(Baothanhhoa.vn) - Được ví như chiếc la bàn định hướng cho việc thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch; công tác xây dựng và quản lý tốt quy hoạch, sẽ tạo ra một “bệ đỡ” cho du lịch phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quy hoạch - “bệ đỡ” cho du lịch phát triển

Được ví như chiếc la bàn định hướng cho việc thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch; công tác xây dựng và quản lý tốt quy hoạch, sẽ tạo ra một “bệ đỡ” cho du lịch phát triển bền vững.

Quy hoạch - “bệ đỡ” cho du lịch phát triển

Đàn tế Nam Giao trong quần thể Di sản Thành Nhà Hồ.

Đa dạng và kịp thời

Nói đến quy hoạch du lịch đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại, không thể không nói đến “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”. Quy hoạch có tầm nhìn chiến lược lâu dài, liên quan đến bảo tồn và khai thác giá trị di sản thế giới này, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 12-8-2015 và đã được triển khai thực hiện được vài năm nay. Căn cứ theo quy hoạch, thì quy mô di sản cần được bảo vệ có tổng diện tích lên tới 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, vùng lõi rộng 155,5 ha, với 3 hợp phần của Khu Di sản là Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao; vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm hệ thống di tích quốc gia, cấp tỉnh, các công trình tôn giáo tín ngưỡng và khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản, khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, thị trấn Vĩnh Lộc, các làng xã và đồng ruộng. Quy hoạch này đã tạo cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng, nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ. Đặc biệt, nó quy định rõ chức năng và diện tích đất sử dụng cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Ngoài ra, quy hoạch còn tạo cơ sở cho việc xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp khuyến khích bảo vệ di tích, kiểm soát sự thay đổi dân số...

“Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” được đánh giá là quy hoạch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế di sản. Đặc biệt, quy hoạch này có độ tin cậy khoa học và tính khả thi cao, do có sự tham gia tham vấn, góp ý của nhiều chuyên gia hàng đầu. Vấn đề là kinh phí để triển khai quy hoạch phải đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, đây cũng là “nút thắt” khiến cho việc triển khai quy hoạch chưa được như mong đợi. Đơn cử như dự án khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ, có tổng diện tích 56.000m2 và tổng mức đầu tư 87,486 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2013-2020. Đến nay, mới hoàn thành việc khai quật khu vực Hào thành, với tổng kinh phí đã cấp là hơn 6,9 tỷ đồng. Trong khi, việc hoàn thành dự án này sẽ là tiền đề để triển khai các nhóm dự án tiếp theo trong “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”.

“Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”, hiện là một trong gần 50 quy hoạch đã được xây dựng (bao gồm cả quy hoạch đang chờ phê duyệt và quy hoạch đã được phê duyệt, đang triển khai thực hiện). Với số lượng kể trên, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có hệ thống quy hoạch du lịch tương đối đa dạng và hoàn chỉnh (gồm cả quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể các điểm đến). Đồng thời, các quy hoạch được xây dựng và triển khai khá kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Điển hình trong đó phải kể đến các quy hoạch khu, điểm du lịch trọng điểm như Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Quảng Cư và Trường Lệ (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)... Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, TP Sầm Sơn đã triển khai xây dựng và điều chỉnh nhiều quy hoạch quan trọng, gồm quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thương mại và đô thị mới (khu số 7); quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hành chính - chính trị và đô thị mới (khu số 8); quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư đô thị hóa và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị (khu số 10); điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu số 3), phường Trường Sơn... Đây là căn cứ để Sầm Sơn đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, xứng tầm đô thị du lịch hàng đầu.

Chú trọng chất lượng

Có thể nói, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch bảo đảm kịp thời, chất lượng, sát đúng thực tiễn và hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân..., sẽ góp phần khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tạo cơ sở để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh những năm qua. Theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thì trình tự, thủ tục lập quy hoạch tuân thủ theo quy định của pháp luật; chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch được nâng cao. Công tác quản lý quy hoạch được tăng cường, các dự án quy hoạch sau khi phê duyệt được tổ chức công bố và công khai trên Cổng thông tin quy hoạch của tỉnh. Từ đó, giúp cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến nhà đầu tư, du khách và nhân dân. Đồng thời, công tác kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án chậm tiến độ và tổng hợp ý kiến của các chủ đầu tư để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cũng được triển khai kịp thời.

Đặc biệt, căn cứ theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư cũng được triển khai thường xuyên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút được 28 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 77.614 tỷ đồng và diện tích sử dụng đất khoảng 2.962 ha. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, với hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình như Khách sạn FLC Grand Condotel của Tập đoàn FLC; Khu Du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến; Khu dịch vụ công cộng Bắc Núi Xước của Tổng Công ty Đầu tư và Xây dựng Anh Phát... Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư cơ sở lưu trú cũng đạt kết quả khả quan, với khoảng 200 cơ sở đã được đầu tư mới, nâng tổng cơ sở lưu trú toàn tỉnh lên 925 cơ sở/41.300 phòng. Ngoài ra, căn cứ theo quy hoạch, các dự án đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu du lịch trọng điểm cũng được quan tâm ưu tiên triển khai. Điển hình như tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam Sông Mã...

Bên cạnh những mặt tích cực và hiệu quả trông thấy từ công tác xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch; cũng cần khách quan nhìn nhận những mặt còn bất cập, hạn chế trong công tác này. Đó là những quy hoạch có tiến độ “rùa bò”, như Quy hoạch phân khu Khu Du lịch Thác Voi (huyện Thạch Thành); Quy hoạch các khu đô thị du lịch hai bên tuyến đường ven biển tại huyện Quảng Xương; Quy hoạch Khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí Bến En... Trong khi tính dự báo của một số quy hoạch chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch còn bất cập như tại Khu Du lịch Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)... Ngoài ra, việc huy động các nguồn lực triển khai các quy hoạch còn hạn chế. Điển hình như “Quy hoạch phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Hiện mới có một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu, được triển khai đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phát triển du lịch; còn vốn đối ứng của các địa phương và thu hút xã hội hóa vẫn chưa có...

Quy hoạch phát triển du lịch là quy hoạch có tính chất tổng hợp cao, bao gồm định hướng về hạ tầng, không gian phát triển và các sản phẩm dịch vụ. Do đó, Điều 21, Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ: Các quy hoạch phải phân tích, đánh giá được khả năng thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển du lịch; dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch; định hướng đầu tư phát triển du lịch; đề xuất chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch... Như vậy, vai trò của công tác lập quy hoạch nói chung và chất lượng các quy hoạch nói riêng, đối với sự phát triển du lịch là không thể phủ nhận. Vấn đề là bên cạnh số lượng, thì chất lượng và hiệu quả triển khai thực hiện các quy hoạch, càng cần được đặt lên hàng đầu.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]