(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối cùng của năm 2018, chúng tôi có dịp theo chân đoàn khách Thái Lan trong chuyến khảo sát đến các khu, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Vượt quãng đường gần 90 km, các vị khách nước ngoài đến Suối cá Cẩm Lương với tâm trạng vừa háo hức, vừa tò mò, đúng cảm giác “lần đầu được thấy”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Suối cá Cẩm Lương: Khu du lịch sinh thái - văn hóa đậm đà bản sắc

Những ngày cuối cùng của năm 2018, chúng tôi có dịp theo chân đoàn khách Thái Lan trong chuyến khảo sát đến các khu, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Vượt quãng đường gần 90 km, các vị khách nước ngoài đến Suối cá Cẩm Lương với tâm trạng vừa háo hức, vừa tò mò, đúng cảm giác “lần đầu được thấy”.

Suối cá Cẩm Lương: Khu du lịch sinh thái - văn hóa đậm đà bản sắc

Khách du lịch Thái Lan thăm Suối cá Cẩm Lương.

Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên tại điểm và “phiên dịch viên” là một vài người Thái gốc Việt đi cùng đoàn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về cách tiếp cận điểm đến của những vị khách ngoại quốc, đồng thời là đại diện của các doanh nghiệp lữ hành du lịch vùng Đông Bắc Thái Lan. Như chia sẻ của một vị khách là người Việt đã sinh sống lâu năm tại Thái Lan, thì Suối cá Cẩm Lương là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của họ trong chuyến khảo sát du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.

Vẻ đẹp của địa danh này phần vì cảnh sắc khá hoang sơ, sạch sẽ, không bị ô nhiễm bởi khói bụi hay tiếng ồn. Đồng thời, lịch sử hình thành, tồn tại của suối cá gắn với câu chuyện truyền thuyết đầy lạ lẫm về thần Rắn, cũng là điểm thú vị, tạo được sự cuốn hút đối với các vị khách ngoại quốc. Đặc biệt, họ càng tò mò vì sao một đoạn suối chỉ dài trên 150m, lại có thể tồn tại một đàn cá tự nhiên lên tới hàng ngàn con, quần tụ sinh sống từ nhiều đời nay. Ngoài ra, nếu lấy suối cá làm điểm trung tâm, thì quanh khu vực này còn nhiều địa danh thú vị có thể níu chân du khách. Trong chuyến đi này, các vị khách Thái Lan đã có một trải nghiệm ngắn trong động Cây Đăng. Động nằm cách chân núi Trường Sinh chừng 200m, cửa rộng thoáng và lòng động mở sâu vào lòng núi. Động rộng rãi, sạch sẽ, với nhiều khối thạch nhũ hình dáng kỳ lạ, rũ xuống từ vách và vòm động, được người dân trong vùng đặt cho nhiều cái tên hay như “Hạnh Phúc”, “Mẹ Con”, “Kho Lúa”, “Búa Trời”...

Với người dân Thanh Hóa và nhiều du khách, Suối cá Cẩm Lương hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là suối Cá Thần, có lẽ không còn xa lạ. Xuất phát từ mạch nước nằm sâu trong lòng ngọn núi đá vôi Bồ Um, một đoạn suối ngắn là nơi sinh sống của đàn cá đông đúc, mà cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu mang tính khoa học nào, lý giải chính xác nguồn gốc hình thành suối cá và đàn cá. Thế nhưng, sống cạnh dòng suối Ngọc suốt mấy trăm năm nay và chứng kiến sự tồn tại của đàn cá lạ, người Mường đã có cách lý giải của riêng họ - một kiểu lý giải đầy tính liêu trai, kỳ bí. Chuyện kể rằng, từ rất xưa rồi trong vùng có đôi vợ chồng sống với nhau đến bạc đầu vẫn chưa có một mụn con. Một ngày nọ, người vợ ra ruộng xúc cá thì xúc được một quả trứng lạ. Mang về cho gà ấp thử, trứng liền nở ra rắn, khiến người chồng phải thả rắn xuống suối Ngọc. Thế nhưng, cứ đến tối rắn lại tìm về nhà. Từ đó, rắn sống cùng vợ chồng ông lão và bản làng cũng từ đó mà ngày càng ấm no, bình yên.

