(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn linh hoạt”, nhiều điểm di tích, danh thắng trên địa bàn đã mở cửa đón người dân và du khách trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng dịp đâu xuân. Tuy vậy, công tác phòng, chống dịch (PCD) tại một số nơi vẫn còn không ít bất cập.

Khắc phục những bất cập, tăng cường phòng, chống dịch tại các di tích, danh thắng mùa lễ hội

Thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn linh hoạt”, nhiều điểm di tích, danh thắng trên địa bàn đã mở cửa đón người dân và du khách trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng dịp đâu xuân. Tuy vậy, công tác phòng, chống dịch (PCD) tại một số nơi vẫn còn không ít bất cập.

Khắc phục những bất cập, tăng cường phòng, chống dịch tại các di tích, danh thắng mùa lễ hộiĐiểm vui chơi có thưởng tại chùa Mậu Xương (huyện Quảng Xương) dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Kể từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, lượng người dân và du khách đến với các di tích, danh thắng, nhất là các điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021. Các di tích, danh thắng thu hút số lượng người dân và du khách đông nhất có thể kể đến như Am Tiên (Triệu Sơn), phủ Na (Như Thanh), đền Cửa Đặt (Thường Xuân); đền Độc Cước, đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn), đền Sòng (Bỉm Sơn), đền Trần (Hà Trung), đền Phố Cát (Thạch Thành), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... Theo thống kê sơ bộ, số lượng du khách tới các điểm di tích, danh thắng tăng từ 20 đến 30% so với cùng kỳ.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về công tác PCD COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức tại các điểm di tích, danh thắng. Ban quản lý các di tích, các địa phương, đơn vị đều phải xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dâng hương, đi lễ của người dân, du khách, bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định “5K”, trong đó chỉ cho phép tối đa 50% số lượng người có mặt cùng thời điểm tại các di tích, đồng thời có sự bố trí, bảo đảm giãn cách. Du khách trước khi vào di tích, danh thắng phải khai báo y tế, quét mã QR, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.

Đền thờ Trần Hưng Đạo tại xã Yên Dương là điểm đến tâm linh ngày càng thu hút đông đảo du khách tới dâng hương, đi lễ và xin ấn vào dịp rằm tháng Giêng. Năm nay, huyện Hà Trung quyết định không tổ chức lễ phát ấn như trước kia, thay vào đó là tổ chức các nghi thức truyền thống của phần lễ theo hình thức nội bộ. Ban quản lý di tích cũng đã có phương án phát ấn phù hợp cho người dân và du khách. Bên cạnh đó, huyện Hà Trung cũng đã chỉ đạo xã Yên Dương, các đơn vị có liên quan tạo điều kiện để người dân, các bản hội, du khách tới dâng hương đi lễ đầu xuân mới, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác PCD. Khu vực bán hàng giải khát, đồ ăn nhanh, đồ lưu niệm được bố trí hợp lý, số lượng giảm 50% so với những năm trước.

Một cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác PCD tại các di tích, danh thắng đó là việc lập các chốt kiểm tra, kiểm soát, đồng thời phát thẻ cho người dân và du khách mà TP Sầm Sơn đã áp dụng khá hiệu quả. Phương án phát thẻ cho người dân và du khách trước khi vào đền Độc Cước, đền Cô Tiên sẽ giúp ban quản lý, lực lượng chức năng kiểm soát tốt lượng người ra, vào các điểm di tích, bảo đảm đúng số lượng người có mặt tại di tích theo quy định phòng dịch. Hơn thế nữa, thông qua cách làm này, người dân và du khách sẽ tự giác thực hiện các quy định phòng dịch khác, cũng như các quy định của ban quản lý di tích, danh thắng. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn, cho biết: Ngoài việc xóa bỏ dứt điểm nạn bói toán, tử vi mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lực lượng chức năng của TP Sầm Sơn sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác PCD COVID-19 tại tất cả các di tích, danh thắng trên địa bàn, đồng thời có phương án chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2022”.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tại một số di tích, danh thắng vẫn còn không ít những bất cập. Trong đó có thể kể ra như: việc bố trí khu vực bán đồ lễ, vàng mã, giải khát, ăn uống... ở một vài nơi còn chưa bảo đảm giãn cách, dẫn đến tình trạng tập trung đông người mua, bán, không bảo đảm phòng dịch. Tại một số di tích, danh thắng, dù đã có chủ trương không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức dâng hương, phần lễ, tuy vậy vẫn có các điểm vui chơi có thưởng mà phổ biến nhất là trò phi tiêu trúng bóng, bắn súng... dẫn đến việc tụ tập đông người, gây mất trật tự và không bảo đảm giãn cách. Ngoài ra, vẫn còn nhiều đối tượng mời chào xem bói, xem tử vi, rút thẻ... Vào thời điểm ngày rằm, đầu tháng âm lịch, số lượng người cùng lúc vào các di tích vượt quá 50%. Việc bố trí khu vực làm lễ chưa hợp lý, có thời điểm số lượng người quá đông, không bảo đảm các quy định về giãn cách, an toàn phòng dịch.

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của tỉnh về công tác PCD COVID-19 sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa công tác PCD tại các di tích, danh thắng. Việc “thích ứng linh hoạt” luôn được thực hiện song song với việc tăng cường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả nhất công tác PCD. Cùng với chủ trương mở cửa du lịch, công tác PCD là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà các địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền về PCD tại các điểm di tích được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, từ trực quan cho tới các nền tảng số, mạng xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ được ngành và các địa phương phối hợp thực hiện thường xuyên, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại bất cập.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]