(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa ứng xử là một đề tài không mới nhưng luôn là mối quan tâm đặc biệt đối với dư luận xã hội. Trong lĩnh vực du lịch một trong những nhu cầu của du khách cần đáp ứng, thỏa mãn là khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa với cảm giác thoải mái, tận hưởng, an tâm và được tôn trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Sầm Sơn với nỗ lực nâng tầm văn hóa ứng xử văn minh du lịch

Văn hóa ứng xử là một đề tài không mới nhưng luôn là mối quan tâm đặc biệt đối với dư luận xã hội. Trong lĩnh vực du lịch một trong những nhu cầu của du khách cần đáp ứng, thỏa mãn là khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa với cảm giác thoải mái, tận hưởng, an tâm và được tôn trọng.

TP Sầm Sơn với nỗ lực nâng tầm văn hóa ứng xử văn minh du lịchBức tranh du lịch Sầm Sơn ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn trong mắt du khách.

Mỗi người dân là một “sứ giả” du lịch

Nổi tiếng là chợ buôn bán hải sản đắt khách bậc nhất ở TP Sầm Sơn, chợ Cột Đỏ cung cấp nguồn thực phẩm số lượng lớn cho các khách sạn, nhà hàng và người dân Sầm Sơn. Với sự đa dạng, phong phú về mặt hàng, độ tươi ngon của thực phẩm, chợ Cột Đỏ thu hút được rất đông lượng khách du lịch ghé thăm chợ và chọn mua hàng hóa ở đây về làm quà cho gia đình, bạn bè, người thân... Bởi vậy, dường như chợ lúc nào cũng huyên náo, tấp nập kẻ bán người mua.

- Chị ơi, xem hàng, mua hàng đi chị. Nhà em vừa về tôm tít (hay còn gọi là con bề bề), cua, ghẹ ngon lắm chị này, tươi xanh! Người phụ nữ chừng 35-40 tuổi tươi cười, niềm nở nhấc con ghẹ đang phơi mình trong cái chậu nước đưa về phía vị khách du lịch.

- Trông nó có vẻ uể oải, ngắc ngoải như hàng tồn ấy nhỉ? Vị khách du lịch vui tính, nửa thật nửa đùa đáp trả chị bán hàng.

Nếu như về Sầm Sơn vào khoảng độ 5 năm trước đây, tin chắc rằng, với câu nói tưởng như đùa vui ấy, vị khách du lịch kia thể nào cũng bị chị bán hàng “tặng” cho dăm ba câu nói mát mẻ hoặc chí ít cũng bị lườm, nguýt cho “cháy mặt”. Tính cách người dân “kẻ bể” quen “ăn sóng, nói gió”, bộc trực, có phần nóng nảy, bao đời nay đã vậy. Bảo họ đổi tính, đổi nết trong một sớm một chiều, chuyện đâu phải dễ. Ấy vậy mà, chỉ vài năm trở lại đây, cái tính cách không phù hợp cho sự phát triển du lịch bền vững ấy được người dân điều chỉnh, hạn chế rất nhiều, dần dần hình thành văn hóa ứng xử văn minh du lịch đáng học hỏi. Đơn giản như cái cách chị bán hàng đáp trả lại câu bông đùa có phần “phật ý” của vị khách du lịch kia:

- Em nhìn thế nào? Hàng nhà chị làm gì có chuyện tồn, ế ẩm. Nhà chị buôn bán lấy chữ tín làm đầu, cốt bán cho các em lần sau còn quay lại với chị.

Chỉ với vài câu giao tiếp đơn giản, bằng thái độ ứng xử văn hóa, tế nhị, cả người bán và người mua đều vui vẻ, cảm thấy thân thiện, gần gũi nhau hơn. Vị khách cảm nhận được nét duyên dáng, thông minh, hóm hỉnh nhưng không kém phần cá tính của người dân bản địa nên hào hứng chọn mua hàng. Chị bán hàng phấn khởi vì có thêm thu nhập. Hình ảnh du lịch của TP Sầm Sơn đẹp hơn trong mắt du khách. Sức mạnh của văn hóa ứng xử đối với sự phát triển của du lịch nói riêng, đời sống – xã hội nói chung, chính nằm ở chỗ đó. Người nắm giữ và hưởng lợi từ sức mạnh đó, không ai khác chính là những người dân sinh sống và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh du lịch tại địa phương.

