(Baothanhhoa.vn) - Tuy chỉ có 10 ngày có mặt trên đất Mỹ, nhưng may mắn của tôi là đã được đi cùng đoàn với một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu về lịch sử, cũng như phong tục tập quán của người Mỹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nước Mỹ - Những góc nhìn: Kỳ 2 - Những góc nhìn về nước Mỹ

Tuy chỉ có 10 ngày có mặt trên đất Mỹ, nhưng may mắn của tôi là đã được đi cùng đoàn với một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu về lịch sử, cũng như phong tục tập quán của người Mỹ.

Nước Mỹ - Những góc nhìn: Kỳ 2 - Những góc nhìn về nước Mỹ

Quảng trường Thời Đại - New York.

Sự đa dạng làm nên Giá trị Mỹ

Đến Mỹ, tôi phát hiện, người Mỹ bình dân không quan tâm bạn đến từ nước nào tới. Sự vô tâm của người Mỹ về nguồn gốc của một ai đó là hết sức bình thường. Bởi có thể, bản thân hay dòng tộc cũng là người nhập cư. Kể từ năm 1492, việc Christopher Columbus (1451-1506) phát hiện ra châu Mỹ là một sự kiện lớn trong lịch sử phát triển nhân loại. Những cuộc di dân đến Mỹ bắt đầu diễn ra một cách ồ ạt. Người Tây Ban Nha là những người đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ, tiếp đến là người Pháp, người Hà Lan, người Thuỵ Điển, người Anh… Vì thế, trong hành trang của mỗi người di cư đến đây đều ít nhiều mang trong đó bản sắc văn hoá riêng của dân tộc họ. Đây là những cái riêng phong phú, đa dạng góp nhập vào kho tàng Mỹ để làm nên bản sắc Mỹ. Thế hệ đầu tiên của nước Mỹ là những con người can đảm phi thường từ khắp các châu lục, để bước chân đến một vùng đất hoàn toàn mới lạ. Họ giống nhau ở một điểm là: có tinh thần tiên phong, dám mạo hiểm, dám hy sinh, có niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Đến nay, sau gần 400 năm đã làm nên Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ với hơn 305 triệu dân, sinh sống ở 50 bang.

Ở Mỹ, yếu tố cá nhân luôn được đề cao hơn cả trong văn hoá, chính điều này đã làm nổi bật “cá tính Mỹ”. Một phương châm sống đã thành truyền thống của người Mỹ là "Hãy là chính mình". Đây chính là cơ sở tạo nên tính tự chủ về hành vi trong mỗi hành động của người Mỹ, họ quyết đoán trong hành động và có bản lĩnh chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình. Tiêu chí sinh tồn của một nước Mỹ đa sắc tộc, đó là có lợi ích cá nhân thì mới có tiến bộ. Chủ nghĩa tự do là cơ sở cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, vì trong dòng chảy cuộc sống mỗi cá nhân tự khẳng định mình trong sự sáng tạo. Sự sáng tạo đó được xã hội công nhận trong chừng mực cá nhân đó thành đạt và có ích cho xã hội. Điều này tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những người dân Mỹ trong quá trình tham quan hay gặp gỡ trong quán ăn. Ở mỗi cá nhân đều có nét riêng mà tôi thấy đó là tính cách người Mỹ. Chính người Mỹ và tính cách của họ đã làm nên sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước họ. Bằng nội lực con người, nước Mỹ đã trở thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực chỉ sau 4 thế kỷ. Cá tính Mỹ là sự hoà quyện lẫn nhau bởi các giá trị văn hoá, văn minh của nhiều dân tộc trên thế giới. Nó là một cá tính tồn tại trong đa dạng nhưng lại hết sức độc đáo. Sự độc đáo này đã làm nên một phong cách riêng biệt – phong cách Mỹ.

Nước Mỹ có phải là thiên đường?

