(Baothanhhoa.vn) - Trong bức tranh toàn cảnh du lịch Thanh Hóa năm 2019, công tác xúc tiến, quảng bá đã góp nhiều “mảng màu” tươi mới và sinh động. Qua đó, góp phần đưa các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch cán đích và vượt yêu cầu đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xúc tiến, quảng bá: Chất xúc tác cho tăng trưởng du lịch

Trong bức tranh toàn cảnh du lịch Thanh Hóa năm 2019, công tác xúc tiến, quảng bá đã góp nhiều “mảng màu” tươi mới và sinh động. Qua đó, góp phần đưa các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch cán đích và vượt yêu cầu đề ra.

Xúc tiến, quảng bá: Chất xúc tác cho tăng trưởng du lịch

Hội nghị hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh – Ninh Bình.

Xác định công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến phải là “tuyến đầu”, nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương, do đó năm 2019 Thanh Hóa đã tập trung vào các mũi nhọn, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, đối với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, Sầm Sơn vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của ngành du lịch. Bên cạnh đó, Pù Luông cũng là một ưu tiên khi thực hiện quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái – cộng đồng. Ngoài ra, Lam Kinh và Thành Nhà Hồ đang là lựa chọn đúng nhất, khi Thanh Hóa muốn giới thiệu đến đông đảo du khách sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh. Cũng nhờ định hướng và cách tiếp cận phù hợp, năm 2019, đô thị du lịch trọng điểm Sầm Sơn tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu của du lịch Thanh Hóa. Theo đó, thành phố đã đón được 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ (chiếm trên 51% tổng lượng khách đến Thanh Hóa); với tổng thu ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ (chiếm gần 32% tổng thu ngành du lịch).

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay, ngày càng tiệm cận đến những cách thức và giải pháp mới, có sức ảnh hưởng sâu rộng và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, truyền thông xúc tiến, quảng bá du lịch đang có sự dịch chuyển từ việc chú trọng đến hình thức hội chợ, triển lãm thương mại - du lịch, tập gấp, sách giới thiệu..., sang marketing điện tử, gắn với đầu tư phát triển các website cung cấp thông tin du lịch một cách đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện và hữu ích. Đồng thời, kết hợp nghiên cứu thị trường với hợp tác, liên kết marketing du lịch giữa các địa phương; kết hợp hoạt động marketing du lịch với các hoạt động giao lưu văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc xúc tiến, quảng bá đã dần chú trọng theo các xu hướng du lịch mới và đặc biệt là theo xu thế phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay như facebook, youtube, tiktok, twitter...

Từ những định hướng, giải pháp trên, trong năm 2019, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thông qua các sự kiện văn hóa - du lịch nổi bật như lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; tổ chức “Ngày hội Du lịch quốc tế Thanh Hóa năm 2019” cùng Flamingo và HanoiRedtours... Ngành du lịch Thanh Hóa cũng đã chú trọng đến việc hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Ninh Bình...; đón các đoàn famtrip khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, đoàn báo chí quốc tế; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế thường niên VITM tại TP Hà Nội, Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2019... Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và xúc tiến ra các thị trường nước ngoài, như các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng và tổ chức Lễ công bố tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay (Lào); tham gia xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tại Pháp, Liên bang Nga...

Một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch là tìm được tiếng nói chung, đồng thuận, nhất quán về định hướng và cách làm, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Đối với Thanh Hóa, vấn đề này đã và đang được chú trọng, với nhiều kết quả bước đầu. Điển hình trong đó là chương trình kết nối các điểm đến 2 tỉnh Thanh Hóa và Quảng Bình, với chủ đề “Dấu ấn Quảng Bình – Hành trình liên kết”. Chương trình do Hội doanh nghiệp lữ hành Thanh Hóa, phối hợp với Trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Qua đó, các hãng lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ của 2 tỉnh, đã có cơ hội để ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, lựa chọn và xây dựng các tour du lịch mới. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của hai địa phương.

Những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch là không thể phủ nhận. Song, cũng cần khách quan đánh giá, du lịch sẽ không thể có được bước chuyển thần kỳ, nếu cứ xem sự phát triển du lịch nói chung, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch nói riêng, chỉ là nhiệm vụ của ngành du lịch. Trong khi, du lịch được xem là ngành kinh tế có tính liên vùng, liên ngành và tính xã hội hóa cao. Cùng với đó, mặc dù truyền thông đang nắm lợi thế như một công cụ “quyền lực mềm”, có khả năng tác động mạnh mẽ đến giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, định hướng tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch. Song, đến nay, việc sử dụng công cụ này vẫn dừng lại ở một mức độ nhất định, với một số kết quả nhất định. Đó là chưa kể, tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm, kinh phí và con người làm công tác này, hiện vẫn vừa thiếu, lại vừa yếu.

Để công tác xúc tiến, quảng bá phát huy được vai trò tiên phong trong phát triển du lịch; bên cạnh những giải pháp mang tính trước mắt, thiết nghĩ, cần có chiến lược truyền thông, xúc tiến, quảng bá một cách bài bản, dài hạn và tiệm cận các xu thế hiện đại. Có như vậy, xúc tiến, quảng bá mới trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, vừa thúc đẩy tăng trưởng du lịch, vừa mang lại sự đổi thay tích cực về hình ảnh, cũng như nâng cao giá trị thương hiệu du lịch Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]