(Baothanhhoa.vn) - Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh. Đó là chuyển từ dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Điều này cũng đã tạo tiền đề cho ngành du lịch mở cửa trở lại sau một thời gian dài "chạm đáy".

Du lịch thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh. Đó là chuyển từ dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Điều này cũng đã tạo tiền đề cho ngành du lịch mở cửa trở lại sau một thời gian dài “chạm đáy”.

Du lịch thích ứng với trạng thái “bình thường mới”Pù Luông - điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.

Nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021..., Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021, về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó nêu rõ, các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Để từng bước khôi phục hoạt động du lịch thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 128/NQ-CP là yếu tố tiên quyết. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại các địa phương. Cụ thể, nơi có dịch cấp độ 1 và 2 thì hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất. Địa bàn có dịch cấp độ 3 thì chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm. Địa bàn có dịch cấp độ 4 thì phải dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch; dừng tổ chức sự kiện tập trung trong nhà trên 20 người; dừng các chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn này. Cũng theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch thì các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận khách cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan y tế địa phương. Các cơ sở lưu trú du lịch đang phục vụ khách với công suất trên 30% thì không đón khách mới. Đồng thời, cơ sở kinh doanh du lịch phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hằng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, để từng bước khôi phục hoạt động du lịch thì yếu tố tiên quyết vẫn là bảo đảm an toàn. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Trong đó yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm quy định 5K. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, như khai báo y tế điện tử thông qua QR Code; đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID trên hệ thống quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt); chủ động xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch có thể xảy ra.

Trên cơ sở đó, tất cả các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong tỉnh đã triển khai dán các tờ thông tin, hướng dẫn của cơ quan y tế về cách thức phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực dễ nhìn, khu vực tập trung đông người; chủ động định kỳ tổ chức phun thuốc khử trùng toàn bộ các khu vực; chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn ngay tại nơi đón tiếp và các khu vực công cộng; kiên quyết từ chối đón tiếp đối với các trường hợp không tuân thủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Tại mỗi khu, điểm du lịch đều bố trí cán bộ trực theo dõi phối hợp với các đoàn khách để ghi chép đầy đủ thông tin từ các đoàn khách. Riêng TP Sầm Sơn giám sát công tác phòng, chống dịch thông qua trung tâm điều hành đô thị thông minh; Khu Du lịch Thành Nhà Hồ và Lam Kinh còn sử dụng camera để giám sát nhân viên và khách du lịch trong việc tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K.

Tranh thủ các thời điểm dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch Thanh Hóa đã tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh, như: Tổ chức giới thiệu các gói kích cầu du lịch tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai; đón đoàn famtrip tỉnh Quảng Nam và tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa - Quảng Nam; tổ chức công bố tour du lịch mới và ký kết hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, Quảng Ninh và Ninh Bình; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức gian hàng du lịch Thanh Hóa tại Hội chợ quốc tế VITM Hà Nội 2020 và hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội; tổ chức kích cầu du lịch tại Hà Nội; tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao tại các khu du lịch trong tỉnh như: Lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển; Lễ hội thả diều; diễu hành mô tô phân khối lớn; triển lãm bonsai và hoa lan; Lễ hội Carnival đường phố; Giải vô địch Cầu mây quốc gia; tổ chức Giải Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt hè Sầm Sơn...

Sở đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); phối hợp với Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa tiếp tục tuyên truyền phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; “Người Thanh Hóa ưu tiên đi du lịch Thanh Hóa”; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa cập nhật thông tin, tình hình hoạt động du lịch của tỉnh, sự kiện của ngành, các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, các chương trình kích cầu du lịch trên trang facebook “Du lịch Thanh Hóa điểm đến an toàn và hấp dẫn”; đồng thời vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia chia sẻ, giới thiệu các gói sản phẩm mới, sản phẩm kích cầu trên các trang facebook, youtube, twitter, zalo... để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng; phối hợp với công ty Mobifone giới thiệu du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh; triển khai dự án lắp đặt market nhận diện hình ảnh và điểm cảnh phục vụ triển khai AR trên ứng dụng du lịch thông minh tại các khu, điểm du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]