(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng và văn hóa – tâm linh; song Thường Xuân cũng không nằm ngoài bối cảnh ảm đạm chung của toàn ngành du lịch, do chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Vì vậy, để có thể đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và cộng đồng làm du lịch địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thường Xuân: Nỗ lực đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới

Mặc dù sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng và văn hóa – tâm linh; song Thường Xuân cũng không nằm ngoài bối cảnh ảm đạm chung của toàn ngành du lịch, do chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Vì vậy, để có thể đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và cộng đồng làm du lịch địa phương.

Huyện Thường Xuân: Nỗ lực đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới

Di tích Cửa Đạt.

Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với du lịch Thường Xuân thể hiện rõ ở sự vắng vẻ của các khu, điểm du lịch như bản Mạ, bản Vịn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên - hồ Cửa Đạt, Golden Cow Lương Sơn. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt – điểm thu hút rất đông khách du lịch dịp đầu xuân năm mới – cũng không thể đón nhiều khách do các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, trên 200 nhà hàng, quán ăn và hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, luyện tập thể thao cũng trở nên đìu hiu. Thực trạng ấy kéo theo hàng nghìn lao động trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ buộc phải nghỉ việc, không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1576/QĐ-UBND ngày 26-4-2019); Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5126/QĐ-UBND ngày 30-11-2020), cũng gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của địa phương, năm 2021, lượng khách du lịch đến Thường Xuân ước đạt 17.000 lượt, giảm 34,6% so cùng kỳ; khách tham quan lễ hội đầu năm trên 40.000 lượt, giảm 27,1% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6,15 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 9,54 tỷ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ và tương đương 2,21% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao thuộc Chương trình phát triển du lịch năm 2021. Cụ thể, đã hoàn thành đưa vào triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bê tông từ bản Mạ đi thác Sao Ba (2km); hoàn thành giai đoạn 1 đường đi bộ từ thôn Vịn đến Cây di sản. Đồng thời, đang triển khai thi công đường vào Khu Di tích lịch sử văn hóa Hội thề Lũng Nhai (3,5km); cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Vịn, xã Bát Mọt; hỗ trợ xây dựng Sa bàn mô phỏng các tuyến, điểm du lịch; khu trưng bày bán hàng lưu niệm kết hợp quầy thông tin du lịch tại khu trung tâm đón tiếp du khách; xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn, biển báo trên tuyến du lịch khám phá rừng nguyên sinh bản Vịn; xây dựng điểm check in Cây di sản Việt Nam; lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch thác Yên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ngoài ra, UBND huyện còn triển khai nhiều dự án từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác, như đền thờ Cô Ba, thác Mạ và đang triển khai các bước thực hiện dự án phục hồi di tích đền thờ Cầm Bá Hiển.

Nhằm tạo điều kiện để phục hồi và phát triển ngành du lịch, thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, khẩn thiết, như chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực tại các khu, điểm du lịch (bản Mạ, bản Vịn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Golden Cow Lương Sơn, di tích Cửa Đạt...). Đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch và giá thành. Đặc biệt, tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, nhằm xây dựng các điểm đến du lịch an toàn. Qua đó, tích cực tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút và tạo sự tin tưởng của du khách đối với các sản phẩm du lịch, dịch vụ an toàn. Ngoài ra, địa phương cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trong năm 2021 và bắt tay vào thực hiện các dự án trong năm 2022, như hỗ trợ biên đạo, tập luyện, thiết kế đạo cụ, trang phục, mua trang thiết bị khôi phục văn nghệ truyền thống; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chế biến món ăn, thực hành tại thôn Vịn, xã Bát Mọt; cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Thanh Xuân; đầu tư tuyến đường bê tông nội thôn Tiến Sơn 1 (6km), đường bê tông nội thôn Vịn, thôn Đục (5km); thực hiện dự án quy hoạch điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch khu phố Tiến Sơn 1, thị trấn Thường Xuân; dự án quy hoạch điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch thôn Xuân Sơn, xã Xuân Lẹ; dự án quy hoạch du lịch thủy nội địa trên lòng hồ cửa đạt, Thủy điện Xuân Minh và các vùng phụ cận.

Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng nghiên cứu các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cấp huyện để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Trong đó, đề xuất các chính sách như miễn giảm các khoản thuế, lãi suất, giãn nợ các khoản vay tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có điều kiện phục hồi và phát triển. Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Đồng thời đa dạng hóa thị trường du lịch để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, từ đó có thể hạn chế rủi ro trước những biến cố của dịch bệnh COVID-19. Triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành dịch vụ, xây dựng điểm đến an toàn, triển khai các tour du lịch ngắn ngày, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.

Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, mạng xã hội... để quảng bá, xúc tiến các thị trường không bị ảnh hưởng của dịch bệnh; giới thiệu, đặt dịch vụ, đặt tour trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm tăng khả năng thâm nhập thị trường; áp dụng công nghệ số vào việc kiểm soát hành trình của khách du lịch, đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo cơ chế linh hoạt cho khách du lịch trong việc thay đổi lịch trình khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, tạo sự tin tưởng cả trước mắt và lâu dài – một trong những điều kiện cơ bản để sớm thu hút du khách trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]