(Baothanhhoa.vn) - Hợp tác công - tư trong phát triển du lịch nhằm kêu gọi đa dạng các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đặc biệt và có tính xã hội hóa cao này. Đây là sự hợp tác nhiều chiều, tác động trên nhiều phương diện và mang lại kết quả tương đối toàn diện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hợp tác công - tư: Động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Hợp tác công - tư trong phát triển du lịch nhằm kêu gọi đa dạng các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đặc biệt và có tính xã hội hóa cao này. Đây là sự hợp tác nhiều chiều, tác động trên nhiều phương diện và mang lại kết quả tương đối toàn diện.

Hợp tác công - tư: Động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Lãnh đạo 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa ký biên bản hợp tác phát triển du lịch.

Chìa khóa cho hợp tác

Sự hợp tác công - tư trong phát triển du lịch là vấn đề đã và luôn được đề cập ở nhiều cấp, ngành trong các cơ chế, chính sách liên quan và đang được triển khai trong thực tế, với nhiều minh chứng khẳng định cho tính hiệu quả của nó. Vậy, chìa khóa cho sự hợp tác này là gì? Đó trước hết phải nằm ở vai trò kiến thiết, kiến tạo của Nhà nước thông qua việc bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch; lập quy hoạch về du lịch; xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia và địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, Nhà nước có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch chất lượng cao; nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch; thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào du lịch...

Đối với Thanh Hóa, để sự hợp tác này đạt được kết quả, tỉnh ta đã xây dựng nhiều giải pháp chính sách về quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi đất đai; tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề kết hợp với đào tạo phẩm chất, con người làm du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến dự án đầu tư. Nhờ các chính sách hợp lý, linh hoạt, hiệu quả nên vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các trọng điểm du lịch như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... Bên cạnh việc đầu tư vào các dự án kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp cũng đã bước đầu quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động kết nối, tổ chức các sự kiện gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí, khách du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch.

Thu hút các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch, được xem là động lực thúc đẩy ngành dịch vụ đặc biệt này phát triển. Song, không dừng lại ở đó, việc hợp tác công – tư trong du lịch còn được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở các chính sách, khung pháp lý và cơ chế cho phát triển nguồn nhân lực, cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; những năm qua, nguồn nhân lực du lịch tỉnh ta đã từng bước có sự phát triển cả về lượng và chất. Nhiều đề án về phát triển nhân lực du lịch được xây dựng và triển khai, như Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Đề án xây dựng Chương trình đào tạo nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2017-2020... Nhờ đó, tỷ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng chiếm khoảng 75% tổng số lao động ngành du lịch.

Bên cạnh các chính sách, đề án liên quan được tỉnh ta tích cực triển khai; thì việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cũng đang thu hút sự tham gia của các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Hiện 2 cơ sở là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Hồng Đức đang đào tạo bậc đại học về du lịch và định hướng du lịch. Bên cạnh đó, có 1 cơ sở đào tạo du lịch bậc cao đẳng là Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công thương và 1 cơ sở đào tạo bậc trung cấp là Trường Trung cấp Nghề thương mại và Du lịch. Các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra; đồng thời, thực hiện 3 công khai gồm công khai chất lượng đào tạo, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và công khai về tài chính. Từ đó, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tế. Bên cạnh các cơ sở đào tạo, nhiều doanh nghiệp du lịch lớn cũng đã chủ động tự đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động tại chỗ. Hàng năm, ngành du lịch, các trường, hiệp hội du lịch đã tổ chức nhiều hội thi nghiệp vụ du lịch cho lao động; tham gia các hội thi tay nghề do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, như Hội thi tay nghề quốc gia, Hội thi chiếc thìa vàng... nhằm nâng cao tay nghề và chất lượng lao động ngành du lịch.

Còn nhiều thách thức

Trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, việc chia sẻ trách nhiệm hay cơ chế liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, chính quyền các địa phương với khu vực doanh nghiệp và người dân là vô cùng cần thiết. Kết quả đã có, song mới dừng lại ở bước đầu. Việc hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong phát triển du lịch dựa trên nguyên lý cơ bản là chính quyền làm chức năng hoạch định chiến lược, định hướng phát triển và thực hiện quản lý Nhà nước. Còn việc kinh doanh, khai thác các điểm đến hay sản phẩm du lịch thì nên “trao quyền” cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc kêu gọi hợp tác và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các nhóm lợi ích khác nhau, không phải chuyện đơn giản. Đơn cử như việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh ta những năm qua. Bên cạnh các dự án đã triển khai và đưa vào khai thác thì cũng còn không ít dự án chậm tiến độ, khó triển khai hoặc chưa thể triển khai do vướng mắc từ nhiều phía. Bên cạnh những hạn chế từ phía chính quyền các địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng các dự án, chất lượng và tính dự báo của các quy hoạch du lịch còn hạn chế, sự thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án... Thì một “điểm nghẽn” không thể không đề cập là năng lực, chuyên môn, năng lực tài chính, tinh thần trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào du lịch.

Mối liên hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, có lúc, có nơi còn khá lỏng lẻo và chưa tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn như việc quản lý điểm đến hiện nay vẫn chưa được định hình rõ ràng. Trong thực tế, để một điểm đến có thể vận hành hoạt động, thì không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước, hay các đơn vị liên quan mà còn có các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương. Và do đó, việc điểm đến có thể tối đa hóa giá trị dịch vụ phục vụ du khách, đồng thời bảo đảm lợi ích giữa các bên liên quan và tạo dựng một môi trường du lịch an toàn, lành mạnh hay không, lại không thể do một chủ thể nào quyết định. Ví như việc phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh vai trò định hướng của chính quyền địa phương, thông qua các cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng, nhân lực, xây dựng sản phẩm... còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp (xây dựng các khu nghỉ dưỡng) và người dân (xây dựng các homestay, đội văn nghệ...).

Để điểm đến thực sự hấp dẫn thì chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, nhằm cung cấp cho du khách các dịch vụ và hàng hóa đạt chất lượng. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Cũng bởi việc quản lý điểm đến ở một số địa phương hiện còn những bất cập, do đó, việc quảng bá điểm đến chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Các yếu tố tự nhiên, xã hội và văn hóa của điểm đến chưa được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Lợi ích kinh tế chưa được lan tỏa. Đó là chưa kể, nếu chính quyền địa phương không đủ năng lực và nguồn lực để kiểm soát chất lượng dịch vụ, thì chắc chắn môi trường và thương hiệu du lịch cũng chịu ảnh hưởng. Cho nên, tính bền vững của du lịch cũng chưa được bảo đảm.

Để tháo gỡ những nút thắt và “phát quang” con đường hợp tác công – tư trong du lịch, không cách nào khác là phải tạo dựng được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Trong đó, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch, là điều kiện tiên quyết. Đồng thời với đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch và gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Từ đó, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]