(Baothanhhoa.vn) - Cảng cá Lạch Hới một ngày cuối con nước, hàng chục tàu thuyền công suất lớn của TP Sầm Sơn lần lượt cập bến. Người trung chuyển hải sản, tiểu thương địa phương thu mua hải sản vẫn khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, các xe ô tô tải thùng đông lạnh thu gom cá đi các tỉnh, các khu du lịch như trước kia lại không nhiều.

Giá hải sản xuống thấp do ảnh hưởng dịch bệnh

Cảng cá Lạch Hới một ngày cuối con nước, hàng chục tàu thuyền công suất lớn của TP Sầm Sơn lần lượt cập bến. Người trung chuyển hải sản, tiểu thương địa phương thu mua hải sản vẫn khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, các xe ô tô tải thùng đông lạnh thu gom cá đi các tỉnh, các khu du lịch như trước kia lại không nhiều.

Giá hải sản xuống thấp do ảnh hưởng dịch bệnhNhiều chủ tàu, ngư dân TP Sầm Sơn cho rằng giá hải sản đang xuống thấp so với nhiều năm gần đây.

Theo lý giải của nhiều tiểu thương, nhu cầu hải sản cho người dân địa phương và các vùng lân cận thì chỉ giảm đi đôi chút, nhưng khó khăn trong xuất khẩu đi Trung Quốc cũng như nhu cầu của các khu du lịch giảm hẳn nên các loại hải sản đắt tiền, cá lớn khó tiêu thụ. Hơn nữa, khâu vận chuyển giữa các tỉnh, các vùng và chở đi các doanh nghiệp thu gom của các tỉnh phía Bắc thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh.

Tàu 450CV mang số hiệu TH 90677 TS của chủ tàu Trần Văn Nga, phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn vừa trở về sau chuyến vươn khơi nhiều vất vả trên Vịnh Bắc bộ. Thành quả mang về là gần 1 tấn cá lớn các loại, 2 tạ mực, 3 tấn cá tạp bán làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm mắm có giá rẻ... Theo tính toán của vợ anh Nga, tổng giá trị hải sản bán ra chưa đầy 80 triệu đồng. Sau khi trừ đi tiền dầu, lương thực thực phẩm, ga, các chi phí khác cho chuyến đi và trả công cho 12 thuyền viên, thì may ra mới hòa vốn.

Phương tiện công suất càng lớn thì chi phí cho mỗi chuyến đi càng nhiều nên nguy cơ lỗ càng cao. Nói về giá hải sản và hiệu quả nghề biển những tháng gần đây, chủ tàu Phạm Văn Nam ở khu phố Tân Lập, cùng phường Quảng Tiến tỏ ra không mấy lạc quan. Tàu cá TH 91871 của gia đình anh có công suất tới 829CV nên mỗi chuyến vươn khơi thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Dù khai thác được nhiều hay ít, thì mỗi chuyến biển, anh đều phải chi phí khoảng 150 triệu đồng tiền dầu, 30 triệu đồng mua lương thực thực phẩm, 20 triệu đồng tiền đá lạnh, 50 triệu đồng trả công cho 10 thuyền viên - do gia đình anh chọn hình thức trả công theo tháng, với mức trung bình 10 triệu đồng/người. Chuyến đi gần nhất, tàu anh khai thác được 4 tạ mực là giá trị nhất. Nhưng khi cập bến, thứ đắt nhất này lại rất khó để tiêu thụ, trong đó có một số khay không bán được nên phải nhờ kho lạnh cấp đông, sau bán ra chắc chắn giá sẽ rẻ đi nhiều so với khi tươi sống. Giá mực trước kia trung bình 100 nghìn đồng/kg, nay cũng chỉ còn 70 - 80 nghìn đồng/kg. Cả chục tấn hải sản còn lại đa phần là cá tạp làm mắm và thức ăn chăn nuôi với giá trung bình chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, anh Nam cho biết phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng. Nhưng theo anh, nghề biển có chuyến lỗ, chuyến lãi, nên vẫn phải hy vọng vào những chuyến vươn khơi tiếp theo để bù lại. Lo ngại lớn nhất với anh là giá xăng dầu gần đây tiếp tục tăng và tình hình dịch bệnh còn phức tạp dẫn đến giá hải sản vẫn thấp.

Qua tìm hiểu tại Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, tình trạng giá hải sản xuống thấp đã diễn ra nhiều tháng qua. Tuy nhiên, đơn vị này với chức năng quản lý tàu thuyền nên cũng không thể có giải pháp nào giúp được ngư dân về giá bán. Theo các ngư dân và chủ tàu, giá cá rớt “thê thảm nhất” là giai đoạn cả TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa bị giãn cách cách đây một vài tháng. Khi ấy, việc vận chuyển và tiêu thụ qua các chốt kiểm soát dịch bệnh khó khăn, hơn nữa các tiểu thương gần như nghỉ nên không thể lưu thông nguồn hải sản. Khi các tàu thuyền về, chủ yếu bán cho nhu cầu của người dân địa phương Sầm Sơn, còn lại phải bán rẻ cho các kho đông lạnh với giá chỉ còn một nửa so với bình thường. Những ngày gần đây khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, giá hải sản bắt đầu nhích lên nhẹ.

Không chỉ ở TP Sầm Sơn mà tình trạng giá hải sản xuống thấp đã trở thành thực trạng chung tại các vùng biển trong tỉnh, thậm chí trong cả nước. Thống kê từ Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), mỗi tháng, trung bình có hơn 1.000 tấn hải sản của các tàu thuyền trong huyện và một số ít phương tiện của xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) trung chuyển qua cảng. Tình hình dịch bệnh COVID–19 khiến giá tất cả các loại hải sản đều giảm ít nhiều. Theo ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, trước kia mặt hàng tôm thường được thu gom để xuất khẩu với giá tại cảng từ 100 đến 120 nghìn đồng mỗi kg, thì nay không thể xuất được nên ngư dân chỉ bán được khoảng 50 nghìn đồng mỗi kg cho các tiểu thương địa phương. Một vài tuần gần đây, giá các loại hải sản có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn bình thường khoảng 10%.

Nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhất là nối lại hoạt động của các khu du lịch, hệ thống nhà hàng, thì giá hải sản mới có thể tăng trở lại.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]