(Baothanhhoa.vn) - Để chủ động, kịp thời hồi phục các hoạt động du lịch dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện "mục tiêu kép" thời điểm cuối năm 2021 và năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa xác định, phải xây dựng, duy trì và liên kết các "điểm đến xanh" để thu hút khách du lịch.

Xây dựng các “điểm đến xanh” để thu hút khách du lịch

Để chủ động, kịp thời hồi phục các hoạt động du lịch dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” thời điểm cuối năm 2021 và năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa xác định, phải xây dựng, duy trì và liên kết các “điểm đến xanh” để thu hút khách du lịch.

Xây dựng các “điểm đến xanh” để thu hút khách du lịchPù Luông - "điểm đến xanh" của du lịch xứ Thanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì xây dựng và kết nối các “điểm đến xanh” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Trong đó, các “điểm đến xanh” trước hết cần dựa vào thiên nhiên và văn hóa. Thanh Hóa có nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú, với 2 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn thiên nhiên gắn với rừng nguyên sinh và hệ thống hang động, sông hồ đa dạng, tươi đẹp. Đây là điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, trong đó, du lịch sinh thái đang là sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản phẩm của tỉnh. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi Thanh Hóa, trong đó phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ... gắn với thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh ta xây dựng và triển khai nhiều đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở một số khu vực trọng điểm như Pù Luông (Bá Thước), Trí Nang (Lang Chánh), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Xuân Liên (Thường Xuân), Bến En (Như Thanh)... Du lịch sinh thái cộng đồng gắn với các hoạt động như nghỉ dưỡng núi, thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số; thăm vườn quốc gia, tìm hiểu hệ động thực vật, đi thuyền khám phá cảnh quan thiên nhiên... Đây là những cơ sở làm tiền đề để kết nối các “điểm đến xanh” nhằm thu hút du khách và từng bước khôi phục hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, để thích ứng và hướng đến “sống chung với dịch COVID-19”, thì “điểm đến xanh” phải bảo đảm các điều kiện an toàn dịch bệnh, hay tiêu chí “xanh” trước hết phải an toàn. Trong đó an toàn cả với du khách, người lao động và các hoạt động lữ hành, lưu trú, ăn uống... Cụ thể, tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là điều kiện bắt buộc đối với du khách và người lao động nếu muốn tham gia hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, thì việc xây dựng sản phẩm du lịch trong bối cảnh hiện nay cần tính đến yếu tố an toàn thông qua hình thức “khép kín”. Cụ thể là việc triển khai các chương trình du lịch cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của đơn vị lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, tham quan... Đồng thời, chỉ lựa chọn các điểm du lịch và đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn chung. Đồng thời, kết nối khách du lịch từ “vùng xanh” với các “điểm đến xanh”, trên cơ sở xác định “vùng xanh” của cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương.

Song, để kết nối các “điểm đến xanh” thì cần có các tiêu chí an toàn được thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đây là quan điểm được nhiều địa phương đưa ra khi bắt đầu mở cửa trở lại ngành du lịch. Bởi, nếu chỉ có “điểm đến xanh”, “dịch vụ xanh” là chưa đủ nếu không thể lưu thông và kết nối các điểm đến, dịch vụ. Đối với Thanh Hóa, mục tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm 2021 là phấn đấu đạt trên 700 nghìn lượt khách. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết ngành du lịch và chính quyền các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, tổ chức quán triệt, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch thực hiện nghiêm túc, triệt để và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh quy định. Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, để sẵn sàng cho việc mở cửa và phục hồi ngành du lịch an toàn. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thẩm định, hoàn thiện Bộ tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, các khu điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện, căn cứ quy định của Bộ tiêu chí an toàn để hướng dẫn, kiểm tra và công nhận cho các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và được phép đón tiếp, phục vụ khách. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND cấp huyện, tiến hành tổng hợp, công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông danh sách các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được công nhận bảo đảm an toàn đón tiếp, phục vụ khách; xây dựng và công bố các “tuyến du lịch xanh” để chào bán, thu hút khách du lịch.

Để mở cửa trở lại ngành du lịch, nhiều địa phương đang xây dựng và triển khai “chiến dịch xanh” hay “xanh hóa” các hoạt động du lịch nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, lao động du lịch, các dịch vụ và điểm đến. Từ đó, mang đến sự tin tưởng và yên tâm cho du khách khi lựa chọn sản phẩm. Đây cũng vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ đặt ra cho ngành du lịch Thanh Hóa, nếu muốn từng bước khôi phục hoạt động du lịch từ nay đến cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]