(Baothanhhoa.vn) - Bản sắc văn hóa được coi là tài nguyên hấp dẫn của du lịch. Phát triển du lịch gắn với văn hóa còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước (2015-2020, 2020-2025) đều xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo xuyên suốt và quyết tâm thực hiện. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đã chung sức, đồng lòng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài 2 - Bản sắc văn hóa - sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách

Bản sắc văn hóa được coi là tài nguyên hấp dẫn của du lịch. Phát triển du lịch gắn với văn hóa còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước (2015-2020, 2020-2025) đều xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo xuyên suốt và quyết tâm thực hiện. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đã chung sức, đồng lòng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài 2 - Bản sắc văn hóa - sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách

Chị Julie Jezierski đến từ bang Montara, Hoa Kỳ trải nghiệm cách ủ rượu cần cùng người dân xã Thành Lâm, huyện Bá Thước. Ảnh: Việt Hương

Từ rượu men lá và thổ cẩm

Trên hành trình ngược ngàn khám phá Pù Luông lần này, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và đồng hành cùng những người bạn đến từ thành phố Missoula, bang Montana, Hoa Kỳ. Ngay sau khi Chính phủ nới lỏng quy định nhập cảnh đối với khách quốc tế vào Việt Nam, anh Matt Lincoln và chị Julie Jezierski đã quyết định dành thời gian du lịch khám phá Việt Nam, trong đó Pù Luông là điểm đến mà anh chị đã lựa chọn.

Lưu trú tại một bungalow của gia đình anh Hà Văn Thược, ở bản Đôn, xã Thành Lâm, anh Matt và chị Julie thuê một chiếc xe máy đi khắp nơi để ngắm cảnh, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người dân bản địa, đặc biệt được trải nghiệm cách ủ rượu cần và thưởng thức rượu cần trên không gian ngôi nhà sàn người Thái ngay tại gia đình ông Hà Khắc Tiệp, bà Lò Thị Hưng, ở thôn Tân Thành, xã Thành Lâm. Nét độc đáo trong bản sắc văn hóa, đời sống và sự hồn hậu, thân thiện, mến khách của ông Tiệp, bà Hưng làm cho anh Matt và chị Julie cảm thấy rất thích thú.

“Chúng tôi rất hài lòng vì đã lựa chọn Pù Luông là một trong những địa điểm khám phá khi đặt chân đến Việt Nam. Cảnh sắc ở đây thật đẹp, con người càng tuyệt vời hơn. Họ rất thân thiện và nhiệt tình. Họ dạy chúng tôi cách làm rượu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cách ủ rượu men lá của đồng bào. Chuyến đi này mang lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm về đất nước xinh đẹp của các bạn”, anh Matt chia sẻ.

Đồng hành cùng hai du khách nước ngoài trong đoạn hành trình khám phá Pù Luông lần này mới thấy rõ xu hướng du lịch của du khách đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Họ thích tìm về với môi trường tự nhiên, hòa mình trong cuộc sống cộng đồng để được khám phá, trải nghiệm cảm giác “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong đời sống văn hóa bản địa. Vì vậy, việc tìm kiếm, đưa vào khai thác những sản phẩm du lịch đặc thù, vừa bảo đảm được tính nguyên bản của vùng miền, vừa hấp dẫn, độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách chính là cách níu giữ du khách dừng chân lâu hơn. Ở Khu du lịch Pù Luông, vấn đề này đã và đang được cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước, các xã nằm trong khu du lịch quan tâm thực hiện.

