(Baothanhhoa.vn) - Ngành du lịch vừa đi qua một năm ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song theo dự báo, trong thời gian tới, du lịch vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Do  đó, tạo cơ chế khuyến khích hay có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, là vấn đề cần được quan tâm lúc này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo điểm tựa cho doanh nghiệp du lịch vượt qua thời điểm khó khăn

Ngành du lịch vừa đi qua một năm ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song theo dự báo, trong thời gian tới, du lịch vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Do đó, tạo cơ chế khuyến khích hay có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, là vấn đề cần được quan tâm lúc này.

Tạo điểm tựa cho doanh nghiệp du lịch vượt qua thời điểm khó khănDu khách đến tham quan Di tích Lam Kinh những ngày đầu Xuân Tân Sửu. Ảnh : Lê Dung

Là trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, TP Sầm Sơn hiện có 690 cơ sở lưu trú du lịch/trên 19.000 phòng; trong đó có 105 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng. Đô thị này cũng đồng thời là địa phương chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, do thời gian hoạt động du lịch bị gián đoạn và rút ngắn đáng kể, dẫn đến các chỉ tiêu phát triển du lịch đều giảm. Cụ thể, năm 2020, thành phố đón được 3,25 triệu lượt khách (bằng 65,65% so với năm 2019 và đạt 57,52% kế hoạch đề ra); tổng thu ước đạt 2.960 tỷ đồng (bằng 64,63% so với năm 2019 và đạt 58,59% kế hoạch đề ra). Nhìn vào thực trạng ảm đạm của du lịch Sầm Sơn năm qua, không khó để hình dung những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ, đã và đang gặp phải.

Năm 2021, Sầm Sơn phấn đấu đón được 4,6 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt 3.860 tỷ đồng. Xác định tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng. Do vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra, quan điểm chỉ đạo của thành phố là làm tốt công tác dự báo, xác định các điều kiện thuận lợi và khó khăn đặt ra, để chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Cùng với đó, chú trọng cải thiện môi trường du lịch, nhất là môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Ngoài ra, thành phố cũng tích cực phát huy vai trò của Hội Du lịch Sầm Sơn trong công tác phối hợp quảng bá, tuyên truyền và triển khai các giải pháp quản lý hoạt động du lịch. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của hội trong triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá thu hút khách; thực hiện việc giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện trong du lịch...

Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú du lịch, với 41.300 phòng; có 29 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; có 4 trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch gồm Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Trung tâm thương mại Vincom Tĩnh Gia, Siêu thị Coop Mark, Siêu thị Big C; có 6 công ty vận tải đường bộ và 1 đường thủy phục vụ khách du lịch; khoảng 1.000 nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến cao cấp tại các khu, điểm du lịch phục vụ cho mọi đối tượng du khách.

Ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến các đợt giãn cách xã hội, đã khiến cho việc đi lại bị hạn chế. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch bị hủy; nhiều cuộc họp, hội nghị trong chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn đã bị hoãn hoặc hủy bỏ; các di tích, danh thắng tạm dừng đón khách du lịch trong một thời gian; lượng khách đăng ký đi du lịch, có kế hoạch du lịch đều giảm mạnh... Du lịch đóng băng, lượng khách giảm sâu đã tác động nghiêm trọng đến các dịch vụ ăn uống, vận tải, lữ hành. Trong đó, các công ty lữ hành đối mặt với tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ lên đến 95%, nhiều công ty phải ngừng hoạt động. Đa phần các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, công suất phòng chỉ đạt bình quân từ 10 - 15%; nhiều cơ sở phải đóng cửa, ngừng hoạt động.

Cùng với đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như trả các loại thuế, lãi vay ngân hàng, chế độ lương và bảo hiểm cho người lao động, các dịch vụ khác như điện, nước... Mặc dù giữa năm 2020, du lịch biển có một thời gian khởi sắc trở lại; nhưng kết quả khả quan chủ yếu nằm ở những cơ sở lưu trú có lợi thế về vị trí, cơ sở vật chất tốt, chất lượng tương đối cao. Trong khi đó, với những cơ sở lưu trú du lịch từ 1 sao trở xuống, thì thời gian 6 tuần “mở cửa biển” là không đủ để giúp họ duy trì hoạt động, dù là hoạt động cầm chừng, chứ chưa tính đến chuyện lời lãi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tỉnh ta đã tổ chức công bố tour du lịch về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa và phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa (tháng 6-2020); ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa với Hiệp hội Du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (tháng 6-2020); tổ chức cho 6 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia quảng bá các sản phẩm du lịch Thanh Hóa tại sự kiện Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh 2020 (tháng 7-2020). Cùng với đó, tổ chức xúc tiến, giới thiệu đường bay và các chương trình du lịch kết nối Thanh Hóa với các tỉnh/thành phố có chung đường bay qua Cảng Hàng không Thọ Xuân; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất vay đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch đến Thanh Hóa...

Năm 2021, du lịch Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 11,9 triệu lượt khách; tổng thu du lịch là 22.858 tỷ đồng. Song, ngay trong những ngày đầu năm, đại dịch COVID–19 tái bùng phát tại một số tỉnh/thành trong cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và định hướng hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Hệ quả bước đầu là việc xây dựng các tour du lịch mùa xuân (trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu) của các doanh nghiệp lữ hành rơi vào bế tắc, do không thể triển khai và gần 100% các doanh nghiệp buộc phải hủy tour; đồng thời, các nhà hàng, khách sạn cũng hầu như đóng cửa. Vậy là sau 1 năm triền miên trong khó khăn, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang loay hoay tìm hướng duy trì hoạt động.

Trước thực trạng trên, để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng du lịch trong năm 2021, thiết nghĩ, tỉnh ta cần triển khai hiệu quả giải pháp về thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo nhân lực, quản lý nhà nước... Đặc biệt mới đây, đường bay thẳng Thanh Hóa – Côn Đảo đã được khai thác trở lại (từ ngày 1-3-2021), với tần suất 5 chuyến/tuần (thứ 2, thứ 4, thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) và giá vé chỉ từ 699 nghìn đồng. Việc mở lại các đường bay sẽ giúp kết nối lại việc giao thương, đi lại giữa Thanh Hóa với một tỉnh/thành trong nước; đồng thời, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh khai thác, đưa khách đi - đến Thanh Hóa. Cùng với đó, việc kích cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng là vấn đề rất cần được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm.

Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa, cho biết: Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, trước mắt, hiệp hội du lịch vẫn khuyến khích các doanh nghiệp chủ động các điều kiện để đón tiếp, phục vụ khách du lịch như duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất và bảo đảm cả về số lượng, chất lượng nguồn lao động. Khi du lịch trở lại trạng thái bình thường, hiệp hội du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức chương trình xúc tiến “Du lịch biển xanh – sạch – đẹp khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung”; theo đó sẽ mời từ 300 - 400 doanh nghiệp lữ hành trong nước tham gia chương trình để có các hoạt động khảo sát và đưa khách du lịch về Thanh Hóa. Đồng thời, tăng cường phối hợp với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước và doanh nghiệp lữ hành trong việc xúc tiến thị trường, xây dựng các chương trình du lịch thu hút khách qua đường hàng không (đến và đi từ Cảng Hàng không Thọ Xuân). Ngoài ra, hiệp hội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, mà cụ thể là phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành hiệu quả trang web thanhhoatourist.com.vn. Đây sẽ là một kênh thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]