Trước đây tôi hay số đông các bạn trẻ đều nghĩ nước Mỹ là thiên đường bởi đất nước rộng lớn, phong cảnh đẹp, hùng vĩ, nếp sống văn minh công nghiệp với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Người Mỹ giàu có, thu nhập cao, chế độ bảo hiểm tốt, hưu trí đảm bảo, giáo dục miễn phí cho học sinh phổ thông, và cả vấn đề tự do, dân chủ, quyền con người. Thế nhưng, khi sang đến đây thì không hẳn là như vậy. Qua cuộc trò chuyện với nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ thì họ đang phải lao động cật lực hơn hồi ở Việt Nam, bởi phải nai lưng ra làm việc mong có tiền để trụ lại. Anh Hùng- chủ một quán cơm chia sẻ: Anh sang Mỹ từ năm 1993. Anh mở nhà hàng, đi làm từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về đến nhà. Có vài người giúp việc theo giờ nhưng hai vợ chồng vẫn lo từ mua hàng, nấu nướng đến rửa bát. Cuối tuần gần như thức trắng đêm vì khách đông. Bởi áp lực phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống và lo tiền nộp thuế.Nhà cửa xe hơi anh vay ngân hàng mua trả góp. Sau vài chục năm lao động lương thiện, anh mua một căn nhà với giá 600.000 USD, nhưng mỗi năm phải nộp thuế lên đến 7.200 USD. Ngoài ra, nộp thuế thu nhập, thuế kinh doanh, mua bảo hiểm y tế , an sinh xã hội… Vì vậy, anh phải chăm chỉ làm việc mới có thể đủ trang trải cuộc sống. Anh bảo rằng: ai đó mong đến Mỹ để hưởng thụ mà không phải làm gì, nên chuẩn bị túi ngủ để tham gia cộng đồng vô gia cư. Định hối lộ hay phong bì cho nhanh việc sẽ kết thúc trong trại giam. Đất nước này khắc nghiệt nhưng cơ hội cũng rất công bằng cho tất cả mọi người. Nếu không có tài có thể thành người sống chui lủi, làm những công việc rẻ mạt để một ngày kia bị trục xuất. Người chủ thuê trả công thấp vì dân nhập cư thân phận, ngôn ngữ yếu, lại không nắm được luật pháp, dễ bị tư bản cá mập nuốt chửng. Và điều khác với Việt Nam là không phải là cứ có tiền là muốn mua gì thì mua mà phải chứng minh được nguồn tiền đó ở đâu ra. Ví dụ như anh mua căn nhà 600.000 USD thì phải chứng minh bằng thu nhập hàng tháng, bằng số tiền đã đóng thuế cho chính phủ. Tự nhiên, có số tiền đó là cảnh sát theo dõi và điều tra ngay.

Nước Mỹ - Những góc nhìn: Kỳ 2 - Những góc nhìn về nước Mỹ

1 người vô gia cư trên phố ở Wasington DC.

Câu chuyện của anh Sơn – chủ một quán ăn mà tôi đã có dịp trò chuyện ở Los Angeles cũng là câu chuyện của nhiều người Việt Nam đang sống ở Mỹ. Rất nhiều người sau khi đã có việc làm và thu nhập ổn định, bắt đầu quen với cách sống của người bản xứ. Họ mua nhà, sắm xe rồi các tiện nghi, kéo theo trả lãi ngân hàng trong thời gian 20-30 năm, cuối cùng chính họ không thể ra khỏi vòng quay cuồng đó. Sợ mất số tiền đã đầu tư nên họ phải cố giữ lấy việc làm, kiếm thêm và cuối cùng kết thúc trong cái “bẫy bằng vàng” của đồng đô la. Hàng năm, bốn năm triệu người Việt tha hương gửi hàng chục tỷ đô la giúp thân nhân trong nước. Nếu biết rằng, kiếm được đồng tiền ở nước ngoài, tiết kiệm gửi về, tốn không ít mồ hôi và nước mắt. Và cũng nên hiểu thêm nỗi giằng xé trong tâm can mỗi người nơi viễn xứ.

Mỗi ngày ở Mỹ, công nhân bình quân làm việc mười tiếng; mỗi tuần không quá 40 giờ. Do quy định chung trên toàn nước Mỹ, khu nhà ở phải tách biệt và xa khu kinh doanh, sản xuất… nên thường ai đến sở làm cũng đều mất từ 1 giờ đến 3 giờ đồng hồ trên đường cao tốc. Chưa kể thời gian đưa đón con cái, thì thời gian để sống cho mình mỗi ngày không nhiều, đặc biệt với những người làm dịch vụ thì thời giờ càng hiếm hoi. Vì vậy, hầu như các quán bán hàng ăn, uống đều đặt một trạm đăng ký, trả tiền mua vật phẩm từ ngoài cổng. Người mua lái phương tiện ngang qua ô cửa nhỏ, nhận thức ăn, nước uống rồi đi thẳng luôn, không mất thời gian dừng xe. Làm việc cật lực, được đãi ngộ xứng đáng- điều nước Mỹ đang thực hiện. Nhưng nước Mỹ không phải là thiên đường và không có chỗ cho sự lười biếng – Đó là điều dễ nhận thấy khi tôi được đến nước Mỹ.

