(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa xác định, du lịch là 1 trong 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần được tập trung chỉ đạo, điều hành và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển. Song, từ định hướng đến triển khai trong thực tế vẫn còn không ít rào cản, thách thức...

Du lịch Thanh Hóa trên “đường băng” phát triển:

Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch: “Cung” chưa đáp ứng “cầu”

Tỉnh Thanh Hóa xác định, du lịch là 1 trong 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần được tập trung chỉ đạo, điều hành và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển. Song, từ định hướng đến triển khai trong thực tế vẫn còn không ít rào cản, thách thức...

Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch: “Cung” chưa đáp ứng “cầu”Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa). Ảnh: Lê Dung

“Trông người lại ngẫm đến ta”

Có một sự thật đã được thừa nhận, rằng không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng lại trở thành “thiên đường du lịch” nghỉ dưỡng biển và khám phá văn hóa của Việt Nam. Trải nghiệm du lịch Đà Nẵng quả thực là một hành trình rất đáng “đồng tiền bát gạo”, không chỉ dịch vụ chất lượng, đẳng cấp mang đến sự thoải mái; mà văn hóa và môi trường du lịch cũng khiến nhiều người phải trầm trồ “quả là thành phố đáng sống”. Song, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ, bởi nói về Đà Nẵng với tư cách một đô thị du lịch năng động, hiện đại là phải nói về hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, viễn thông, điện nước, Internet...) kết nối các điểm đến được đầu tư đồng bộ và chất lượng. Nhờ đó, việc xây dựng các tour, tuyến du lịch và hoạt động lữ hành, vận tải được hỗ trợ vô cùng đắc lực, hiệu quả. Đồng thời, mang đến cho du khách một hành trình khỏe mạnh để thỏa sức tham quan, khám phá các điểm đến của thành phố.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Thanh Hóa có rất nhiều điểm đến, nhưng đa phần các điểm cách xa nhau hàng chục km. Trong khi, hạ tầng kết nối đến tường rào các khu, điểm du lịch còn rất khiêm tốn, vừa thiếu lại vừa yếu. Mặc dù vài năm trở lại đây, tỉnh cũng đã quan tâm, dành nguồn ngân sách Nhà nước để ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm, kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng. Chẳng hạn, tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân; tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; dự án Quốc lộ 1A nối với các khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh...; đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); đường kết nối các điểm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa, Bá Thước); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

Song khách quan nhìn nhận, việc đầu tư kể trên vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Thậm chí, ngay cả với các khu du lịch được xem là trọng điểm như Hải Tiến, Hải Hòa, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá Cẩm Lương... thì hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường, Internet... hiện cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Còn nhớ, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức đoàn famtrip đến khảo sát các điểm du lịch sinh thái, nhiều du khách đã được một phen trải nghiệm “nhớ đời” khi di chuyển trên cung đường hẹp, ngoằn ngoèo, lắm khúc cua trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Song, ngay cả tuyến đường nối từ TP Thanh Hóa lên khu bảo tồn cũng không quá thuận lợi, chưa kể là khoảng cách quá dài cũng khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và không còn nhiều hứng thú khi tham quan các điểm đến.

Cần tháo “điểm nghẽn”

Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch (thuộc Chương trình Phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020) bao gồm 12 nhiệm vụ; trong đó, 10/12 nhiệm vụ (30 dự án thành phần) đã và đang triển khai, với tổng kinh phí được giao là 1.238,676 tỷ đồng. Song, nguồn vốn này cũng mới chỉ đạt 19,19% kế hoạch đề ra. Một con số có lẽ không thể khiêm tốn hơn! Cũng chính vì “điểm nghẽn” vốn mà nhiều chương trình, đề án quan trọng có liên quan đến hạ tầng du lịch cũng bị “ách tắc” theo. Trong đó, công tác quy hoạch triển khai chậm, mà khâu khiến quy trình này không theo đúng tiến độ thẩm định và phê duyệt, đa phần nằm ở năng lực của cấp huyện/thị. Điển hình là Quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí Bến En; Quy hoạch phân khu du lịch sinh thái Thác Voi, huyện Thạch Thành...

Trong khi, việc huy động các nguồn lực triển khai các dự án quy hoạch còn hạn chế. Ví như Quy hoạch phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Được biết, hiện quy hoạch này mới chỉ triển khai đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu từ nguồn vốn chương trình phát triển du lịch; chưa có vốn đối ứng của các địa phương và chưa thu hút được nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho công tác này... Cũng bởi công tác xây dựng, triển khai và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, đã dẫn đến việc đầu tư hạ tầng kết nối các điểm đến cũng chịu ảnh hưởng cả về thời gian, tiến độ, nguồn vốn và chất lượng công trình.

