(Baothanhhoa.vn) - Dọc biên giới phía Tây, nhiều chàng trai, cô gái Việt - Lào đã vượt khoảng cách địa lý, biên giới lãnh thổ về ở với nhau khi vừa con mắt, ưng cái bụng. Họ đã hình thành nên những mái nhà 2 quốc tịch: sinh con, đẻ cái, lập thân, lập nghiệp. Những mối lương duyên tốt đẹp này là minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt - Lào.

Dưới những mái nhà mang hai dòng máu Việt - Lào

Dọc biên giới phía Tây, nhiều chàng trai, cô gái Việt - Lào đã vượt khoảng cách địa lý, biên giới lãnh thổ về ở với nhau khi vừa con mắt, ưng cái bụng. Họ đã hình thành nên những mái nhà 2 quốc tịch: sinh con, đẻ cái, lập thân, lập nghiệp. Những mối lương duyên tốt đẹp này là minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt - Lào.

Dưới những mái nhà mang hai dòng máu Việt - LàoCon đường bê tông bằng phẳng dẫn vào nhà bà Lá ở bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát).

Vì yêu mà đến

Mường Lát - mảnh đất vùng biên, đã chứng kiến không ít mối tình, gia đình gọi nôm na là “Việt - Lào” như thế!. Trong ngôi nhà sàn ngay mặt đường bản Sáng, xã Quang Chiểu của vợ chồng anh Lương Văn Ke và chị Lộc Thị Yến rộn ràng từ sớm. Năm nay, con riêng thứ 2 của anh Ke đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật nghỉ phép về thăm nhà. Nay cháu chuẩn bị trở lại Nhật làm việc, gia đình làm mâm cơm cáo gia tiên, đồng thời mời anh em, bạn bè đến liên hoan chia tay.

Bên trái nhà, một bếp lửa đỏ cháy, phía trên nồi nước đun sôi. Ngoài hiên nhà, anh Ke sơ chế thịt gà, thịt lợn, chị Yến chuẩn bị nguyên liệu làm món ăn có tên gọi là láp. Theo lời anh Ke, láp đọc gần giống “lộc” trong tiếng Lào, là một món ăn tượng trưng cho sự may mắn. Anh tin rằng, trước khi đi làm ăn xa, con trai được ăn món này sẽ gặp may mắn và thuận lợi. Mâm cúng gia tiên hôm ấy, ngoài món láp còn có thêm xôi, canh, cá kho, thịt xào... Cầm chén rượu men lá do vợ nấu, anh Ke đứng dậy đại diện gia đình cảm ơn mọi người đã đến chung vui cùng gia đình. Anh không quên chúc con trai và mọi người chân cứng đá mềm, may mắn và thành công... Anh nói: “Mình không được ăn học đến nơi đến chốn nên cuộc sống vất vả. Giờ chỉ mong con cháu khỏe mạnh, học tập, lao động nên người”.

Nghe cách anh nói chuyện, ít ai biết anh Ke là người Lào, tên tiếng Lào là Say Phon, ở bản Piềng Khại, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, vì yêu người phụ nữ đứng tuổi, lỡ thì - mà đến Việt Nam và cũng vì thương mà chấp nhận làm rể nơi đất khách, chấp nhận làm người “không quốc tịch”. Chỉ 3 từ đó thôi cũng đã chất chứa đủ mọi thiệt thòi.

Vì thuộc diện di cư tự do, kết hôn không giá thú nên gia đình anh Ke - chị Yến bị thiệt thòi về các khoản trợ cấp chính sách xã hội của Nhà nước Việt Nam dành cho đồng bào miền núi. Vợ chồng cưới nhau không có giấy hôn thú nên khi sinh con cũng không làm được giấy khai sinh, không thể làm thủ tục nhập học cho con...

Tuy nhiên, “đó là chuyện của trước đây, giờ anh Ke và nhiều người ngoại quốc khác đã có quốc tịch rồi!", anh Hà Văn Ho, công chức tư pháp xã Quang Chiểu, giải thích: “Ngày 8/7/2013, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Sau đó, các lực lượng liên quan của 2 Chính phủ đã phối hợp tích cực với nhau khảo sát rồi tiến hành các thủ tục cần thiết. Đến năm 2019, 51 công dân Lào đã được nhập Quốc tịch Việt Nam, trong đó tại huyện Mường Lát có 44 người, huyện Quan Sơn có 7 người”.

