(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bá Thước đang đặc biệt quan tâm quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh lực này.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài cuối - Để du lịch Bá Thước - Pù Luông cất cánh bay cao

Với mục tiêu phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bá Thước đang đặc biệt quan tâm quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh lực này.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài cuối - Để du lịch Bá Thước - Pù Luông cất cánh bay cao

Homestay The Phanlim Pù Luông ở bản Đôn, xã Thành Lâm. Ảnh: P.V

Đầu tư cơ sở lưu trú

Du lịch sinh thái phát triển đã đưa Bá Thước trở thành một trong những địa điểm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện đã có 73 cơ sở lưu trú dạng khu nghỉ dưỡng và các homestay với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 231 buồng, phòng. Trong năm 2022, có 3 khu nghỉ dưỡng đang đầu tư xây dựng với tổng số vốn ước khoảng trên 100 tỷ đồng. Những khu resort nghỉ dưỡng hiện đại với những cái rất Tây như: Ebino Pù Luông Resort & Spa, Pù Luông Casa, Pù Luông Retreat, Puluong Eco Garden... luôn kín khách trong những ngày lễ và đã trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nhắc đến khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu chân (Footprint Travel) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tam Kỳ (Threeland Travel) đầu tư xây dựng, những người làm du lịch ở Pù Luông không ai là không biết đến, bởi đây là một trong những nhà đầu tư đầu tiên đặt chân đến “khai phá” vùng đất này. Nằm trên diện tích 5.000m2, thuộc địa phận bản Đôn (xã Thành Lâm), khu nghỉ dưỡng sinh thái này được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống và các bungalow gần gũi với thiên nhiên. Từ trên nhìn xuống, Puluong Retreat mở ra một không gian bao la, khoáng đạt, trong lành và yên bình. Vào mùa lúa chín, các phòng trong Puluong Retreat luôn đạt công suất từ 80 - 100%, trong khi ngày thường là khoảng 60%.

Không chỉ khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat kín khách vào những ngày nghỉ lễ, mà Khu nghỉ dưỡng Ebino Pù Luông Resort & Spa mới đi vào hoạt động từ tháng 9-2021 nhưng công suất sử dụng phòng luôn đạt 100% trong các dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần, trong khi ngày thường là khoảng trên 50%.

Anh Phạm Văn Mạnh, Giám đốc điều hành tại Ebino Pù Luông Resort & Spa, cho biết: Khu nghỉ dưỡng do Công ty CP Bất động sản và du lịch Ebino đầu tư từ năm 2019 trên tổng diện tích hơn 2.400m2, với tổng 18 phòng lưu trú, trong đó có 10 phòng bungalow, 8 phòng building, 1 nhà sàn cộng đồng, bể bơi vô cực, quầy bar cà phê, khu spa chăm sóc sức khỏe, khu bếp và nhà hàng, khuôn viên cây xanh hồ điều hòa, khu vui chơi chụp ảnh... một trong những ưu điểm hút khách đến với khu nghỉ dưỡng đó lối thiết kế hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, sở hữu tầm nhìn đẹp, đem lại một cảm giác thư thái và bình yên cho du khách khi muốn tạm lánh cuộc sống hối hả bận rộn và khói bụi của thành phố.

Anh Phạm Văn Mạnh cho biết thêm, quá trình đầu tư và đưa Ebino Pù Luông Resort & Spa vào vận hành, khai thác, đơn vị luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Trong thời gian tới, Ebino Pù Luông Resort & Spa sẽ có kế hoạch đầu tư mở rộng, tăng số lượng phòng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, nâng cao thêm các dịch vụ tiện ích phù hợp với môi trường cảnh quan phục vụ nhu cầu của du khách. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp cận, tạo ra chuỗi sản phẩm tiện ích vệ tinh xung quanh khu nghỉ dưỡng, kết hợp với cộng đồng bà con dân bản đưa các sản phẩm hiện hữu đặc sản vào sử dụng trong ẩm thực và vui chơi giải trí tại Ebino Pù Luông Resort & Spa.

Trên là 2 trong số những khu nghỉ dưỡng được đầu tư vào Pù Luông, tạo nên những dự án, sản phẩm du lịch có chất lượng, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú của du lịch Bá Thước, tạo ra những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn du khách. Theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, công suất đón khách tại Khu du lịch Pù Luông hiện đạt khoảng trên 1.200 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Bá Thước vẫn đón được trên 37.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng. Tín hiệu đáng mừng là trong quý I-2022, Bá Thước đón được trên 6.000 lượt khách, trong đó gần 1.000 lượt khách quốc tế, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong các kỳ nghỉ lễ gần đây, Khu du lịch Pù Luông trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách, công suất sử dụng phòng tại khu du lịch đạt 100%, thậm chí là quá tải trong những ngày cao điểm.

Quy hoạch và nhân lực

Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, nhất là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Son - Bá - Mười, cùng với các di tích, danh thắng khác trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện để thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ mà huyện Bá Thước đã và đang tập trung hướng tới trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Bá Thước, mặc dù ngành du lịch của huyện đã có những bước phát triển ban đầu ổn định, thương hiệu Pù Luông dần được “định vị” trong lòng bạn bè, du khách, song hệ thống sản phẩm du lịch cộng đồng của huyện còn đơn điệu, bước đầu mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; tính liên kết các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ chưa đồng bộ. Vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, triển khai các quy hoạch, đề án, dự án chưa đáp ứng nhu cầu, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh cấp. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt hướng dẫn viên địa phương, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp, ứng xử; số lao động thông thạo ngoại ngữ chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là mới qua các lớp tập huấn ngắn ngày, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn nhiều hạn chế, chưa có bãi đỗ xe, công trình xử lý rác thải, nước sạch, trung tâm thông tin du khách...

Để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, một trong ba trụ cột phát triển của địa phương (nông nghiệp, xây dựng các cụm công nghiệp và du lịch), theo đồng chí Bùi Văn Lưỡng, Bí thư Huyện ủy Bá Thước thì điều quan trọng bây giờ là tập trung vào vấn đề quy hoạch và quản lý xây dựng, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên vốn quý, không bị ngói hóa, bê tông hóa mà phải kết hợp được những kiến trúc trong xây dựng để giữ lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Trước mắt, đã có một số tập đoàn lớn quan tâm nghiên cứu, khảo sát và thống nhất tài trợ cho huyện Bá Thước thực hiện quy hoạch một cách bài bản về du lịch ở 6 xã thuộc khu vực Pù Luông (Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm). Vì vậy, huyện đang tiếp tục tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông, đường kết nối các điểm du lịch, điện chiếu sáng, cây xanh; phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, phục vụ khách du lịch tốt hơn. Để làm được điều đó, huyện đưa ra những chủ trương, kế hoạch cụ thể để biến những giá trị lịch sử, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội. Đối với văn hóa vật thể, phi vật thể, huyện Bá Thước đã và đang khôi phục, tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, các làn điệu dân ca dân vũ, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, đồng thời phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh các tour, tuyến kết nối du lịch cũng như các dịch vụ phục vụ du khách để đưa du lịch Pù Luông phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa huyện Bá Thước vươn lên thành huyện khá của khu vực miền núi xứ Thanh. Song, để đạt được mục tiêu đề ra rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan; sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của huyện nhà.

Tô Dung và Việt Hương


Tô Dung và Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]