(Baothanhhoa.vn) - Thiếu giáo viên (GV) ở bậc học mầm non (MN) là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và thực trạng này đang khiến các đơn vị trường, ngành giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nỗi lo nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu giáo viên mầm non - nỗi lo chưa dứt

Thiếu giáo viên (GV) ở bậc học mầm non (MN) là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và thực trạng này đang khiến các đơn vị trường, ngành giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nỗi lo nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Thiếu giáo viên mầm non - nỗi lo chưa dứt

Ảnh minh họa.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tại các trường MN, mỗi lớp chỉ từ 15 đến 25 cháu tùy theo độ tuổi đối với nhóm nhà trẻ và từ 25 đến 35 cháu tùy theo độ tuổi đối với nhóm mẫu giáo. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều trường MN trên địa bàn tỉnh, con số này cao hơn rất nhiều do thiếu GV. Năm học 2018 - 2019, Trường MN Nông Trường (Triệu Sơn) có 259 trẻ thuộc 10 nhóm lớp. Thế nhưng, nhà trường chỉ có 13 GV tham gia giảng dạy và chăm sóc trẻ. Thiếu GV, thiếu phòng học buộc nhà trường phải dồn lớp khiến số lượng trẻ/lớp vượt so với quy định, có lớp lên tới 45 cháu. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường MN Nông Trường cho hay: “Dù số lượng học sinh/lớp đông nhưng GV vẫn phải bảo đảm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và sự an toàn cho trẻ, đây thực sự là áp lực lớn đối với GV và nhà trường. Hiện nay, nhà trường thiếu tới 6 GV, 2 cán bộ quản lý, 1 nhân viên hành chính nên công tác chăm sóc, giáo dục trẻ gặp rất nhiều khó khăn”.

Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp ở xã Hoằng Minh (Hoằng Hóa) luôn đạt 100%, vì vậy, Trường MN Hoằng Minh luôn duy trì số trẻ trên 250 cháu. Học sinh đông trong khi nhà trường chỉ có 14 GV đứng lớp nên việc bố trí GV cũng là bài toán nan giải đối với nhà trường. Với số trẻ và số GV hiện có, nếu tính theo quy định, nhà trường thiếu 4 GV. Để khắc phục tình trạng này, ban giám hiệu nhà trường phải sắp xếp 3 GV phụ trách 2 lớp đối với nhóm trẻ mẫu giáo. Cô giáo Khương Thị Tuyết chia sẻ: “3 cô phụ trách 2 lớp gần 80 cháu rất vất vả và quá sức đối với GV. Các hoạt động từ đón trẻ đến trả trẻ đều gặp khó khăn, nhất là hoạt động cho trẻ ăn và tổ chức dạy kỹ năng cho trẻ. Nếu có thêm một GV phụ trách cùng thì công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều...”. Không riêng gì Trường MN Hoằng Minh, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa các trường MN như Hoằng Thịnh, Hoằng Thành, Hoằng Trường... cũng trong tình trạng tương tự. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường MN trong tỉnh. Theo thống kê, toàn huyện Nga Sơn có 27 trường MN với nhu cầu biên chế trong năm học 2018-2019 là 512 GV, song, hiện tại toàn huyện mới chỉ có 377 GV, thiếu so với nhu cầu 135 GV. Theo tính toán, bình quân mỗi trường MN trên địa bàn huyện Nga Sơn thiếu tới 5 GV. Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường MN Nga Bạch, chia sẻ: Năm học này nhà trường có 13 nhóm lớp với 415 cháu, song toàn trường chỉ có 13 GV đứng lớp, thiếu tới 12 GV so với quy định. Tình trạng này diễn ra từ năm học 2016-2017. Do thiếu GV nên áp lực của mỗi GV đứng lớp hiện nay là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cũng theo cô Hoài, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành chức năng nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc thiếu GV của nhà trường chưa được giải quyết.

Trong khi toàn ngành giáo dục đang nỗ lực giữ vững kết quả thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ thì tình trạng thiếu GV đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là công tác tổ chức bán trú như ăn, ngủ, sinh hoạt... của trẻ. Theo đồng chí Trương Thị Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT, từ năm 2014 đến nay khối MN được bổ sung hơn 4.000 GV, nâng tổng số cán bộ, GV khối MN toàn tỉnh hiện nay lên trên 19.500 người. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế bậc học MN vẫn còn thiếu nhiều GV. Nguyên nhân của thực trạng này là do những năm gần đây nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh gia tăng, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cao, trong khi đó định biên cán bộ, GV được giao không tăng nhiều. Qua thống kê, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tăng từ 7.000 đến 10.000 cháu. Tính đến hết học kỳ I năm học 2018-2019, toàn tỉnh có trên 228.500 trẻ thuộc nhóm nhà trẻ và mẫu giáo đến trường. Nếu so với số học sinh này, ngoài 19.549 cán bộ, GV hiện có, khối MN toàn tỉnh vẫn cần thêm trên 4.000 GV nữa, nếu so với biên chế UBND tỉnh giao cần hơn 2.700 GV. Một số địa phương thiếu nhiều GV, như: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hà Trung, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Thạch Thành... Thực tế trên đang gây khó khăn, áp lực cho GV trong việc nuôi dạy trẻ cũng như cán bộ quản lý tại nhiều trường học. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì việc bảo đảm an toàn và sự phát triển toàn diện của trẻ tại các trường MN sẽ khó được thực hiện hiệu quả.

Mặc dù tình trạng thiếu GV cứ lặp đi lặp lại qua từng năm học, nhưng các địa phương và cả ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. GV MN đang rất thiếu nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Đây là nghịch lý giữa đào tạo và tuyển dụng và cũng là “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần một quyết sách của Trung ương, của tỉnh về việc bổ sung biên chế sự nghiệp hoặc linh hoạt hơn trong cơ chế hợp đồng nhằm thực hiện đúng định mức GV theo quy định, bảo đảm hiệu quả cho quá trình phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Lê Phong


Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]