(Baothanhhoa.vn) - Làng chài ven biển Hải Tiến với những nét văn hóa của vùng quê biển, trở thành điểm dừng chân độc đáo để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Hoằng Hóa.

Trải nghiệm nhịp sống làng chài ven biển Hải Tiến

Làng chài ven biển Hải Tiến với những nét văn hóa của vùng quê biển, trở thành điểm dừng chân độc đáo để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Hoằng Hóa.

Trải nghiệm nhịp sống làng chài ven biển Hải TiếnNgư dân xã Hoằng Thanh gỡ lưới sau chuyến ra khơi.

Với 2 km đường bờ biển nằm trong dải bờ biển 12 km của Khu du lịch biển Hải Tiến, xã Hoằng Thanh vốn là nơi sinh sống lâu đời của cư dân vùng biển. Hiện nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét bản sắc độc đáo của cư dân làng biển. Xã Hoằng Thanh có 7 thôn, trong đó có 4 thôn ven bờ biển (gồm Quang Trung, Trung Hải, Đông Tây Hải, Đông Xuân Vi). Với đặc thù là xã bãi ngang, nước ven bờ nông nên tàu không vào được, chỉ có bè, mảng là loại hình phương tiện phù hợp trong hoạt động khai thác hải sản. Sau quá trình quy hoạch, phát triển và sắp xếp lại, bãi neo đậu thuyền bè của ngư dân xã Hoằng Thanh đặt tại phía cuối trục đường bờ kè ven biển Hải Tiến. Đây là bãi đậu bè mảng của bà con ngư dân xã Hoằng Thanh sau những giờ ra khơi, vào lộng. Đây cùng là đoạn bờ biển diễn ra cảnh thu mua hải sản nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng. Đến đây, Nhân dân và du khách có thể trực tiếp mua các loại hải sản tươi ngon vừa được đánh bắt trở về từ những chiếc bè mảng của ngư dân. Nét đẹp bình dị và chân chất của một làng chài ven biển ghi dấu ấn khi đưa du khách đến gần hơn với cuộc sống của người dân nơi đây, tạo nên một không gian yên bình giữa thiên nhiên biển cả.

Chứng kiến sự phát triển của Khu du lịch biển Hải Tiến sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hẳn nhiều người còn nhớ dải bờ biển này hàng chục năm về trước, bờ biển hoang sơ, con đường ra biển là không dễ dàng, đi bộ qua những bãi cát lộng gió, nắng bỏng rát. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thời cuộc, cuộc sống nơi đây đã thay đổi rất nhiều, nghề đi biển ở đây cũng dần thu hẹp về quy mô. Nếu như trước đây, hầu như làng nào trong xã cũng có người theo nghề biển thì nay số lượng phương tiện và người làm nghề khai thác hải sản ngày càng ít dần. Theo thống kê của UBND xã Hoằng Thanh, trên địa bàn xã hiện có 268 phương tiện khai thác (262 bè mảng, 6 thuyền thúng) với gần 1.000 ngư dân tham gia, tập trung chủ yếu ở các thôn Đông Tây Hải, Đại Long, Trung Hải, Quang Trung... Các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Hoằng Thanh chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, khai thác gần bờ. Họ vẫn lặng lẽ bám nghề như một cách để duy trì và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Một ngày mới của họ thường bắt đầu từ lúc 1-2 giờ sáng khi những chiếc thuyền, bè, mảng xuất phát ra khơi và cập bờ khi bình minh ló rạng phía chân biển. Trên mỗi chiếc bè, mảng ra khơi chỉ có từ 2 đến 6 người tham gia đánh bắt. Cũng giống như ngư dân của các xã vùng biển Hoằng Hóa, cuộc sống của ngư dân Hoằng Thanh gắn liền với biển, quen “ăn sóng nói gió” nhưng chất phác, thân thiện và gần gũi. Họ là những người thông thuộc luồng lạch, am tường biển cả. Vì là hoạt động khai thác gần bờ nên hải sản thu hoạch về trong ngày, bảo đảm độ tươi ngon, tiêu thụ nhanh và bán được giá song nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng cạn kiệt nên các loại sản phẩm cũng ít dần... Vào mùa du lịch biển, lượng hải sản tiêu thụ tăng mạnh hơn, ngư dân vẫn chịu khó bám biển để cung ứng hải sản cho thị trường.

