(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ ẩn chứa trong mình nhiều tầng lớp văn hóa, đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Xứ Thanh còn hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tất cả đã tạo nên một bức tranh làm say đắm lòng người.

Xứ Thanh sơn thủy hữu tình

Không chỉ ẩn chứa trong mình nhiều tầng lớp văn hóa, đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Xứ Thanh còn hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tất cả đã tạo nên một bức tranh làm say đắm lòng người.

Xứ Thanh sơn thủy hữu tìnhĐến với Pù Luông, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng miền Tây xứ Thanh.

Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Nằm ở vị trí thuộc Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là sự kết nối giữa đồng bằng Bắc bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp; khí hậu nơi đây vừa có kiểu của khí hậu miền Bắc lại vừa mang những đặc điểm khí hậu của miền Trung. Có lẽ vì thế mà Thanh Hóa được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ.

Nhắc đến xứ Thanh người ta nhớ đến miền biển dạt dào sóng vỗ. Cùng với Sầm Sơn có biển xanh, cát trắng, nắng vàng thì vẻ hoang sơ, thơ mộng của Hải Tiến, Hải Hòa hay Bãi Đông... lại khiến bao tâm hồn phải xao xuyến, bâng khuâng. Mỗi nơi một vẻ đã làm nên bản hòa tấu riêng biệt cho vùng biển xứ Thanh.

Không chỉ có biển, nơi đây còn có dòng Mã Giang thơ mộng, đã ghi dấu bao chiến công hiển hách. Vẻ đẹp của nó đã đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa. Dòng sông Mã mang phù sa bồi đắp, kiến tạo nên một vùng châu thổ rộng lớn và tạc nên hình hài dáng vóc của xứ Thanh.

Đến với sông Mã, chúng ta không thể bỏ qua cầu Hàm Rồng lịch sử. Cây cầu gắn liền với những biến cố, thăng trầm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc. Với mục đích ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam ruột thịt, hàng nghìn tấn bom đạn đã được không quân Mỹ thả xuống nơi đây. Cầu Hàm Rồng - sông Mã trở thành điểm bắn phá ác liệt nhất những năm kháng chiến chống Mỹ. Từng tấc đất, cây cỏ, ngọn núi, con sông... đều ghi dấu những chiến công của quân và dân Thanh Hóa. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Bên cạnh cây cầu vẫn sừng sững ngọn Đồi C4 anh hùng, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, xa xa là Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ...

Một điểm không thể không nhắc tới trong quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là làng cổ Đông Sơn. Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi các dãy núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ nhau, làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời.

Xứ Thanh được trời phú cho thế núi, hình thác, hang động, suối... với nhiều cảnh sắc đẹp và nên thơ, những danh lam thắng tích nổi tiếng say đắm lòng người.

Đó là dãy Trường Lệ thuôn dài như người con gái đẹp lả lơi ngủ quên bên mép sóng, mang trong mình những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại đậm chất nhân văn. Hay trong những buổi hè nóng nực, được thỏa thích ngâm mình dưới làn nước trong xanh, mát lành của dòng thác Ma Hao trên vùng đất Lang Chánh thì còn gì tuyệt vời hơn nữa...

Giữa núi rừng hoang sơ, 9 tầng thác mềm mại đổ những dòng nước mát lạnh tựa “chín bậc tình yêu”. Đó là thác Mây nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương (thuộc thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành). Thác được bắt nguồn từ nhiều con suối nhỏ giáp ranh với tỉnh Hòa Bình chảy dọc theo những cánh rừng già ẩm ướt rồi hợp thành những dòng suối nhỏ dội tạo ra chín bậc thác gối lên nhau. Từ trên cao, những dòng nước cuồn cuộn đổ xuống, tung bọt trắng xóa phủ khắp cả một vùng rộng lớn tạo nên sự huyền ảo giữa bạt ngàn núi rừng.

Tương truyền, xưa kia có 9 nàng tiên đã giáng trần và tắm tại thác này. Khi các nàng tiên đang tắm thì có “lệnh trời” gọi về. 9 nàng tiên bay lên trời để lại dấu chân là chín bậc thác, bốn mùa vẫn róc rách, rì rầm nước chảy. Từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn truyền tai nhau rằng, những đôi lứa đang yêu nhau lên tắm thác “Chín bậc tình yêu”, thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng và nên duyên vợ chồng.

Dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên xuống tận đáy. Vào mùa hè du khách có thể thỏa thích thả mình trong dòng nước mát lành, tinh khiết xua tan đi cái nóng bức oi nồng. Điều đặc biệt, mặc dù nước thác chảy đều quanh năm, nhưng những phiến đá trên thác không hề bám rêu, du khách có thể thản nhiên đi lại trên thác mà không sợ trơn trượt.

Trên vùng đất xứ Thanh người ta còn rỉ tai nhau về một khu bảo tồn thiên nhiên hùng vĩ chẳng hề kém cạnh Hà Giang, Sa Pa hay Tây Bắc... Đó là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc địa phận huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa), nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa 130km.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Đến với Pù Luông, du khách được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ với những bản làng nhỏ bao quanh bởi ruộng bậc thang xanh mướt, cánh rừng nguyên sinh xen lẫn núi non trùng điệp, suối chảy rì rào, dòng thác hùng vĩ mát rượi. Với những góc máy rộng, chụp từ trên cao xuống chắc chắn bạn sẽ lưu lại được những tấm hình đẹp nhất cùng thiên nhiên Pù Luông. Bước vào mùa lúa chín, tất cả ruộng bậc thang phủ một lớp áo vàng óng ánh đẹp mê hồn.

Du khách không khỏi ngạc nhiên khi bên chân núi Trường Sinh có một dòng suối ngầm chảy mãi không bao giờ cạn. Dòng nước mát trong chảy ngầm từ lòng núi suốt nhiều năm với đàn “cá thần” linh thiêng đã tạo nên một danh thắng độc nhất vô nhị ở xứ Thanh, mang tên suối cá thần Cẩm Lương.

Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách trung tâm TP Thanh Hóa 80km về phía Tây Bắc. Nơi đây có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc Mường, Thái ở địa phương gìn giữ. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20cm đến 40cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Điều đặc biệt, hàng ngàn con cá sinh sống dày đặc như vậy, nhưng nước suối ở đây không có mùi tanh... Tất cả đã tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp có rừng, có sông suối, bản làng và những người dân hiền lành đậm nghĩa đậm tình tạo nên một bức tranh làng quê mộc mạc, dung dị. Mỗi lần đến nơi đây du khách sẽ được thỏa sức ngắm và quên hết bao muộn phiền, bộn bề trong cuộc sống.

Về với xứ Thanh, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” mà còn được thỏa sức trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của tất cả các dân tộc anh em như: Thái, Mường, Dao... Và thưởng thức những đặc sản của núi rừng như xôi ngũ sắc, rượu ngô, canh đắng, trứng kiến...

Kể sao cho hết những cảnh đẹp trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Những danh thắng ấy đã tạo nên cho xứ Thanh một bức tranh làm say lòng biết bao du khách.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]