(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người nghèo, tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ tiếp tục đưa công cuộc giảm nghèo khu vực miền núi lên một mức độ mới, với quyết tâm “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”!

Giảm nghèo bền vững khu vực miền núi -Vượt rào cản nhận thức, khơi năng lực hành động! (Bài cuối): Bền vững và bao trùm!

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người nghèo, tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ tiếp tục đưa công cuộc giảm nghèo khu vực miền núi lên một mức độ mới, với quyết tâm “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”!

Giảm nghèo bền vững khu vực miền núi -Vượt rào cản nhận thức, khơi năng lực hành động! (Bài cuối): Bền vững và bao trùm!

Lúa nếp Cay Nọi (Quang Chiểu) - sản phẩm đầu tiên của huyện Mường Lát được công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2021. Ảnh: P.V

Đánh thẳng vào “lõi nghèo”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo là một loại “giặc” cần phải đả phá triệt để mới mong đem lại ấm no, hạnh phúc thực sự cho Nhân dân. Do đó, đánh thẳng vào “lõi nghèo” bằng những cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và khả thi là yêu cầu đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa lúc này, nếu muốn đưa công cuộc giảm nghèo tiến nhanh hơn và bền vững hơn. Với tâm thế ấy, ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Câu hỏi là, vì sao Thanh Hóa lại chọn Mường Lát như một “đối tượng đặc thù” để thiết kế chính sách? Lý do rất đơn giản, bởi Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh, cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước; song đây cũng là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tỉnh và khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số; với diện tích rừng tự nhiên lớn, lại là đầu nguồn của hệ thống sông, suối vốn đóng vai trò quan trọng về phòng hộ, dự trữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái cho tỉnh Thanh Hóa. Với đặc trưng riêng về địa hình, sắc tộc, tập quán, tư tưởng... nên Mường Lát cũng là nơi mà “căn bệnh nan y” trông chờ, ỷ lại, tự ty, cam chịu còn khá nặng.

Vì vậy, định hướng lại sự phát triển cho huyện nghèo Mường Lát trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Đồng thời, gắn với tập trung huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, nhằm mục tiêu đến năm 2023 đưa Mường Lát thoát ra khỏi “vùng lõm” của đói nghèo. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng và nặng nề không chỉ của riêng huyện Mường Lát, mà của cả tỉnh Thanh Hóa. Song, thành quả mang lại từ Nghị quyết số 11-NQ/TU sẽ có thể trở thành một bước đột phá của Thanh Hóa trong công cuộc giảm nghèo nói riêng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội nói chung.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững và bao trùm, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành chính sách phát triển cho khu vực 11 huyện miền núi. Theo đó, ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Chương trình đề ra các mục tiêu phổ quát và toàn diện, trong đó lấy việc tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi - mục tiêu căn bản.

Nhận thức rằng, mọi thành quả giảm nghèo có thể bị “xô đổ” nếu nền tảng của nó không vững chắc. Do vậy, cùng với việc thiết kế chính sách chung cho khu vực miền núi, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng đến các xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn nhưng thiếu cơ chế và nguồn lực để trụ vững. Trong khi đó, Trung ương chưa có cơ chế, chính sách riêng cho các xã khi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến nguy cơ tái đặc biệt khó khăn là rất cao. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng Đề án "Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2016 - 2020), không thuộc diện đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2021 - 2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”, tiếp tục cho thấy sự chủ động, trách nhiệm của tỉnh trong việc thiết kế chính sách, nhằm đáp ứng các yêu cầu, giải quyết các bất cập phát sinh từ thực tiễn.

Khi nghiên cứu về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta mấy chục năm qua, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới đòi hỏi phải chuyển dần từ bình diện rộng, sang chiều sâu. Đó là xây dựng và cụ thể hóa đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp và tập trung các nguồn lực để giảm nghèo nhanh hơn tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, phải thiết kế các cơ chế, chính sách, giải pháp giảm nghèo trong tổng thể cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của từng dân tộc, thậm chí với từng huyện, xã, thôn, bản và hộ gia đình.