Mỹ được xem là thiên đường, là giấc mơ của biết bao người mong muốn đến sinh sống ở đất nước tự do với biểu tượng “Nữ Thần tự do”. Thế nhưng mặt trái của đất nước được ví như thiên đường này cũng thật là ác mộng với biết bao người dân Mỹ mà chính những điều đó khiến họ cũng phải sợ hãi, tố cáo và thừa nhận. Đó là các vụ khủng bố, các vụ thảm sát đẫm máu khiến cho ai ai cũng đều nơm nớp lo sợ mỗi khi ra đường. Nhất là những năm qua khi mà chủ nghĩa khủng bố đang trực tiếp đe dọa đến nước Mỹ và công dân của họ. Thế nhưng, có lẽ ít ai biết rằng, nỗi sợ hãi của người dân Mỹ không chỉ là khủng bố mà chính là những người bảo vệ pháp luật khi mà tính đến nay số lượng người Mỹ chết do cảnh sát bắn được thống kê gần 1.000 người/1 năm. Điều này tôi được nghe chính từ các anh chị đang du học ở Mỹ kể lại. Ngoài ra, do qui định người dân Mỹ có quyền mua vũ khí để sử dụng, tự vệ hay phòng vệ cho bản thân nên khi xảy ra mâu thuẫn thì việc bắn nhau là điều xảy ra như cơm bữa. Điều này đã cho thấy một sự thật phũ phàng rằng: ranh giới giữa sự sống và cái chết có thể xảy ra trong tích tắc khi sống tại đất nước Mỹ.

Mỗi ngày có hàng triệu người muốn đến nước Mỹ . Ít ai tới “thiên đường” lại bỏ đi. Tuy thế, với một số người, giấc mơ sang Mỹ tìm vàng đôi khi thành ác mộng. Trên những con đường tôi qua, tôi nhìn thấy không ít người vô gia cư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cũng ăn xin trên phố, ngủ vạ vật trong các túi ngủ ven đường… Những hình ảnh này không phải là hiếm mà rất phổ biến trên đất Mỹ, khi hàng ngày dòng người nhập cư vẫn đang đổ dồn về nước Mỹ.

Nỗi đau chiến tranh hiện hữu trên đất Mỹ

Mỹ được cả thế giới biết đến là kẻ mạnh chuyên đi gây hấn chiến tranh và gây ra bao nỗi đau thương cho các dân tộc khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng trong các cuộc chiến tranh đó, cũng có nhiều bà mẹ Mỹ mất con, nhiều người vợ mất chồng, nhiều đứa con mất cha. Đối với các cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam thì hai tiếng Việt Nam lại luôn ở trong trái tim của họ. Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tại Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ. Điều này thể hiện rõ khi tôi đến thăm vườn tưởng niệm chiến sĩ tử trận của Hoa Kỳ trong 2 cuộc chiến tại Việt Nam và Nam Bắc Triều Tiên tại Wasington DC. Một chữ V cắm sâu xuống lòng đất chất chứa nỗi đau chôn chặt khi Mỹ thua trận tại Việt Nam. Bên cạnh đó, là Đài tưởng niệm những người lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Nước Mỹ - Những góc nhìn: Kỳ 2 - Những góc nhìn về nước Mỹ

Vườn tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ trong 2 cuộc chiến tại Việt Nam và Triều Tiên tại Wasington DC.

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Mỹ. Vì sao một cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới lại không thể khuất phục một nước Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn và vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp? Nhiều lý do được đưa ra nhưng một yếu tố mà người Mỹ không thể không nhắc đến là ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Người Mỹ đã nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam như một dấu mốc lớn trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng chiến tranh không chỉ là mất mát đối với kẻ đi gây chiến tranh cho nước khác mà chiến tranh cũng đã xảy ra ngay tại nước Mỹ. Tôi và rất nhiều người đã lặng đi khi đứng trước khu tưởng niệm vụ khủng bố 11-9-2001, cảm giác nặng trĩu và đau đớn cho những người dân vô tội của nước Mỹ. Những dòng tên được khắc ghi ở trên bờ đá của hố nước sâu thăm thẳm- tàn tích của vụ khủng bố là nỗi đau hiện hữu trong lòng người dân nước Mỹ, là nỗi ám ảnh trong ký ức người dân Mỹ và thế giới. Đây là vụ tấn công tấn công đẫm máu nhất do một thế lực bên ngoài thực hiện trên đất Mỹ. Vụ tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương. Đó là những mất mát quá lớn cho một nước Mỹ giàu có và phát triển. Điều đó nói lên một chân lý “Chiến tranh thực sự là phi nghĩa và vô nghĩa”.

Chuyến đi Mỹ đã cho tôi góc nhìn của một người trẻ tuổi về một nước Mỹ bằng một cảm nhận của riêng tôi.

Phạm Thảo Phương Chi


Phạm Thảo Phương Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]