Ở xã Thành Lâm, việc phát triển các sản phẩm du lịch bước đầu có nhiều kết quả khả quan. Đơn cử như việc tập hợp, kêu gọi người dân khôi phục và xây dựng lại làng nghề rượu cần truyền thống ở thôn Tân Thành. Ông Hà Khắc Tiệp, dân tộc Thái, người có những kinh nghiệm ủ rượu cần được truyền lại từ nhiều thế hệ trong gia đình, cho biết: “Nghề ủ rượu cần men lá có từ thời cha ông, trước đây chủ yếu nấu để trong nhà đến khi có khách hoặc ngày lễ, tết, đám đình mới mang ra uống. Gần một năm trở lại đây, thấy khách đến hỏi mua rượu cần nhiều, hơn nữa xã cũng vận động bà con khôi phục lại nghề truyền thống, xây dựng làng nghề nên gia đình tôi đã quay lại nghề ủ rượu cần. Sản phẩm làm ra được cung cấp cho các khu lưu trú trong khu du lịch, bán trực tiếp cho du khách và phục vụ nhu cầu của các nhà hàng ở TP Thanh Hóa. Chỉ từ đầu năm đến giờ, gia đình đã bán ra được gần 200 bình rượu rồi, mỗi bình có giá khoảng từ 200.000 đến gần 400.000 đồng, tùy loại. Nghề truyền thống tưởng như mai một, giờ lại có cơ hội được khôi phục, phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa, bà con ở đây thấy rất phấn khởi. Vui nhất là những dịp được đón những đoàn khách du lịch đến trải nghiệm nghề, đó là cơ hội để chúng tôi giới thiệu về quê hương, bản sắc của làng quê mình”.

Ở xã Lũng Niêm, nghề dệt thổ cẩm cũng là nghề truyền thống, song trải qua thời gian và nhu cầu cuộc sống, nghề dần bị mai một và vắng bóng trong cuộc sống thường ngày của người dân. Khi du lịch Pù Luông phát triển, xu hướng tìm về những sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng nhiều thì nghề được khôi phục và phát triển, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.

Vừa dệt xong tấm vải thổ cẩm, bà Lò Thị Dân, 64 tuổi, ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, vui vẻ cho biết: “Xã vận động bà con khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm để làm ra các sản phẩm bán cho khách du lịch cũng như cung cấp sản phẩm cho các khu nghỉ dưỡng. Giờ đây, nghề dệt thổ cẩm mang lại thu nhập cho nhiều gia đình trong thôn, điều quan trọng hơn cả là những người nhiều tuổi như chúng tôi không thể đi làm ăn xa được thì vẫn có nghề làm để kiếm thêm thu nhập”.

Tiếp lời bà Dân, ông Hà Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Lặn Ngoài, phấn khởi khoe: “Từ khi mở cửa du lịch đến nay, mỗi ngày thôn đón khoảng hơn chục lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm sản phẩm thổ cẩm. Khách quốc tế họ rất thích sản phẩm thổ cẩm do bà con tự làm ra, họ mua thổ cẩm về làm ga giường, vỏ gối, may túi, làm quà... Hiện trong thôn có 86/141 hộ gia đình tham gia làm nghề dệt thổ cẩm. Để có được kết quả đó, huyện, xã, thôn đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân khôi phục lại nghề, vận động các bà, các mẹ dạy cách dệt, thêu cho con cháu ngay từ nhỏ; khuyến khích người dân duy trì khung dệt và phối hợp với các trường học tuyên truyền cho học sinh, mỗi học sinh phải có một bộ trang phục của dân tộc để mặc vào những dịp lễ, tết, các hoạt động của trường”.

Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Cảnh quan và văn hóa là hai yếu tố đan xen trong lợi thế phát triển du lịch của mỗi vùng, miền. Ở xã Thành Lâm, với những định hướng rõ ràng trong phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới đã cho thấy hướng đi cụ thể để góp phần có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách cũng như thu hút sự chung tay của cộng đồng vì môi trường phát triển du lịch bền vững.

