(Baothanhhoa.vn) - Với vị trí địa lý và vị thế kinh tế đối ngoại, quốc phòng - an ninh quan trọng, huyện Quan Sơn ví như một phần “mái nhà” phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Ở đó, từ nhiều đời nay, cộng đồng người Thái, Mường, Mông, Kinh... đã quần cư sinh sống, chinh phục tự nhiên, để khai phá và vun đắp nên vùng sơn thủy hữu tình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một miền sơn thủy hữu tình

Với vị trí địa lý và vị thế kinh tế đối ngoại, quốc phòng - an ninh quan trọng, huyện Quan Sơn ví như một phần “mái nhà” phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Ở đó, từ nhiều đời nay, cộng đồng người Thái, Mường, Mông, Kinh... đã quần cư sinh sống, chinh phục tự nhiên, để khai phá và vun đắp nên vùng sơn thủy hữu tình.

Một miền sơn thủy hữu tình

Trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Ngàm.

Các nghiên cứu địa chất đã chỉ ra, Quan Sơn nằm trên khối địa hình núi cao và sâu, với nhiều lòng máng chạy dọc theo các khe suối và các thung lũng hai bên bờ sông Lò và sông Luồng. Đồi núi chiếm trên 90% diện tích, cho nên Quan Sơn ví như một phần “nóc nhà” phía Tây của Thanh Hóa cũng không quá. Ở đây có những dãy núi cao trên 1.000m, trong đó có đỉnh Pha Phanh (nằm giữa 2 xã Sơn Điện và Sơn Lư) cao 1.100m - 1.300m và đỉnh Pù Mằn (xã Sơn Hà) cao 1.247m. Song, nơi tập trung độ cao tuyệt đối của Quan Sơn là các đỉnh núi sát biên giới Việt – Lào, thuộc phía Tây xã Sơn Thủy và phía Nam xã Mường Mìn. Các dãy núi ở đây có độ cao từ 1.300m - 1.400m. Với dạng địa hình này, rừng Quan Sơn cũng thuộc vùng đa dạng thực vật Bắc miền Trung. Rừng cận nhiệt đới trên núi phân bố ở độ cao từ 500m tới 1.600m, thuộc phía Nam, phía Tây và Tây Bắc huyện.

Vắt mình trên địa hình hiểm trở ấy, hai con sông Lò và sông Luồng đã “gánh” theo hàng trăm con suối tự nhiên cùng nhiều ao, hồ, hón, để tưới tắm cho nương rẫy, núi đồi. Đồng thời, mang lại nguồn nước sinh hoạt phong phú và tương đối sạch sẽ cho người dân địa phương. Sông Lò gắn với nhiều dấu ấn lịch sử, danh thắng và những câu chuyện dân gian ly kỳ. Đó là cầu Pha Lò tại Km 33 (từ Đồng Tâm, huyện Bá Thước lên), nơi dân quân xã Trung Thượng đã bắn cháy máy bay F105 vào năm 1966; là động Nang Non ở Km 39, nơi núi đá giao với sông Lò tạo thành cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; là Noong Dạ một ao nước tự nhiên trên đỉnh Pù Dạ (xã Trung Tiến) quanh năm nước trong veo... Cũng như sông Lò, trước thập niên 70 của thế kỷ trước, sông Luồng là tuyến giao thông đường thủy quan trọng, giúp đồng bào xuôi bè đưa lâm sản và hàng hóa về Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) để trao đổi, mua bán. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản lớn và nguồn nước phong phú, sông Luồng cũng tạo ra hai bên bờ nó nhiều cảnh, thác nước đẹp, gắn với những câu chuyện dân gian ly kỳ như vằng Chạng Nặm, vằng Xuốm, cánh Mé Nài, cánh Luông, cánh Tạng...

Núi cao sông dài, thiên nhiên hùng vĩ, trùng điệp và ẩn sâu bên trong bức tranh tự nhiên khổng lồ ấy là vô số những truyền thuyết, huyền thoại về quá trình hình thành và tồn tại của vùng đất này. Đó là dấu ấn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn còn ít nhiều in trên mảnh đất này. Chuyện kể rằng, trước sự bao vây và tấn công ác liệt của quân Minh, Lê Lợi lui quân dọc theo sông Luồng về vùng Sơn Điện, Sơn Thủy. Tại đây, Lê Lợi đã cho xây dựng thành khu vực phòng thủ vững chắc, lấy núi Pha Hén và núi Pha Dùa làm cổng chính. Để Lê Lợi rút quân an toàn, các tướng quân Lê Sát, Lê Hào và Chu Kha Lài đã tổ chức mai phục địch và nhiều trận đánh đã diễn ra, mà tiêu biểu hơn cả những trận đánh tại hang Phi. Cuộc đối đầu ác liệt đã giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh lui dần quân Minh. Nhưng sau khi nghĩa quân rút về vùng Sơn Thủy thì quân Minh đã kéo đến tàn sát nhân dân.

