(Baothanhhoa.vn) - Việc mở lại toàn bộ đường bay nội địa và đường bay thông lệ quốc tế đã, đang mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho toàn ngành du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Với ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa, việc khai thác trở lại các đường bay cũng chính là “mở cửa” thị trường du lịch, thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác, hướng đến đa dạng hóa nguồn khách “chiến lược” ngay trong thời điểm du lịch phục hồi.

Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 1): Mở cửa bầu trời

Việc mở lại toàn bộ đường bay nội địa và đường bay thông lệ quốc tế đã, đang mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho toàn ngành du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Với ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa, việc khai thác trở lại các đường bay cũng chính là “mở cửa” thị trường du lịch, thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác, hướng đến đa dạng hóa nguồn khách “chiến lược” ngay trong thời điểm du lịch phục hồi.

Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 1): Mở cửa bầu trờiNgay sau khi khai thác trở lại các chuyến bay nội địa, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã thu hút đông đảo khách đi - đến. Ảnh: Hoài Anh

Ngược dòng thời gian gần 10 năm trước, khi Cảng Hàng không (CHK) Thọ Xuân được đưa vào khai thác (năm 2013), ban đầu CHK khai thác bằng nhà ga cải tạo nhỏ cách xa sân đỗ tàu bay, với mật độ bay 3 chuyến/tuần và có duy nhất 1 đường bay Thanh Hóa đi TP Hồ Chí Minh.

Được sự đầu tư của Tổng Công ty CHK Việt Nam (ACV), hiện nay CHK Thọ Xuân đang khai thác khu hàng không dân dụng đồng bộ, cung cấp dịch vụ cho 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet, Bambo Airlines) và thời gian khai thác đến 23 giờ hàng ngày. Trung bình mỗi ngày phục vụ 13 đến 15 chuyến bay, cao điểm lên đến 24 chuyến. Với các đường bay khứ hồi kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Cần Thơ, Đà Nẵng...

Trong vài năm trở lại đây, ngành du lịch Thanh Hóa luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cả về lượt khách và tổng thu. Riêng giai đoạn 2016-2020 (không tính thời điểm tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19), tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách đạt 7,4%/năm, tổng thu du lịch tăng 18,1%/năm. Trong đó, thị trường khách kết nối qua đường hàng không có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là những căn cứ quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch đến các trọng điểm có kết nối đường bay. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch Thanh Hóa và tiềm năng phát triển của CHK Thọ Xuân, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không đã, đang tiến hành hoạt động khảo sát, kết nối Thanh Hóa với các điểm du lịch trong cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác 39 chuyến bay/tuần, kết nối Thanh Hóa với 4 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Ngay sau khi mở cửa đón khách trở lại (tháng 10-2021) đến nay, các chuyến bay của Vietnam Airlines kết nối Thanh Hóa với các điểm đến cơ bản đều có lượng khách ổn định, công suất ghế đạt từ 70 - 90%. Nắm bắt được nhu cầu của người dân và khách du lịch, từ tháng 6-2022, Vietnam Airlines sẽ tăng lên 45 chuyến bay/tuần. Trong đó, đường bay Thanh Hóa - Phú Quốc và Thanh Hóa - Đà Lạt sẽ bay 1 chuyến/ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, trong thời gian gần đây, cùng với các hoạt động phối hợp khảo sát, Vietnam Airlines cũng đã có những chính sách giá ưu đãi, các gói combo kích cầu du lịch dành cho các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh khi khai thác khách đoàn.

Du lịch và hàng không là hai ngành kinh tế luôn có mối liên quan trực tiếp, hỗ trợ cùng phát triển. Các hãng hàng không mở thêm chuyến bay không ngoài mục đích là tạo điều kiện cho du lịch phát triển qua việc mở thêm tour, tuyến, sản phẩm du lịch. Ngược lại, yếu tố tiên quyết khiến các hãng hàng không mở đường bay mới là nhằm kích cầu du lịch phát triển.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Chi nhánh Vietrantour tại Thanh Hóa cho biết: Việc khai thác trở lại các đường bay chính là tháo gỡ “nút thắt” quan trọng cho hoạt động du lịch. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng đã nhanh chóng “bắt tay” với các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mang đến mức giá ưu đãi cho khách hàng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận với các điểm du lịch trong nước, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác các tour du lịch đa dạng hơn, tăng thêm sự lựa chọn cho khách trong bối cảnh hiện nay.

Tháng 1-2022 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa và Vietnam Airlines đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2026. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2026, Vietnam Airlines và tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường các hoạt động hướng đến phục hồi và phát triển các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch và hàng không.

Tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã nhấn mạnh: Sự phối hợp giữa Vietnam Airlines và tỉnh Thanh Hóa không những đem đến cho khách hàng những sản phẩm du lịch hoàn thiện, chất lượng cao với mức thấp hơn về chi phí và tiết kiệm hơn về thời gian, mà còn tạo nên hiệu ứng kích cầu du lịch mạnh mẽ. Đây chính là kết quả đa chiều từ hợp tác song phương mà UBND tỉnh Thanh Hóa và Vietnam Airlines đang cùng nhau hướng đến.

Theo quy hoạch CHK quốc tế Thọ Xuân giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt ngày 12-6-2020), CHK Thọ Xuân sẽ có chức năng là CHK quốc tế, dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài. Đồng thời, cảng có thêm đường cất/hạ cánh số 2 và có thể khai thác các tàu bay thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A350-900 và tương đương trở xuống; với công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm; có năng lực đón được tàu bay code E hoặc tương đương như A350, B747-400, A330, B777. Bên cạnh đường cất/hạ cánh số 1 kích thước 3.200m x 50m hiện có; CHK quốc tế Thọ Xuân sẽ được đầu tư xây đường cất/hạ cánh số 2, có kích thước 3.800m x 45m (song song và cách đường cất/hạ cánh số 1 khoảng 360m). Ngoài ra, CHK quốc tế Thọ Xuân sẽ được cải tạo, mở rộng, xây mới thêm nhà ga hành khách T2 (2 cao trình) và nhà ga hàng hóa có khả năng đáp ứng công suất 27.000 tấn hàng...

Có thể nói rằng, mối quan hệ tương hỗ, “cộng sinh” không thể tách rời giữa hàng không và du lịch chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, “cái bắt tay” giữa tỉnh Thanh Hóa và các hãng hàng không trong việc xây dựng sản phẩm du lịch chung sẽ góp phần tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho du khách. Ngay trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Hy vọng, khi “cánh cửa bầu trời” mở ra trọn vẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc rút ngắn chặng đường đi đến mục tiêu của du lịch xứ Thanh.

Hoài Anh

Bài 2: Kết nối các “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]