(Baothanhhoa.vn) - Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện và vững chắc, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Bỉm Sơn đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ngành giáo dục thị xã Bỉm Sơn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện và vững chắc, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Bỉm Sơn đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ngành giáo dục thị xã Bỉm Sơn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diệnMột giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Ngọc Trạo.

Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn thị xã đã tăng đáng kể; nhận thức về việc cần đầu tư cho con em học tập của nhiều gia đình có sự chuyển biến tích cực; mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh ngày càng mật thiết... Đây là tín hiệu đáng mừng để ngành GD&ĐT thị xã triển khai các nội dung, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, để giáo dục phát triển vững chắc thì phát huy nội lực trong toàn ngành vẫn là yếu tố then chốt, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề.

Với nhận thức đó, ngành GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cụ thể là tổ chức các chuyên đề, giao lưu trao đổi kinh nghiệm; động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Chỉ tính riêng năm học 2020-2021, phòng GD&ĐT thị xã đã tạo điều kiện cho hàng chục cán bộ, giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT triển khai. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ, giáo viên diễn ra đúng quy trình, bảo đảm khách quan, minh bạch... Qua rà soát, đánh giá hiện ngành GD&ĐT thị xã có gần 1.000 cán bộ, giáo viên, trong đó trên 88% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên.

Cùng với việc quan tâm chất lượng đội ngũ, ngành GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn cũng triển khai hiệu quả các chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, thị xã hiện đã có 21/27 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,8%; tỷ lệ phòng học kiên cố, nhà cao tầng đạt 94,28%. Ngoài ra, phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhờ đó ngành GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn đã “gặt hái” được nhiều thành tích đáng tự hào. Cụ thể, kết thúc năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt trên 72%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt chương trình đạt trên 99%. Đặc biệt, kết quả thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh, thị xã xếp thứ 10 toàn tỉnh với 2 giải nhất, 7 giải nhì, 15 giải ba và 16 giải khuyến khích, tăng 4 bậc so với năm 2018 (năm 2019 không tổ chức thi do dịch bệnh COVID-19); điểm thi trung bình vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 đạt 31,51 điểm, đứng thứ 4 toàn tỉnh; kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa THPT cấp tỉnh, học sinh thị xã cũng đạt 39 giải...

Ông Lê Sỹ Tiến, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Những năm qua, ngành GD&ĐT thị xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, như chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương; đổi mới phương pháp dạy và học; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”... hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ, toàn diện ở tất cả các bậc học. Trong đó, bậc mầm non tập trung đổi mới nội dung giáo dục, lấy trẻ làm trung tâm và tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua vui chơi, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống và phát triển vận động cho trẻ. Đối với bậc phổ thông, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với từng đối tượng học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện nhà trường và thực tiễn địa phương.

Tuy vậy, quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn thị xã đang tồn tại một số hạn chế. Đó là một số trường học chưa bảo đảm được quỹ đất xây dựng phòng học và sân chơi; tình trạng thiếu giáo viên và chất lượng giáo viên không đồng đều chưa được giải quyết dứt điểm; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được đầu tư tăng cường, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; hạ tầng, trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu và xuống cấp; nhận thức của một bộ phận phụ huynh về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học chưa được tốt... Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực khắc phục của cả chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT. Từ đó, tiếp tục đưa sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn thị xã phát triển toàn diện, vững chắc.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]