Anh Trương Ngọc Định, ngư dân xã Hoằng Thanh chia sẻ: Mỗi mùa có những loại hải sản đặc trưng khác nhau, phổ biến là cá, tôm, sứa, bề bề... Hải sản thu về được bán ngay cho thương lái và Nhân dân hoặc du khách trên bãi biển này. Ngư dân trong xã cũng đưa bè, mảng về neo đậu tại bãi biển này để nghỉ ngơi và làm những công việc trên bờ, chuẩn bị cho chuyến ra khơi của ngày hôm sau.

Nhu cầu tăng cao nên các loại hải sản được tiểu thương “săn đón”, sau đó được vận chuyển về các nhà hàng, các chợ trong huyện và chuyển lên các huyện, thành phố lân cận. Đối với mùa thu hoạch sứa thì được vận chuyển về các cơ sở chế biến. Nhiều du khách khi về với biển Hải Tiến cũng tìm đến đoạn bờ biển này để tham quan và mua hải sản của ngư dân. Khung cảnh nhộn nhịp, được tận tay lựa chọn hải sản tươi ngon là một trong những trải nghiệm thú vị với khách du lịch. Các dịch vụ hấp, nướng hải sản tại bờ cho du khách cũng vì thế mà phát triển theo. Làng chài ven biển Hải Tiến mặc dù có quy mô không lớn nhưng hình ảnh bình dị, êm ả cùng những món ăn ngon và cái tình nồng hậu, thân thiện, ấm áp của con người xứ biển đã trở thành những điều thú vị đối với du khách khi đến với biển Hải Tiến.

Chị Vũ Bích Hồng, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Điều đặc biệt mình thích khi đến với Hải Tiến là làng chài này. Mình cảm thấy về đây được trải nghiệm một không gian biển thực sự yên bình. Ngoài du lịch tiện nghi, mình còn được khám phá đời sống sinh hoạt bình dị, gần gũi của người dân. Hy vọng, địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ ngư dân duy trì làng chài ven biển này thành những điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm, khám phá nét đẹp cuộc sống, lao động của người dân bản địa”.

Bất cứ ai có dịp được ngắm cảnh bình minh ló rạng phía chân biển vào lúc những chiếc bè, mảng lần lượt trở về, ngắm nhìn những ngư dân khuôn mặt rám nắng, nụ cười rạng rỡ bê từng khay tôm cá vào bờ, hay chú ý quan sát những người mẹ, người vợ nói cười giòn tan gỡ cá mang đi bán... mới cảm nhận hết vẻ đẹp lao động bình dị ở biển Hải Tiến khi ngày mới bắt đầu. Những năm gần đây, khi du lịch biển Hải Tiến ngày càng phát triển, những ngư dân ở Hoằng Thanh đã biết cách thay đổi để phát triển các ngành nghề dịch vụ phục vụ du lịch biển. Địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - thương mại, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, phát huy thế mạnh đường bờ biển, có Khu du lịch biển Hải Tiến đang phát triển, ngư dân trong xã đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa bè mảng, phương tiện và ngư lưới cụ khai thác hải sản phục vụ nhu cầu của Nhân dân, du khách.

Ông Lê Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh, chia sẻ: Để ngư dân yên tâm khai thác hải sản, huyện Hoằng Hóa đã đầu tư xây dựng nhà trông coi tàu thuyền kiên cố tại các bến bãi neo đậu tàu thuyền ở các thôn Đông Tây Hải, Xuân Vi. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân duy trì nghề khai thác, phát huy vai trò của tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ biển Thanh - Hải - Tiến trong việc kiểm soát hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Địa phương mong muốn làng chài ven biển này sẽ tiếp tục được duy trì, sắp xếp hài hòa, hợp lý để giữ lại nét đẹp đặc trưng của làng chài ven biển - nơi du khách có thể trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và nét văn hóa của ngư dân làng chài. Với sự phát triển của du lịch Hải Tiến, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch biển sẽ phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm để ngư dân trên các phương tiện bè, mảng của mình đón những đoàn khách du lịch tham quan biển đảo, ngắm phong cảnh rừng ngập mặn hay tham gia hoạt động khai thác hải sản cùng ngư dân...

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]