(Baothanhhoa.vn) - Sau rất nhiều nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa nhằm nối lại đà tăng trưởng cho du lịch sau 1 năm ảm đảm, thì sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho các kế hoạch, chương trình kích cầu buộc phải hoãn lại. Đồng thời, nhiều khu, điểm du lịch cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch.

Du lịch trước thách thức dịch bệnh

Sau rất nhiều nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa nhằm nối lại đà tăng trưởng cho du lịch sau 1 năm ảm đảm, thì sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho các kế hoạch, chương trình kích cầu buộc phải hoãn lại. Đồng thời, nhiều khu, điểm du lịch cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch.

Du lịch trước thách thức dịch bệnhBãi biển Tiên Trang (Quảng Xương) vắng người trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Còn nhớ, sau kỳ nghỉ dưỡng 30-4, 1-5 năm ngoái, Sầm Sơn chính thức “trở lại” sau đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Đường sá đông đúc, xe và người qua lại như mắc cửi; dưới bãi biển, người chen chân như nêm để dành chỗ tắm... Thế nhưng, trái ngược với không khí náo nhiệt ấy, năm nay thành phố du lịch biển có vẻ trầm lắng hơn hẳn, khi phố xá và bãi biển đều thưa vắng khách. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, thì tháng 5-2021, thành phố đón được 193.200 lượt khách; doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng. Theo đó, tính cả 5 tháng đầu năm 2021, thành phố đón được 1.540.520 ngày khách, đạt 33,5% kế hoạch năm 2021; doanh thu 1.343,4 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND thành phố đã ban hành các văn bản quản lý du lịch trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và các văn bản triển khai của các sở, ngành cấp tỉnh. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh lưu trú; chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Cùng với đó, thành phố cũng đã hoàn thiện dự thảo chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, báo cáo UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định. Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách khi tình hình dịch bệnh được khống chế, kiểm soát trên toàn quốc.

Là một trong những trọng điểm du lịch sinh thái của tỉnh Thanh Hóa, song du lịch Bá Thước cũng đang chứng kiến sự sụt giảm về lượng khách. Tính từ đầu năm đến nay, huyện Bá Thước đón được 19.860 lượt khách (khách quốc tế là 985 lượt, khách nội địa là 18.875 lượt), trong khi mục tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm phải đạt được 27.500 lượt khách. Việc không đạt chỉ tiêu đề ra cũng xuất phát từ nguyên nhân “bất khả kháng” là ảnh hưởng của đại dịch COVID–19. Tuy vậy, huyện Bá Thước cũng đã triển khai được nhiều chương trình nhằm thúc đẩy du lịch phát triển phù hợp với bối cảnh hiện nay. Điển hình là tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phân khu Khu du lịch thác Muốn, xã Điền Quang; ban hành kế hoạch phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống; phát huy tiềm năng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch trên địa huyện Bá Thước năm 2021... Cùng với đó, địa phương đã phối hợp với Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trung tâm Viễn thông Mobiphone Hà Nội trong việc chụp dựng AR/VR, phục vụ chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh tại các điểm du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm và bản Báng, xã Thành Sơn. Ngoài ra, địa phương cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh tổ chức tập huấn về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống cho các nghệ nhân; hỗ trợ kỹ năng làm du lịch cho các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Một đặc trưng căn bản của du lịch là ngành có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Do vậy, đây cũng là ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan và chủ quan như nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa, đầu tư, thương mại,... giữa các quốc gia, vùng miền. Chính vì lẽ đó, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế thì du lịch vẫn sẽ chịu tác động nặng nề. Dấu hiệu cho sự đình trệ này thể hiện tương đối rõ qua chỉ tiêu tăng trưởng về lượng khách và lợi nhuận từ du lịch. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, trong tháng 5-2021, toàn tỉnh ước đón 345.000 lượt khách, giảm 55,6% so với cùng kỳ; tổng thu ước đạt 624 tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ. Còn tính trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón trên 3 triệu lượt khách, đạt 25,7% kế hoạch năm 2021; tổng thu ước đạt 4.407,7 tỷ đồng, đạt 19,3% kế hoạch năm 2021.

Mặc dù các chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch năm 2021 đề ra, song du lịch Thanh Hóa vẫn cho thấy những dấu hiệu khá tích cực. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2020, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch trong 5 tháng đầu năm 2021 vẫn cao hơn từ gần 2 đến 3 lần. Có được điều này là do thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19; đồng thời, các địa phương, nhất là các trọng điểm du lịch, đã chủ động bảo đảm điều kiện đón và phục vụ du khách. Chính vì vậy, các khu, điểm du lịch trên địa bàn vẫn thu hút được lượng khách lẻ đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây cũng là cơ sở để khi dịch bệnh được khống chế trong phạm vi cả nước, thì lượng khách du lịch đến Thanh Hóa có thể tăng trưởng trở lại trong một vài tháng cuối năm.

Du lịch vốn là một trong những ngành nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng về khả năng tăng trưởng trở lại sau đại dịch COVID-19. Điều này có cơ sở nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái, khi dịch bệnh được khống chế và du lịch cũng đã nhanh chóng bắt vào “thời điểm vàng” này để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và kích cầu du lịch. Đặc biệt, với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thì thị trường du lịch nội địa vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để các cơ quan quản lý, các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đầu tư canh tác. Song với điều kiện là phải xây dựng được các sản phẩm thực sự hấp dẫn, cùng với các chương trình kích cầu thực sự hữu hiệu.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]