(Baothanhhoa.vn) - Sở hữu một hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đa dạng, cùng những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, mảnh đất xứ Thanh đã ôm trong mình nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo. Bởi vậy, để thu hút du khách đến khám phá vùng đất này, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch để mỗi “điểm dừng” đều là “điểm đến” mang lại những trải nghiệm mới lạ, trọn vẹn cho du khách.

Du lịch xứ Thanh: Để mỗi “điểm dừng” đều là “điểm đến”

Sở hữu một hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đa dạng, cùng những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, mảnh đất xứ Thanh đã ôm trong mình nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo. Bởi vậy, để thu hút du khách đến khám phá vùng đất này, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch để mỗi “điểm dừng” đều là “điểm đến” mang lại những trải nghiệm mới lạ, trọn vẹn cho du khách.

Du lịch xứ Thanh: Để mỗi “điểm dừng” đều là “điểm đến”

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét về đất và người Thanh Hóa: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông... Núi sông tốt đẹp... Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi”. Điều này cũng dễ hiểu, đó là bởi tạo hóa sớm đã khéo sắp đặt tạo cho mảnh đất xứ Thanh hội tụ đủ các địa hình sinh thái từ vùng núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển. Thanh Hóa còn có tài nguyên rừng phong phú, là địa phương duy nhất trên cả nước có địa hình thuộc địa phận của 2 vườn quốc gia (Bến En và Cúc Phương), 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) (Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu); 2 khu bảo tồn - sinh cảnh (khu bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động - Quan Hóa, khu bảo tồn rừng sến Tam Quy - Hà Trung); nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt (Lam Kinh, đền Bà Triệu...). Cùng những bản, làng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số với khí hậu trong lành, mát mẻ rất thích hợp để du khách tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, nghỉ dưỡng núi... và cùng tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao... Đó chính là những tiềm năng, lợi thế lớn để Thanh Hóa đưa mỗi “điểm dừng” trở thành “điểm đến” thu hút khách du lịch.

Và trên thực tế, đã có nhiều địa phương nhờ làm tốt công tác xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn thu hút khá đông lượng khách đến tham quan, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Ví như, khi nói đến Thọ Xuân chắc hẳn du khách sẽ nghĩ ngay tới Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nơi có những công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất ở xứ Thanh và cảnh quan môi trường luôn xanh mát quanh năm. Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan. Song, nếu chỉ nhờ sức hút của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để du khách tìm tới Thọ Xuân là chưa hẳn, bởi cùng với Lam Kinh thì huyện đã đầu tư và đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch phong phú, với nhiều địa điểm nổi tiếng như: nhà ông Trịnh Khắc Sản, cụm di tích cách mạng Long Linh Ngoại (Trường Xuân), nhà ông Hồ Sỹ Nhân (Xuân Hòa), chùa Hào Lương (thị trấn Lam Sơn), đền thờ Lê Hoàn, mộ ông Nguyễn Nhữ Lãm (Xuân Lập); hay du lịch về miền lễ hội với nhiều lễ hội lớn được tổ chức hàng năm như lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh... Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây tuyến du lịch làng nghề được huyện quan tâm đẩy mạnh với nhiều sản phẩm nổi tiếng như bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa Xuân Lập... Đây là những giải pháp quan trọng cho du lịch của huyện Thọ Xuân “ghi điểm”, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong từng sản phẩm, từng điểm đến du lịch. Nhờ đó, trong 7 tháng năm 2022 toàn huyện đón được 233.162 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Thời gian qua, Vườn Quốc gia Bến En, hay các khu BTTN như, Xuân Liên, Pù Luông... đều là những cái tên được cộng đồng du lịch tìm kiếm khá nhiều. Tại Khu BTTN Xuân Liên nơi được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho nhiều thác nước đẹp và những dòng suối lớn, cùng hệ động, thực vật phong phú, đa dạng... Để đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, thời gian qua khu bảo tồn đã xây dựng, kết nối được một số tuyến du lịch mà mỗi “điểm đến” cũng chính là một “điểm dừng” để du khách có thể khám phá, trải nghiệm thêm những điều mới lạ. Hiện tại, các tuyến này đã đưa vào vận hành thử nghiệm mang lại hiệu quả cao, như: tuyến du thuyền hồ Cửa Đạt: từ trung tâm du khách - nhà bảo tàng thiên nhiên - hồ Cửa Đạt - thác Yên - trung tâm cứu hộ động vật bán hoang dã - trạm kiểm lâm Sông Khao (1 ngày); tuyến về nguồn sông Chu từ trung tâm du khách - nhà bảo tàng thiên nhiên - khu di tích Cửa Đạt - công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt - hồ Cửa Đạt - thác Yên - trạm kiểm lâm Sông Khao - bản Mạ (2 ngày 1 đêm); thắng cảnh thác Thiên Thủy từ trung tâm du khách - nhà bảo tàng thiên nhiên - trạm kiểm lâm Hón Can - thác Thiên Thủy (1 ngày); chinh phục đỉnh Pù Gió: từ trung tâm du khách - nhà bảo tàng thiên nhiên - khu di tích Cửa Đạt - công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt - trạm kiểm lâm Hón Can - thác Thiên Thủy - đỉnh Pù Gió - thác Yên - trạm kiểm lâm Sông Khao - hồ Cửa Đạt (3 ngày 2 đêm); khám phá rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi, ngủ ở bản: từ trung tâm du khách - nhà bảo tàng thiên nhiên - khu di tích Cửa Đạt - công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt - trạm kiểm lâm Bản Vịn - rừng nguyên sinh Cây di sản Việt Nam ngàn năm tuổi - bản Vịn (3 ngày 2 đêm); kết nối rừng - biển xứ Thanh từ Khu BTTN Xuân Liên - Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh - suối cá thần Cẩm Lương - Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - bãi biển Sầm Sơn... Cùng với đó, Khu BTTN Xuân Liên cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá... Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2022, Khu BTTN Xuân Liên đã đón được 357 đoàn với 6.738 lượt khách.

Trên thực tế, trong nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về du lịch được tổ chức trong thời gian gần đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành, các công ty kinh doanh du lịch nhiều kinh nghiệm và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhìn nhận rằng việc khai thác sản phẩm du lịch ở tỉnh Thanh Hóa đã và đang mang đến nhiều sự khác biệt cho du khách trong mỗi điểm đến. Đặc biệt, là đã hình thành và khai thác một số sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả cao như: văn hóa - tâm linh, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng biển, trải nghiệm đồng quê, du lịch thác nước... Cũng nhờ vậy, khi khởi động lại thị trường du lịch sau kỳ nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch đổ về Thanh Hóa tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1-9 đến 4-9), toàn tỉnh đã đón 245.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt gần 500 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, ngành du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết giữa các vùng, địa phương để mỗi “điểm đến” là một trải nghiệm trọn vẹn cho du khách. Cùng với đó, là tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu du lịch. Đồng thời, quan tâm xây dựng các sản phẩm cũng như các dịch vụ du lịch phù hợp với từng đối tượng khách du lịch...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]