Không hẹn nhưng chúng tôi cũng gặp được anh Nguyễn Thế Anh, bí thư đảng ủy xã Thành Lâm khi anh đang đi kiểm tra công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn xã. Đồng chí Bí thư Đảng ủy trẻ tuổi cho biết: “Trước thực trạng các hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông làm cho các ngã ba, ngã tư, bị che khuất tầm nhìn; nhiều đoạn đường hẹp, ảnh hưởng đến sự lưu thông của các phương tiện giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ban chấp hành đảng bộ xã đã ra nghị quyết về việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên địa bàn xã. Khi lực lượng chức năng của xã ra quân giải tỏa, hầu hết bà con trên địa bàn xã nhận thức được vấn đề nên đã tự nguyện phá dỡ các công trình xây dựng trái phép trên hành lang an toàn giao thông. Xã dự kiến khi giải tỏa xong sẽ trồng các loại cây có hoa như bằng lăng, ban, gạo, giáng hương để mùa nào cũng có hoa trên các tuyến đường. Hiện xã đã trồng được 900 cây hoa ban dọc các tuyến đường để các hộ dân chăm sóc. Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân có bờ tường bằng gạch thì trồng cây vẩy rồng để phủ xanh bờ tường; những hộ có hàng rào bằng tre, luồng thì trồng cây lặc lày, cây lạc tiên vừa cho hoa, vừa cho quả, phục vụ thêm món ăn cho du khách; còn đối với những hộ chưa có hàng rào, xã sẽ vận động trồng cây dâm bụt, nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh mát cho bản làng. Đây là phong trào “hàng rào cây xanh” trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Ngoài ra, để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của miền núi Bá Thước, địa phương đang cố gắng bảo tồn toàn bộ diện tích ruộng bậc thang bằng cách vận động những hộ dân có ruộng bậc thang bị phá vỡ bờ bao, đắp ngăn thành từng bậc, trồng lại cây lúa; xã sẽ hỗ trợ giống lúa nếp hạt cau cho bà con của 3 thôn: Đôn, Bầm, Leo - là những thôn làm du lịch nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa để thu hút nhiều lượt du khách. Phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường từ trong nhà ra ngoài đường trong tuần. Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 ha tại thôn Bầm đã có lộ trình mở rộng thêm để du khách có thêm một địa điểm ghé thăm trải nghiệm, mua sản phẩm. Địa phương cũng đang xây dựng sản phẩm OCOP bằng việc trồng cây sói rừng làm chè phục vụ khách du lịch. Trước mắt, xã đã trồng được 3 ha xen ghép trong những tán rừng, bước đầu đã có sản phẩm bán cho du khách.

Nhấn mạnh về việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của xã, bí thư đảng ủy xã Nguyễn Thế Anh cho biết, mô hình du lịch cộng đồng sẽ không dừng lại ở 28 hộ làm du lịch cộng đồng mà sẽ vận động toàn bộ các hộ dân chỉnh trang lại nhà cửa tươm tất để có thể đón khách bất cứ lúc nào, với phương châm “Mỗi khách du lịch là một người bạn của gia đình”. Văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, xã Thành Lâm là những điệu khặp, điệu múa, khung dệt, rượu cần, mâm cơm truyền thống... chính là sản phẩm mà xã hướng đến để phục vụ du khách. Để phát huy được nét văn hóa trên, xã đã hoàn thiện hồ sơ, trình tỉnh phê duyệt làng nghề truyền thống nấu rượu cần; xây dựng các đội văn nghệ, phục dựng lại các điệu hát, điệu múa của đồng bào dân tộc Thái, tổ chức hội thi nấu mâm cơm truyền thống của người Thái; chơi những trò chơi dân gian như tung còn, đánh mẳng... vào những dịp lễ, tết để du khách được sống với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc. Xã cũng sẽ làm “sống” lại các con suối, dẫn nước về sản xuất nông nghiệp, xây dựng các guồng nước, tạo cảnh quan cho du khách tham quan; xây dựng một khu trồng các loại hoa, vận động các hộ dân trồng các loại cây lâm nghiệp có hoa để du khách cắm trại; trồng các loại cây cổ thụ có bóng mát, lắp các ghế đá cho du khách dừng chân nghỉ ngơi...

“Đó là những dự định mà đảng ủy xã đang bàn bạc, triển khai trong thời gian tới, song để đạt được một mô hình phát triển du lịch cộng đồng hoàn hảo rất cần sự quan tâm chia sẻ của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm chia sẻ.

Phát huy những lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch bằng những định hướng cụ thể, thiết thực là việc quan trọng cần làm để du lịch Pù Luông, Bá Thước phát triển bài bản và bền vững hơn. Có như vậy, ngành công nghiệp không khói ở huyện vùng cao này mới khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại để phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch.

Bài cuối: Để du lịch Bá Thước - Pù Luông cất cánh bay cao.

Tô Dung - Việt Hương


Tô Dung - Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]