(Baothanhhoa.vn) - Nếu tài nguyên là điều kiện cần thì hạ tầng kỹ thuật được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thậm chí, đây còn được xem là yếu tố có tính “mở đường”, nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Nếu tài nguyên là điều kiện cần thì hạ tầng kỹ thuật được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thậm chí, đây còn được xem là yếu tố có tính “mở đường”, nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Biển Sầm Sơn ngày hè. Ảnh: Khôi Nguyên

Từ điểm nhấn Sầm Sơn...

Đối với các đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển, con đường ven biển không chỉ giữ vai trò như một tuyến giao thông đơn thuần, mà còn được xem là một trong những điểm nhấn diện mạo, thậm chí nó có thể phần nào phản ánh được tốc độ phát triển, chất lượng và đẳng cấp của đô thị du lịch ấy. Với TP Sầm Sơn, đường Hồ Xuân Hương ven biển là con đường như thế. Uốn lượn dọc theo bãi tắm được đánh giá là đẹp nhất miền Bắc và một bên là hệ thống khách sạn, nhà hàng được chỉnh trang, xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại. Để chỉnh trang tuyến đường ven biển này, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư trên 455,6 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương (đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài) có chiều dài 3,5 km. Tính đến hết năm 2017, dự án đã giải ngân được 385 tỷ đồng và cơ bản định hình được diện mạo mới cho con đường. Tuy nhiên, để nâng tầm “sắc vóc” cho tuyến giao thông này phải kể đến dự án khuôn viên bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương có tổng vốn được phê duyệt trên 315,9 tỷ đồng. Với các điểm nhấn là hệ thống Hubway, khu công viên cây xanh, khu vui chơi trẻ em, vườn hoa bốn mùa, quảng trường nhạc nước, không gian điêu khắc, quảng trường tâm linh, khu tắm tráng... đã và đang được Tập đoàn FLC đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng. Dự án sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ biến Hồ Xuân Hương thành một trong những con đường ven biển đẹp và hiện đại bậc nhất hiện nay.

Cùng với dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, những năm qua TP Sầm Sơn cũng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường quan trọng như đường Trần Nhân Tông đoạn từ điểm cuối giai đoạn 1 Đại lộ Nam sông Mã đến đường Nguyễn Du, có tổng mức đầu tư trên 126,2 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Du có tổng vốn được duyệt gần 160 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp đường Lý Tự Trọng giai đoạn 2 có tổng vốn được duyệt trên 31,65 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải, nước mưa phía Tây đường Hồ Xuân Hương có tổng vốn được duyệt là 153 tỷ đồng... Bên cạnh các tuyến đường, được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, Sầm Sơn đã triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quy mô lớn. Trong đó bao gồm hạ tầng điện, nước, viễn thông, hệ thống điện chiếu sáng đô thị, thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Có thể nói, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch đã và đang góp phần mang lại một không gian sống mới, ngày càng văn minh và hiện đại đô thị du lịch biển Sầm Sơn. Đồng thời, kéo gần khoảng cách giữa Sầm Sơn với du khách, cũng như lấy lại vị thế cho đô thị biển này với tư cách 1 trong 5 khu du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

... đến bức tranh toàn cảnh

Là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và là trục giao lưu nối liền Bắc bộ - Trung bộ - Nam bộ nhờ mạng lưới giao thông đa dạng, đồng bộ gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy, có thể khẳng định, hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông là một trong những nhân tố tích cực nhất thúc đẩy các dự án hạ tầng kỹ thuật khác ở Thanh Hóa “chạy” đúng tiến độ. Đồng thời, góp phần thông suốt các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, cũng như kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xác định được vai trò quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phát triển du lịch, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, bao gồm giao thông nội bộ, xử lý nước thải, điện chiếu sáng, hệ thống biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng, thùng đựng rác... bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh. Nhờ đó, hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận cũng như thu hút các dự án kinh doanh du lịch. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2017, trên địa bàn tỉnh đã có 18 dự án đầu tư hạ tầng du lịch được triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt là 3.365,776 tỷ đồng, hiện đã thực hiện đầu tư được 929,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4 đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã TP Sầm Sơn đến cầu Ghép huyện Quảng Xương) có tổng vốn được duyệt lên đến 1.480 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (giai đoạn 1) có tổng vốn được duyệt là 149,84 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 217 đi xã Vĩnh Minh và danh thắng núi Kim Sơn xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc) có tổng vốn được duyệt là 44,99 tỷ đồng...

Mặc dù đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư, song, việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch, nhất là chưa theo kịp yêu cầu và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Điều này cũng đang khiến cho không ít điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh chưa đón được lượng khách lớn, do hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Đơn cử như tuyến giao thông từ xã Lũng Niêm đến Khu du lịch Thác Hiêu xã Cổ Lũng (Bá Thước), hiện còn nhiều đoạn rất xấu, nên với không ít du khách, đây thực sự là một thử thách cần vượt qua nếu muốn đến điểm tham quan, nghỉ dưỡng này. Tuyến đường mặc dù đã được phê duyệt chủ trương và vốn đầu tư là 35 tỷ đồng, nhưng đến nay tiến độ giải ngân mới đạt khoảng 50%. Hoặc tuyến đường dẫn đến Khu di tích lịch sử Lam Kinh mặc dù đã được đầu tư, thế nhưng việc thiếu các biển chỉ dẫn cụ thể đến điểm cũng đang khiến di sản này nghe không ít lời phàn nàn vì khó tìm... Bởi kinh phí đầu tư cho việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch là rất lớn, trong khi vốn ngân sách có hạn, chính vì lẽ đó, bài học từ Sầm Sơn cho thấy việc kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch sẽ là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ bài toán khó về vốn. Đồng thời, tạo tiền đề cho việc kêu gọi các nguồn lực xã hội, nhất là từ các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng này của Thanh Hóa.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]