên thực tế đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng địa phương lại không được công nhận là vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, dẫn đến nhiều chính sách không được thụ hưởng.
Sẽ là rất khó khăn trong việc phân định rạch ròi, tuyệt đối theo trình độ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội. Bởi trên thực tế, sau sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều xã thuộc vùng III, vùng II, vùng I đã được sáp nhập thành xã mới. Có ý kiến cho rằng, Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 không nên chỉ tập trung đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn. Ông Cầm Bá Lâm, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Luận Thành (nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Xuân cũ), nêu quan điểm: Các chính sách dân tộc giai đoạn tới không chỉ nên tập trung hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn mà nên mở rộng ra các địa bàn khác, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN một cách ổn định và toàn diện.
Tránh dàn trải, phân tán nguồn lực đầu tư
Một trong những quan điểm được nhiều ĐBQH đồng tình qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh thời gian qua là nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Thực tế là đã có không ít dự án, tiểu dự án thành phần chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn đầu tư, nhưng khi vào thực tiễn đời sống xã hội lại thiếu phù hợp, không thể giải ngân. Ví như việc hỗ trợ đất ở cho người dân, hay hỗ trợ về đào tạo nghề ngắn hạn nhưng chưa gắn với giải quyết việc làm, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân rất cần thiết nhưng nguồn vốn còn ít...
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho rằng: Để Chương trình 1719 phát huy rõ rệt hơn vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, giai đoạn 2026-2030, Trung ương cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa, tránh đầu tư dàn trải, manh mún. Lĩnh vực đầu tư cần tập trung vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ việc làm tạo sinh kế, nâng cao năng lực, kỹ năng cho người dân. Trong đó hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ nên được ưu tiên hàng đầu.
Thêm vào đó, cách thức quản lý, sử dụng vốn từ Trung ương để thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 cũng cần có sự điều chỉnh. Trong điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ sau tổ chức sắp xếp bộ máy, Trung ương nên giao tổng vốn theo cơ chế, mục đích sử dụng. Cấp tỉnh và cấp xã chịu trách nhiệm trong sử dụng vốn để phù hợp với thực tiễn tình hình và phát huy tiềm năng, thế mạnh, điều kiện riêng có của từng địa phương. Bởi trên thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở các tỉnh khác nhau, thậm chí khác nhau trong cùng một địa phương, nên sẽ rất khó có đáp án chung về mô hình đầu tư phát triển.
Ngoài ra, Trung ương nên sớm có giải pháp hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, phát triển giáo dục... ở các xã khu vực III, khu vực II, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 vừa được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời sớm ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026-2030 làm căn cứ để địa phương tổ chức thực hiện các chính sách liên quan.
Phải khẳng định rằng, Chương trình 1719 là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN vốn còn nhiều khó khăn, để không còn ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chương trình thời gian qua đang đòi hỏi sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn tình hình, nhất là trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn về cơ sở.
Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-07-28 15:29:00
Nhọc nhằn diêm dân!
-
2025-07-28 14:42:00
Phát động chương trình ủng hộ xây dựng hệ thống điện mặt trời cho học sinh Cuba
-
2025-07-28 14:31:00
Nâng cao công tác quản lý Nhà nước về triển khai chuyển đổi số cho 8 xã biên giới
Hôm nay là hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Hoàn thành hỗ trợ nhà ở dành cho người có công với cách mạng
Công đoàn Thanh Hóa - điểm tựa tin cậy của đoàn viên, người lao động
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2025): Đảng trong lòng dân - dân tin Đảng
Dự báo thời tiết hôm nay 28/7/2025
Dự báo thời tiết đêm 27 ngày 28/7/2025
Mở ra “không gian” phát triển dược liệu dưới tán rừng