Ngày ấy, cách đây hơn 20 năm (năm 1999), trong một lần sang Việt Nam dự đám cưới một người bạn, anh Ke gặp chị Yến - người phụ nữ đã qua một lần đò và có một con gái. Còn anh Ke, vợ mất do bạo bệnh, anh “gà trống” nuôi 2 con nhỏ. Sống cảnh lẻ bóng, anh luôn mong muốn tìm thấy một người phụ nữ để chia sẻ buồn vui. Được các con ủng hộ, anh Ke tích cực thực hiện kế hoạch “cua vợ”. Cứ một tháng đôi lần anh Ke lại đi bộ chừng 20km từ Lào sang xã Quang Chiểu. Mỗi lần như thế, anh ở lại nhà bạn gái 5 - 7 ngày, lên nương làm màu, chăm sóc bố mẹ bạn gái như bổn phận của con cái trong nhà. Cảm nhận được tấm chân tình của anh, chị Yến đã chấp nhận bước thêm bước nữa. Anh Ke hóm hỉnh chia sẻ: “Ngày ấy, hai bên gia đình làm mâm cơm cáo gia tiên và mời bạn bè, người thân đến chung vui rồi thành vợ chồng thôi, chứ làm gì được đăng ký kết hôn. Vậy mà, vợ chồng vẫn sống với nhau hơn 20 năm, con cái đủ mâm (1 con riêng của vợ, 2 con riêng của chồng và 1 con chung), may mà chưa ai “bắt mất” vợ mình”.

Những năm đầu, chị Yến theo chồng về Lào sinh sống. Năm 2005, thương bố vợ ở Việt Nam sống một mình nên cả gia đình khăn gói về ngoại. Làm rể Việt Nam tuy danh chưa chính nhưng anh Ke và các con vẫn được chính quyền và người dân địa phương tạo điều kiện đăng ký tạm trú, tạm vắng; con chung, con riêng của 2 vợ chồng đều được đến trường. Chỉ là, kinh tế gia đình vẫn luôn quẩn quanh trong cái nghèo vì những ràng buộc về danh tính. “Muốn mua con trâu, con bò về nuôi cũng khó vì không có vốn. Mình không phải là công dân Việt Nam nên cũng chẳng ngân hàng nào cho vay. Nay thì vay vốn dễ, hỗ trợ cũng nhiều, con trai riêng của mình sau khi học hết cấp THPT được địa phương tạo điều kiện làm giấy tờ, vay vốn ngân hàng để đi XKLĐ ở Nhật Bản. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, cháu gửi về khoảng 20 triệu đồng. Mình sửa sang nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết, mua thêm trâu bò để chăn nuôi và ít đất sản xuất. Các con lớn, bé cũng đều đã yên bề gia thất, cuộc sống ổn định. Chúng tôi nhờ thế mà an nhàn hơn trước rất nhiều”, anh Ke phân trần.

Vì thương mà ở lại

Rời gia đình chị Yến, trên đường đến nhà ông Vi Văn Phìn, bà Lò Thị Lá - là một cặp chồng Việt, vợ Lào trên địa bàn xã Quang Chiểu, công chức tư pháp Hà Văn Ho nói: “Từ lâu lắm rồi, mối quan hệ thân tộc cộng với việc địa bàn hai nước chỉ cách nhau con sông, ngọn núi nên chuyện gia đình có hai quốc tịch không phải là hiếm. Xã có 1.234 hộ/5.862 khẩu thì có 23 cặp vợ chồng Việt-Lào. Trong đó, đã có 14 cặp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và được nhập quốc tịch Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các bản: Sáng, Con Dao, Suối Tút, Pùng, Poọng”.

Trong căn nhà gạch đơn sơ, mộc mạc nằm giữa bản Sáng, tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường, nơi trang trọng nhất. Trước nhà, con đường bê tông bằng phẳng dài gần 1km, theo chuẩn NTM. Bên hông nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nổi bật trên nền trời trong xanh. Nơi đây đã gắn bó với bà Lá gần 30 năm, từ khi người phụ nữ ngoại quốc có gương mặt hiền lành, đôi mắt đen sâu thẳm này về làm dâu đất Việt.