Trên tinh thần ấy, điểm qua một số chính sách dành riêng cho huyện Mường Lát, cho các xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn và chính sách phát triển chung cho cả khu vực miền núi, có thể nói, việc thiết kế chính sách giảm nghèo của tỉnh không chỉ đúng với chủ trương, định hướng; mà còn phù hợp và sát với điều kiện, yêu cầu thực tiễn. Nhờ đó, “guồng máy” giảm nghèo được kỳ vọng sẽ vận động nhanh, hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.

Đưa chính sách đến gần với người dân

Suy cho cùng thì người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện các chính sách giảm nghèo. Do đó, phải đưa chính sách đến với người dân, để họ biết, hiểu và làm. Muốn vậy, không thể không bắt đầu từ sự đổi mới tư duy truyền thông chính sách. Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - hành động - nguồn lực” (diễn ra chiều ngày 24-11-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Do đó, xây dựng chính sách phải hướng đến người dân; người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật; người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Do đó, truyền thông chính sách phải lấy cái đích là người dân và người dân phải trở thành một “kênh” phản hồi chính sách, làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện chính sách sao cho sát đúng, phù hợp và khả thi.

Với tinh thần ấy, việc đưa chính sách phát triển huyện Mường Lát, hay các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo khu vực miền núi, sớm đi vào cuộc sống thì công tác truyền thông phải đặt lên hàng đầu. Vấn đề là, cách thức truyền thông ra sao để có thể tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Đồng thời, phải truyền tải thông điệp như thế nào để có thể tạo dựng được niềm tin, sự ủng hộ của Nhân dân vào các quyết sách, cũng như tạo được sự cộng đồng trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách vào cuộc sống... Đó là vấn đề không dễ và cũng không phải của riêng cấp, ngành nào, hay địa phương, cơ quan, đơn vị nào; mà là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mới tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, khí thế thi đua sôi nổi và mang lại hiệu quả thiết thực.

Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” thì vấn đề còn lại là cách thức thực hiện, đặc biệt là chọn trúng, chọn đúng việc để làm. Điều này lại đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quán triệt yêu cầu, nội dung của công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều. Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, mục tiêu, tiêu chí giảm nghèo bền vững thành các giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và các đối tượng cụ thể. Trong đó, cần chú trọng các chính sách tạo sinh kế bền vững và việc làm ổn định cho người dân. “Một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản, vì khi một hộ nghèo có ít nhất một người có việc làm bền vững, thu nhập tốt, thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn. Do vậy, đào tạo nghề, tạo việc làm trở thành những yếu tố then chốt, có tính quyết định đến thành công trong giảm nghèo bền vững giai đoạn mới”, ông Lê Ngọc Thụ, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, muốn công tác giáo dục nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực là tạo ra tiền đề để người nghèo có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp ổn định, mang lại thu nhập bền vững, thì cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc, khách quan và khoa học cả về nhu cầu, năng lực của đối tượng, cũng như nhu cầu thị trường. Bởi thực tế hiện nay, các chương trình đào tạo nghề cho người nghèo đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản. Cách tiếp cận này chưa thực sự hiệu quả, bền vững, do những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, cũng như biến động thị trường. Do vậy, thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn, cần tập trung hơn cho các khóa đào tạo dài hạn, chính quy mới là cơ sở giúp thoát nghèo bền vững, cũng như chính thức hóa việc làm phi chính thức cho đối tượng. Cùng với đào tạo nghề, tạo việc làm thì cải thiện và từng bước nâng cao năng lực sản xuất; phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững; chuyển từ chính sách “cho không” sang “cho vay”... sẽ là “cái gốc” để giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, phải xem việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất là giải pháp chìa khóa, nhằm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, biến nó thành các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu và giá trị cao.

Không phải ngẫu nhiên mà trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thì “chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi” được Việt Nam xác định là mục tiêu hàng đầu. Bởi “nghèo đói cũng là một loại bạo lực”, cho nên giảm thiểu từng bước đẩy lùi loại “bạo lực” này chính là tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa và bền vững giữa kinh tế và xã hội.

Nhóm Phóng viên Chính trị - Xã hội


Nhóm Phóng viên Chính trị - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]