(Baothanhhoa.vn) - Lưu trú là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của du khách khi đi du lịch; đồng thời, đây cũng là tiêu chí quan trọng để làm nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Cũng vì vai trò quan trọng của nó, mà chất lượng dịch vụ lưu trú sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng du lịch, cũng như hình ảnh điểm đến thân thiện, văn minh mà du lịch Thanh Hóa đang hướng tới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh

Vì hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh

Khu Du lịch thác Hiêu (Bá Thước).

Lưu trú là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của du khách khi đi du lịch; đồng thời, đây cũng là tiêu chí quan trọng để làm nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Cũng vì vai trò quan trọng của nó, mà chất lượng dịch vụ lưu trú sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng du lịch, cũng như hình ảnh điểm đến thân thiện, văn minh mà du lịch Thanh Hóa đang hướng tới.

Chất lượng lưu trú – chất lượng du lịch

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thanh Hóa hiện có 870 cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch, tương đương 30.000 phòng, với các loại hình lưu trú tương đối đa dạng. Trong đó có lưu trú cao cấp như khách sạn nghỉ dưỡng (resort), căn hộ du lịch, biệt thự du lịch...; đồng thời, cũng có nhiều khách sạn, nhà nghỉ nhỏ bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng. Đây là con số tích cực, phản ánh quy mô và năng lực đón tiếp du khách của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng các CSLT, lại cần dựa vào một tiêu chí quan trọng khác là số “sao” mà các cơ sở được thẩm định và công nhận. Theo đó, tính đến tháng 5-2019, toàn tỉnh có 176 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, với 10.970 phòng (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn 3 sao và 144 khách sạn từ 1-2 sao). Có thể nói, việc xếp hạng các khách sạn đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu, tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia của khách sạn nói riêng và chất lượng, hình ảnh du lịch Thanh Hóa nói chung. Đồng thời, tạo được niềm tin cho khách hàng khi lựa chọn các khách sạn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Nếu lấy một ví dụ có thể phản ánh rõ nét nhất tốc độ gia tăng về số lượng, quy mô và chất lượng các CSLT của du lịch Thanh Hóa vài năm trở lại đây, thì Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến được xem là một điển hình. Chỉ trong khoảng một thập kỷ đầu tư và khai thác, Hải Tiến đã có gần 60 CSLT, với trên 5.800 phòng; trong đó, có khoảng 20 CSLT đã được xếp hạng 2-3 sao. Đặc biệt, điểm nhấn làm nên diện mạo hiện đại cho Hải Tiến là hệ thống các resort, villa, biệt thự, khách sạn chạy dọc ven biển, được đầu tư tương đối lớn và sang trọng, với quy mô hàng trăm phòng/cơ sở. Điển hình như Khu du lịch Ánh Phương với tổ hợp nghỉ dưỡng đa dạng, bao gồm 3 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao và dãy biệt thự cao cấp tích hợp hệ thống bể bơi, khu vui chơi giải trí, thể thao. Hay Khu nghỉ dưỡng Eureka Linh Trường với hệ thống 72 biệt thự, 2 khách sạn, nhà hàng, bể bơi và nhiều dịch vụ tiện ích, đang hoạt động theo mô hình nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp... Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến còn nhiều tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng chất lượng như Hải Tiến resort, Thiên Đường Xứ Thanh, biệt thự Hoa Hồng, biệt thự Hướng Dương, khách sạn Queen, khách sạn Sao Biển, khách sạn Tuấn Linh...