Khi được hỏi về câu chuyện tình của mình với người đàn ông nước Việt, ánh mắt bà Lá thoáng vẻ thẹn thùng. Năm ấy (năm 1996), cô gái Thái tên Lá sống ở bản Lan, cụm Mường Xôi, huyện Viêng Xay, vừa tròn 20 tuổi. Chàng trai Thái, Vi Văn Phìn cũng đang tuổi thanh xuân. Hai người quen biết và nảy sinh tình cảm yêu đương sau những lần ông Phìn qua bản Lan làm việc. Tình yêu của đôi trẻ đơm hoa bằng một đám cưới xuyên biên giới, tuy đơn giản, nghèo nhưng không thiếu niềm vui, hạnh phúc. Sau đó, bà Lá theo chồng về Việt Nam sinh sống. Dù hai quốc gia nhưng họ cùng một dân tộc Thái, tiếng nói giống nhau nên không gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với gia đình nhà chồng và hàng xóm. “Nói là lấy chồng xa nhưng mỗi năm, cứ đến dịp lễ, tết, mình vẫn cùng gia đình về lại bản Lan thăm người thân. Hồi xưa đi lại khó khăn, phải băng rừng, lội suối, còn bây giờ đường sá thuận tiện hơn rất nhiều nên muốn là có thể về”, bà Lá nói.

Dưới những mái nhà mang hai dòng máu Việt - LàoVợ chồng anh Lương Văn Ke và chị Lộc Thị Yến.

Trái với vẻ e thẹn của vợ, ông Phìn cười lớn ra chiều rất hãnh diện, rằng với ông việc lấy được vợ ngoại quốc là một chiến tích thời trai trẻ. Bởi, các cụ xưa vẫn nói, đến con thú trên rừng còn biết trầy trụa móng guốc để đi tìm bạn tình ưng ý. Vậy thì không cớ gì những chàng trai trẻ, khỏe không dám đi vài ngày đường, vượt vài ngọn núi để mang về bản Sáng một nàng dâu? Bản thân ông cũng chứng kiến nhiều lần cảnh trai Thái đất Việt trèo đèo, lội suối sang tâm tình cùng con gái Thái nước bạn. “Hồi đó, Lào còn nhiều rừng, nhiều gỗ, đám thanh niên bản rủ nhau vượt thác, vượt ghềnh sang Lào làm ăn, tiện thể tìm vợ. Cứ rủ nhau đi cho vui vậy đấy, ông nào may mắn thì kiếm được vợ mang về Việt Nam luôn, ông nào không kiếm được thì làm chuyến gỗ, đồ nông - lâm sản về bán cũng được chút ít tiền”.

Đến giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại, cuộc sống của bà Lá có thể coi là viên mãn khi con cháu hiếu thảo, ngoan ngoãn. Hằng ngày, bà Lá đưa đón 2 cháu nội đi học giúp vợ chồng con trai đi làm ăn xa; chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn. Ông Phìn vẫn duy trì nghề mộc tại địa phương, thi thoảng đánh chuyến hàng từ Việt Nam sang Lào và ngược lại. “Hai vợ chồng tôi được Nhà nước cấp cho gà, lợn, bò để nuôi, còn có mấy sào ruộng để phát triển sản xuất. Tuổi già chỉ cần không đói ăn, thiếu mặc, vui vầy bên con cháu là đủ”, bà Lá chia sẻ.

Tôi chưa một lần được đến với đất nước Lào xinh đẹp, tôi chỉ biết đến Lào qua sách, báo. Nổi lên trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi là nghĩa tình keo sơn gắn bó Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc đầy hy sinh gian khổ cũng như trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có lẽ, tình cảm thiêng liêng ấy đã chắp nối cho những mối tình giản dị mà son sắt nơi những cặp vợ chồng Việt - Lào mà tôi đã gặp nơi đây. Dù là chồng hay vợ nhưng khi về sống bên mái nhà biên giới Việt Nam, họ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; xây dựng bản làng văn minh. Họ như những viên gạch hồng âm ỉ cháy, làm nồng đượm thêm tình cảm giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn và thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại vốn có giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]