Nhưng rồi một đêm trời mưa to gió cả, sấm chớp ầm ầm, sáng ra xác rắn đã dạt vào chân núi Trường Sinh. Dân làng được thần linh cho hay, chàng rắn vì đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng mà chết, nên được thượng đế phong Thần, hiệu là “Tứ Phủ Long Vương”. Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng (vị trí đền thờ hiện nay). Ngôi đền cổ có tên đền Ngọc được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc phong vào thời Lê và thời Nguyễn. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962 và sau nhiều lần được trùng tu, đền được khôi phục diện mạo như hiện nay.

Cũng từ khi nhân dân lập đền thờ thần Rắn, suối Ngọc bỗng xuất hiện một đàn cá lớn, ngày đêm bơi qua trước đền như về chầu. Theo những người dân sinh sống lâu năm trong vùng, thì trong đàn cá có những con nặng tới 30kg và chỉ những dịp hiếm hoi, như khi nước lớn, chúng mới chui khỏi hang. Mặc dù mực nước thấp nhưng suối Ngọc hầu như không bao giờ cạn. Đặc biệt hơn là nước suối vẫn sạch sẽ, dù là nơi sinh sống của hàng ngàn con cá lớn nhỏ. Người dân trong vùng không ai dám bắt cá về ăn vì sợ thần linh trách phạt và cái tên Cá Thần hay suối Cá Thần cũng bắt đầu từ đó. Chỉ đến ngày tế lễ “Tứ Phủ Long Vương”, dân làng mới xin thần được thả xúc. Nếu con nào tự chui vào xúc là tự dâng mình cho thần, thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần. Lệ này có từ xưa và vẫn được duy trì đến ngày nay.

Từ khi người dân trong vùng và khách thập phương truyền tai nhau vẻ đẹp kỳ lạ của địa danh này, du khách tìm về với suối Cá Thần ngày càng đông. Từ đó, du lịch trở thành một con đường, đưa vùng đất cách trở về “gần” trung tâm và cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Tính riêng 2 năm 2017 và 2018, lượng khách đến với suối cá Cẩm Lương dao động trong khoảng 300-350 nghìn lượt. Xác định nguồn tài nguyên du lịch sinh thái độc đáo không chỉ của Thanh Hóa, mà của cả Việt Nam này, ngày 9-7-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2160/QĐ-UBND, về việc phê duyệt “Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy”. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng khu vực suối cá thành khu du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với quy mô 300 ha, khu du lịch bao gồm nhiều khu chức năng như khu đón tiếp, khu khách sạn nghỉ dưỡng Thung Ong, khu cắm trại, khu suối cá, khu du lịch tâm linh chùa Rồng, khu tổ chức lễ hội và vui chơi giải trí, khu ẩm thực sinh thái hồ Kim Mẫm, khu leo núi Thung Man Nhỏ, Thung Mây, Thung Ngân. Đến nay, khu du lịch này đã được tỉnh đầu tư kinh phí khoảng 2 tỷ đồng (trong 2 năm 2017 và 2018), để thực hiện các hạng mục, gồm tôn tạo bờ kè suối, xây dựng nhà vệ sinh, đường điện, hệ thống biển báo chỉ dẫn từ đường Hồ Chí Minh và đường 217 vào... Tới đây, khi quy hoạch 1/500 hoàn thiện, một số hạng mục như nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe cũng sẽ được đầu tư. Ngoài ra, khu khách sạn nghỉ dưỡng Thung Ong cũng đang được nhà đầu tư tích cực triển khai xây dựng, để sớm đưa vào phục vụ du khách.

Với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa; có ranh giới xác định; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống của khách du lịch; có sự kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (theo Điều 26, Luật Du lịch 2017); mới đây, Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Điều này không chỉ một lần nữa khẳng định giá trị của điểm đến; mà còn “tạo ra căn cứ pháp lý cho việc quy hoạch, thu hút các nguồn vốn từ ngân sách và nguồn lực xã hội hóa, nhất là giúp các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào khu du lịch”, ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, cho biết.

Mặc dù nắm giữ lợi thế so sánh về tính đặc sắc và khác biệt của “suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị”; thế nhưng, so với tiềm năng thì việc khai thác nhằm biến địa danh này trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Thanh Hóa, là chưa tương xứng. Hy vọng rằng, trở thành khu du lịch cấp tỉnh sẽ là thời cơ cho Suối cá Cẩm Lương có được sự bứt phá nhanh chóng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]