Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống ở các khu dân cư tiêu biểu
Trong quá trình xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, nhiều địa phương đã lấy việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Từ đó, góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, nâng cao ý thức của Nhân dân, làm cho dòng chảy văn hóa ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng.
Làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống.
Có dịp tham dự lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường ở làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), chúng tôi mới cảm nhận rõ được sự tâm huyết, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của bà con ở làng quê này.
Ngay từ sáng sớm 21/2, từ khắp các con đường, ngõ xóm, từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức đến tham dự sự kiện đặc biệt này. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người. Với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy, người đã dành mọi tâm huyết cho nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” suốt mấy chục năm qua cũng vậy. Khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của địa phương, ánh mắt hiện lên niềm vui khôn xiết, bà Thủy chia sẻ: "Với người dân ở đây, “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường là những hoạt động nghệ thuật dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng sông nước của cộng đồng, với mong muốn đó là được dâng lên các vị thần linh, tổ nghề bằng tất cả lòng thành kính của mình. Cũng vì thế mà “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” đã phát triển không ngừng trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của làng Nhân Cao".
Theo thông lệ của làng, “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” diễn ra vào ngày 12 tháng giêng, trong dịp lễ hội Ngư Võng Phường và được tổ chức tại đình làng. Nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” có 8 tiết mục được trình diễn vào tối 12 tháng giêng, trong đó có 3 tiết mục hát múa chèo chải cổ và 5 tiết mục hát múa đèn xếp chữ. Đối với nghệ thuật hát và múa chèo chải cổ tùy theo từng tiết mục mà số lượng người tham gia khi thì 4, khi thì 6 hoặc 10 cô gái. Tiết mục đầu tiên là “Hát và múa giáo chải”, "Hát và múa quạt”, đến “Hát múa chân sào (giáo chân sào) chèo thuyền chèo chải”. Đây là tiết mục đặc sắc nhất của hát và múa chèo chải cổ. Đối với hát và múa đèn xếp chữ khi biểu diễn đầu tiên là hát và múa giáo đèn, tiếp đến là hát chúc, hát mời, hát mừng, rồi đến múa đèn đội đầu xếp chữ.
Trong ngày vui đặc biệt này của địa phương, nghệ nhân ưu tú Đàm Văn Sừ - một trong những “cây đa, cây đề”, am hiểu giá trị văn hóa của làng Nhân Cao, cho biết: "Hòa cùng dòng chảy của xã hội hiện đại và quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cộng đồng làng Nhân Cao đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên khu dân cư văn hóa với diện mạo khác xưa rất nhiều. Từ những con đường bê tông sạch sẽ, những hàng cây xanh mướt, đến những ngôi nhà khang trang, hiện đại, nơi đây đúng như nhiều người đi xa khi trở về đã ví von là một miền quê trù phú, an lành và đáng sống. Điều đặc biệt, là dân làng nơi đây luôn chú trọng gìn giữ nét văn hóa truyền thống của mình từ các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, mang đậm dấu ấn của miền quê sông nước, nhất là “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường. Để rồi giờ đây, nghệ thuật trình diễn dân gian ấy đã vượt khỏi ranh giới làng xã, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) trình diễn nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ” trong lễ hội Ngư Võng Phường.
Tại thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc) đến nay đã có 9/10 khu phố kiểu mẫu. Bà Nguyễn Thị Hằng, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Vĩnh Lộc cho biết: "Trong quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, địa phương luôn nhất quán với quan điểm muốn xây dựng được khu dân cư văn hóa, trước hết phải giữ gìn được những nét đẹp trong văn hóa làng và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người dân. Chính vì vậy, hiện nay mỗi khu dân cư đều thành lập từ 1 đến 2 đội văn nghệ truyền thống và hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, địa phương còn có câu lạc bộ chèo cạn thu hút được 40 thành viên trong toàn xã tham gia”.
Cùng với đó, mảnh đất này cũng là nơi còn lưu giữ một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa độc đáo như chùa Giáng, đền thờ Trần Khát Chân, chùa Nhân Lộ, chùa Hà Lương. Gắn liền với đó là nhiều lễ hội được người dân gìn giữ và tổ chức hàng năm, tiêu biểu nhất là lễ hội đền thờ Trần Khát Chân (tổ chức vào ngày 24/4 âm lịch hàng năm)... Cũng nhờ việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống ấy, đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn kết tình làng, nghĩa xóm và thúc đẩy người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện tốt các phong trào cũng như các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Có thể thấy rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện. Tính trong năm 2023, toàn tỉnh có 79,8% thôn, bản, khu phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa. Từ đó đã thúc đẩy việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, ý thức tự quản ở cộng đồng được phát huy, các hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức thường xuyên, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Điều đáng mừng là hầu hết các địa phương đều cố gắng gìn giữ được nét đẹp văn hóa của mình từ phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian hay các lễ hội truyền thống. Đó không chỉ là giữ lại những gì cha, ông đi trước đã dày công vun đắp, mà còn là lưu giữ lại những tinh hoa, hồn cốt của dân tộc, từ đó làm giàu thêm vào kho tàng di sản văn hóa quý báu của người Việt Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-22 13:44:00
Xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực tiễn đời sống
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-03-03 09:00:00
Thị xã Nghi Sơn bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
[E-Magazine] – Bình minh từ cánh đồng xuân
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi: Người “tạc hồn” nơi sóng biển khơi
“Mai” lập kỷ lục, Trấn Thành trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” đầu tiên của Việt Nam
TP Sầm Sơn: Từng bước đưa du lịch tâm linh trở thành thế mạnh
Lễ hội mùa xuân - nét đẹp cần gìn giữ
Truyền thông Đài Loan ca ngợi Phú Quốc và show diễn “Kiss of the Sea”
Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng qua
Đưa nghệ thuật sân khấu đến với thiếu nhi
Campuchia được bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á