Ứng xử văn hóa văn minh du lịch – cộng đồng trách nhiệm

Mang theo những tín hiệu vui ghi nhận từ chợ Cột Đỏ, chúng tôi tiếp tục tìm đến với khu phố Hòa Sơn, thuộc phường Bắc Sơn để được lắng nghe nhiều hơn về những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân nơi đây trong việc nâng tầm văn hóa ứng xử văn minh du lịch. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc nhỏ, ông Nguyễn Bá Xuân, Phó Chủ tịch phường Bắc Sơn thân tình chia sẻ: Khu phố Hòa Sơn (phường Bắc Sơn) có 330 hộ dân, trong đó có khoảng 255 hộ trực tiếp tham gia vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch. Mặc dù nằm trên địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch của thành phố nhưng nhiều năm qua, khu phố Hòa Sơn luôn đạt được những thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử văn minh du lịch gắn với việc thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Để có được kết quả đó, không thể không kể đến vai trò của ông Nguyễn Văn Thực, Bí thư Chi bộ khu phố Hòa Sơn, phường Bắc Sơn. Từng là trung tá quân nhân chuyên nghiệp, công tác tại Đoàn an điều dưỡng 269, đóng trên địa bàn TP Sầm Sơn. Năm 2015, sau 6 năm nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và sinh hoạt Đảng tại Chi bộ khu phố Hòa Sơn, ông được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận khu phố nhiệm kỳ 2015 – 2017. Đến nay, ông đã làm bí thư chi bộ qua hai nhiệm kỳ và tiếp tục bước sang nhiệm kỳ thứ ba. Qua nhiều năm công tác, từ thực tiễn, ông nhận định: “Muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ứng xử văn hóa, văn minh du lịch thì người đảm nhiệm công việc ấy phải thực sự gương mẫu cùng lo, cùng làm với Nhân dân, thậm chí biết lo trước, làm trước, đừng tính toán chuyện thiệt hơn”. Hơn hết, đây là công việc không đơn giản là áp đặt mệnh lệnh hành chính mà phải biết khéo léo, mềm mỏng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quan tâm, chia sẻ với Nhân dân. Nhớ những ngày tuyên truyền, thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 2-3-2017, sau khi được tham dự lớp tập huấn do MTTQ tỉnh tổ chức, ông Thực chủ động, tích cực triển khai đến từng hộ dân trong khu phố. Ông tâm sự: “Nội dung bộ quy tắc thiên về ngôn ngữ hành chính, có phần khô cứng nên người tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện phải có phương pháp truyền đạt phù hợp với nhận thức của đại bộ phận các tầng lớp Nhân dân; làm sao chuyển tải đủ nội dung quy tắc nhưng tạo sự hứng thú, dễ hiểu thì người dân mới có thể thực hiện tốt được”. Bởi lẽ, vấn đề văn hóa ứng xử là phạm trù thuộc về nhận thức, nhận thức tốt thì làm tốt và ngược lại. Ví như hình thức kinh doanh xe điện 4 bánh, trước đây, mỗi xe thường có hai người: Một lái chính và một lái phụ (thường gọi là “lơ xe”). Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động, xe điện hoạt động với mô hình hai người thường làm nảy sinh những vấn đề không đáng có về thái độ phục vụ, an ninh trật tự... Nhưng từ khi MTTQ tuyên truyền, vận động bỏ “lơ xe”, tình hình kinh doanh xe điện trên địa bàn ổn định, lề lối hơn rất nhiều. Ông Thực nói: “Thay đổi bản chất của một con người đã khó, thay đổi nhận thức của cả cộng đồng dân cư càng khó hơn”. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công việc của những người như ông Thực, sau 2 năm triển khai thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch, văn hóa ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn TP Sầm Sơn được cải thiện rõ rệt.

Để bức tranh du lịch luôn đẹp trong lòng du khách, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, văn minh, TP Sầm Sơn xác định nâng tầm văn hóa ứng xử văn minh du lịch là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, từng hộ gia đình, từng khu dân cư, các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch và toàn xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, MTTQ thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch, nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cho người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Hằng năm, Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp tổ chức hội nghị phản biện các phương án quản lý dịch vụ du lịch nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng dịch vụ du lịch đem lại sự hài lòng cho du khách. Các thành viên tích cực tăng cường công tác giám sát, tích cực tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên và mọi tầng lớp Nhân dân nắm vững các quy định để thực hiện nghiêm chỉnh, góp phần xây dựng thành phố du lịch văn minh, thân thiện.

MTTQ thành phố đã xây dựng các mô hình “Ứng xử văn minh du lịch” tại khu dân cư của 4 phường trọng điểm về du lịch gồm: Bắc Sơn, Trường Sơn, Trung Sơn và Quảng Cư. Trong năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh mở hai lớp tập huấn về tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch với đại biểu tham dự là trưởng ban công tác mặt trận; trưởng các chi hội đoàn thể và cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu dân cư trọng điểm du lịch của TP Sầm Sơn với các nội dung: Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn; Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và phương pháp tổ chức ứng xử văn minh du lịch tại TP Sầm Sơn... Hội nghị nhằm tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giữ gìn bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, tham gia hoạt động du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch như: “Tuân thủ pháp luật khi đi du lịch”; “Du lịch có hiểu biết và du lịch có trách nhiệm”; “Điểm đến thân thiện”; “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”... đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng du lịch Sầm Sơn. Ông Trịnh Quang Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Sầm Sơn cho biết: “Năm 2020, cả hệ thống chính trị thành phố tiếp tục đoàn kết, đồng tâm, hợp lực, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành dịch vụ du lịch đã đặt ra. MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục tích cực tăng cường công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch đến từng địa bàn dân cư và phát huy tốt vai trò của các mô hình khu dân cư tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch, góp phần xây dựng du lịch Sầm Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện”.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]