Đơn cử như dự án hạ tầng cho Khu du lịch sinh thái Bến En. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2016 và 2017, Bến En sẽ được đầu tư 1.670 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Thế nhưng, từ năm 2016 đến 2020, dự án chỉ được giao 49,091 tỷ đồng (đạt 2,94% kế hoạch đề ra). Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường 520 đến Quốc lộ 45 vào Khu du lịch sinh thái Bến En, tính đến năm 2020, mới thi công được 3,1/5,4 km nền đường, 1,5/5,4 km móng đường và đang thi công nền đường đoạn còn lại. Thêm một ví dụ nữa là việc đầu tư đường từ Quốc lộ 1A đến Khu du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Dự án có tổng kinh phí 80 tỷ đồng và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong 2 năm 2016-2017. Thế nhưng, đến năm 2020, dự án mới cơ bản thi công xong. Còn hệ thống an toàn giao thông trên tuyến thì vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Sự chậm trễ này xuất phát từ việc thiếu vốn; song đáng nói là sự ì ạch của dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của khu du lịch vốn được đánh giá là rất giàu tiềm năng này.

Bảo tồn, tôn tạo di tích phục vụ du lịch cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình Phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Hiện 7/12 nhiệm vụ (9 dự án thành phần) đã và đang được triển khai, với tổng kinh phí được giao thực hiện là 419,957 tỷ đồng, đạt 20,26% kế hoạch đề ra. Với hệ thống di tích dày đặc và giàu giá trị, Thanh Hóa có rất nhiều sự lựa chọn để tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và xây dựng các tour tham quan, nghiên cứu di sản hoàn chỉnh. Điển hình như Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn hay quần thể danh thắng Hàm Rồng (làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng...). Đặc biệt, Thành Nhà Hồ - với các giá trị mang tính toàn cầu – hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch khảo cổ và nghiên cứu văn hóa có chất lượng. Đồng thời, tạo cơ sở thúc đẩy việc hợp tác với các tỉnh/thành như Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh để xây dựng tour du lịch “Qua các miền di sản thế giới” ở phía Bắc, gồm Thành Nhà Hồ - Tràng An – Hoàng thành Thăng Long – Vịnh Hạ Long... Thế nhưng thực tế, kho tàng di sản văn hóa vẫn đang nằm ở dạng tài nguyên.

Điểm đáng nói hơn là hiệu quả đầu tư, khi kinh phí bị xé lẻ, dàn trải theo kiểu nơi nào cũng có thành thử không nơi nào hoàn chỉnh. Trong khi đó, việc dành nguồn lực ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đầu tàu mạnh mẽ có khả năng kéo cả đoàn tàu du lịch - như cách mà Đà Nẵng đã làm và rất thành công - thì Thanh Hóa lại chưa có nhiều. Bàn về vấn đề này, TS. Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để tạo ra mũi nhọn phát triển du lịch, trước mắt tỉnh Thanh Hóa nên tập trung nguồn lực và nhất là kêu gọi các nguồn lực xã hội, để đầu tư tổng thể, đồng bộ cho 2 trọng điểm là Sầm Sơn và Bến En. Trong đó, chú trọng đến khu vực Nam Sầm Sơn để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Từ đó, góp phần xây dựng Sầm Sơn trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm nhấn, tạo sức hút đặc biệt cho du lịch biển Thanh Hóa.

Cũng theo chuyên gia du lịch này, thì khu vực ven sông Mã cũng rất cần được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư nhiều hơn. Bởi nơi đây có trữ lượng tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa rất dồi dào và lý tưởng. Đặc biệt, hạ tầng và sản phẩm du lịch đường sông cần được đầu tư và “làm mới”, nhằm mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm mới hơn, thật hơn, sinh động hơn về cuộc sống sinh hoạt của cư dân, cảnh quan tự nhiên và văn hóa đôi bờ sông Mã. Ngoài ra, để tăng thêm tính hấp dẫn cho các sản phẩm độc lập, phải xâu chuỗi chúng lại với nhau thành các tour, tuyến phù hợp. Qua đó, giữ chân du khách và tăng khả năng chi tiêu cho các khu du lịch nghỉ dưỡng biển; cũng như góp phần khắc phục điểm yếu chí mạng của du lịch biển là tính mùa vụ. Trong khi đó, các khu du lịch văn hóa như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu... cũng khai thác được nguồn khách dồi dào từ du lịch biển, nhằm hạn chế tình trạng vắng vẻ khách tham quan như hiện nay.

Tháo “điểm nghẽn” về vốn là câu chuyện rất dài không chỉ của riêng ngành du lịch. Song, như phân tích của các chuyên gia, thì việc tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, nhằm làm bật dậy một số điểm sáng có khả năng thúc đẩy du lịch phát triển và làm cơ sở để thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Thiết nghĩ, cũng là một gợi ý đáng để tham khảo.

Lê Dung

Bài 4: Hiệu quả đầu tư các dự án kinh doanh du lịch – vẫn là “hoa trong gương”...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]