Để thu hút du khách về với Hải Tiến, bên cạnh việc đa dạng sản phẩm, như tắm biển, hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng và các dịch vụ bể tắm nước biển nóng, bể bơi, buffet bãi biển, khu vui chơi giải trí... Không thể phủ nhận, huyện Hoằng Hóa đã có sự quan tâm đúng mức đến việc duy trì chất lượng dịch vụ của các CSLT, thông qua việc kiểm tra, kiểm soát về chất lượng buồng, phòng, giá cả, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đồng thời, chú trọng đến đội ngũ nhân lực phục vụ tại các CSLT trên địa bàn. Theo đó, Hải Tiến hiện có trên 3.000 nhân viên (70% là con em địa phương), với khoảng 40% đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên và 35% được đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn từ 3 – 6 tháng. Nhờ chất lượng dịch vụ được chú trọng, mà lượng khách du lịch đến Hải Tiến đều tăng qua mỗi năm. Công suất sử dụng phòng bình quân trong khu du lịch đạt khoảng 60% và đạt 100% vào các ngày lễ, cuối tuần và thường tập trung cao điểm vào các tháng 6, 7, 8. Đồng thời, sự hài lòng của du khách đối với các dịch vụ nghỉ dưỡng tại Hải Tiến cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Vì quyền lợi của người kinh doanh

Theo quy định của Luật Du lịch, thì các CSLT “chỉ được dùng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng CSLT du lịch sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng CSLT du lịch”. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn tình trạng một số CSLT sử dụng “sao” và quảng cáo thứ hạng khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, hoặc thứ hạng “sao” đã hết hạn theo quy định. Còn nhớ cách đây vài năm, tình trạng “loạn sao” hay “loạn chất lượng” CSLT trên địa bàn cả nước, trong đó có Thanh Hóa, buộc Tổng cục Du lịch phải tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra toàn diện, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các CSLT từ 3-5 sao. Qua đó, phát hiện, xử lý và tước “sao” của không ít CSLT, mà cụ thể đối với Thanh Hóa thời điểm đó, đã phát hiện 7/13 CSLT từ 3-5 sao vi phạm các quy chuẩn xếp hạng khách sạn. Việc quản lý, kiểm tra, thẩm định và xếp hạng đối với các CSLT sau đó cũng được tiến hành chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo quy định mới gần đây (Điều 50, Luật Du lịch 2017), thì “tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng CSLT du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các CSLT có xếp hạng hay không lại dựa trên tinh thần “tự nguyện”, hay phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh lưu trú. Đồng thời, quy định trên cũng đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền một số địa phương là trọng điểm du lịch, yêu cầu quản lý hoạt động đối với CSLT bằng các giải pháp hiệu quả hơn.

Được biết, để nâng cao ý thức tự giác cho các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xếp hạng CSLT, thời gian qua, Sở VHTT&DL đã tích cực lồng ghép tuyên truyền Luật Du lịch 2017, với tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thẩm định CSLT trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Vì vậy, nhiều CSLT đã chủ động đầu tư về quy mô và chất lượng, nhằm hướng đến đạt tiêu chuẩn hạng sao, đặc biệt là từ 3 sao trở lên. Cũng tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 71 CSLT tự nguyện đăng ký thẩm định hạng khách sạn. Đồng thời, Sở VHTT&DL cũng đã cập nhật danh sách các khách sạn được công nhận hạng 1-5 sao lên trang thông tin điện tử của sở, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin về những CSLT đạt chuẩn, phù hợp nhu cầu. Cùng với đó, ngành chức năng còn tích cực phối hợp với một số địa phương như TP Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Tĩnh Gia, tổ chức rà soát, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại các CSLT. Đồng thời, định kỳ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra để nhắc nhở, xử phạt các CSLT sai phạm.

Tuy nhiên, con số 176/870 CSLT được xếp hạng vẫn là kết quả khá khiêm tốn. Đó là chưa kể, vẫn còn những CSLT đã được thẩm định và công nhận, nhưng lại sao nhãng việc duy trì loại, hạng, nhất là chất lượng phục vụ và chất lượng nhân lực. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa cho rằng, việc các tổ chức, cá nhân không tích cực, chủ động đăng ký xếp hạng CSLT du lịch, là đang làm mất đi quyền lợi của chính họ. Chẳng hạn, đối với những CSLT đủ các tiêu chuẩn để được công nhận 2-3 sao, nhưng vì không đăng ký xếp hạng, nên các cơ sở này không thể sử dụng biểu tượng “sao” để quảng bá. Từ đó, uy tín của cơ sở bị hạn chế, cũng như không tạo được niềm tin đối với khách hàng.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]