Ẩn sau lớp màn lịch sử hình thành vùng đất, còn không ít những huyền thoại về tên đất, tên mường. Tương truyền, Quan Sơn xưa có nhiều mường lớn, gồm mường Xia, mường Mìn, mường Sại, mường Mò, mường Hạ, mường Chự. Trong đó, mường Xia là mường lớn nhất, cũng là thủ phủ của mường Chu Sàn. Mường Chu Sàn bao gồm các mường thuộc phía Nam sông Mã kể từ mường Chanh (huyện Mường Lát) xuống đến mường Chự. Mường này có nhiều cảnh đẹp và kỳ vĩ như núi Pha Dùa, động Bo Cúng, thác 20 sải ở suối Sàng (Na Mèo)... Mường Mìn trước thế kỷ XV gọi là mường Mì (nghĩa là mường có), vì vùng đất này có nhiều cây lắm thú, sông suối nhiều cá tôm, đất tốt đồng ruộng nhiều. Tương truyền, thời ông Lò Khằm Yên (Tạo Lá Dốn) làm tạo mường, mường Mì có hai chiềng là chiềng Nưa và chiềng Cang. Đến thời con ông Lò Khằm Yên làm tạo mường, thì chiềng Nưa, chiềng Cang được nhập làm một và lấy tên là mường Mìn, trung tâm mường ở bản Ngước Làu (Luốc Làu).

Dưới chân cũng những dãy núi quanh năm không thấy đỉnh và cạnh dòng nước sông Lò, sông Luồng không mấy khi yên ả, những tộc người Thái, Mường, Mông, Kinh đã quần cư sinh sống và hằn dấu ấn văn hóa tộc người lên tên núi, tên sông. Ở đó, văn hóa người Thái có lẽ là đậm đà hơn cả. Lễ hội Mường Xia là một trong những lễ hội lớn nhất của người Thái huyện Quan Sơn. Diễn ra vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội Mường Xia là hoạt động tín ngưỡng tri ân công lao của tướng quân Tư Mã Hai Đào, người có công dẹp giặc, gìn giữ biên cương và mang lại cuộc sống ấm no cho bản mường, cùng sự trù phú cho một vùng đất này. Sau khi ông mất, bà con đã lập đền thờ để hương khói thờ phụng và coi ông như người giữ vía cho cả mường. Theo tục lệ truyền thống, tất cả người dân mường Xia gửi vía vào một hòn đá gọi là hòn Đá Vía (tiếng Thái gọi là Lặc Mắn), để cầu tướng quân Tư Mã Hai Đào giữ vía. Từ đó, mỗi khi diễn ra lễ hội, hòn Đá Vía sẽ được đào lên, tắm rửa sạch sẽ, bọc vải đỏ và rước trang trọng về đền thờ làm lễ. Lễ hội kết thúc, người ta lại rước Đá Vía về chôn. Đến nay, hòn Đá Vía ở mường Xia vẫn được chôn ở giữa bản Chung Sơn, gần sát với nền móng nhà ở của tướng quân Tư Mã Hai Đào xưa kia.

Cùng với lễ hội truyền thống, dấu ấn văn hóa người Thái còn thể hiện đậm nét qua lối ẩm thực truyền thống độc đáo. Ẩm thực phản ánh tập quán sinh hoạt của cộng đồng người, cũng như năng lực sáng tạo của những con người trong cộng đồng ấy. Ẩm thực người Thái khá đa dạng, chẳng hạn các món từ thịt có lạp, nem thịt nai, hoẵng, lợn lòi; thịt gà rừng xào măng; canh uôi nấu với thịt sóc; trứng kiến đen đồ, nướng, nấu canh; tái nộm thịt nai, hoẵng, lợn lòi... Món canh có canh uôi cá nướng măng chua, canh măng, canh nấm, canh rêu, canh pịa đắng... Đặc biệt, trong bữa ăn của người Thái thường có thêm chẻo, được chế biến từ cá nướng trộn với hạt tiêu, hành, tỏi, ớt. Một loại gia vị không thế thiếu khi chế biến các món ăn là hạt mắc khẻn. Từ xưa, xôi đã là món ăn chính của người Thái và luôn có mặt ở tất cả các bữa ăn lớn nhỏ. Ngày nay, dù đã chuyển sang ăn cơm tẻ, nhưng người Thái vẫn có thói quen đồ cơm. Khi đồ, nhiều người còn trộn thêm ít sắn tươi để cơm được thơm, bùi, đậm đà hương vị núi rừng. Rượu cần là món đồ uống sang trọng, nhưng thường hiện hữu trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của đồng bào. Người Thái coi rượu cần là loại đồ uống vừa mang tính lễ nghi, vừa thể hiện tình cảm chân thành. Trong các cuộc rượu có tính chất nghi thức, mọi người phải tuân thủ những quy định, như người cao tuổi, người có địa vị xã hội, khách quan nơi xa đến sẽ được ưu tiên cầm cần uống lượt rượu đầu...

Một miền sơn thủy hữu tình với nhiều danh thắng tự nhiên đẹp, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, núi đá vôi, hang, động, sông, hồ phong phú, khí hậu cận nhiệt đới mát mẻ và văn hóa đậm đà bản sắc. Đây là những điều kiện cơ bản để Quan Sơn khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cộng đồng. Đặc biệt, là nơi đứng chân của Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Quan Sơn không chỉ là “nóc nhà”, mà còn là cánh cửa rộng mở ra đầu mối giao thương giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn (Lào). Nhờ đó, tuyến du lịch Quan Sơn – Viêng Xay được xây dựng và đưa vào khai thác gần đây, không những góp phần quảng bá hình ảnh đất và người 2 địa phương; mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển điểm đến du lịch. Qua đó, khẳng định sự gắn kết mật thiết, bền chặt, củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói chung và 2 huyện Quan Sơn - Viêng Xay.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]