(Baothanhhoa.vn) - Phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch trong tình hình mới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi du lịch

Phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch trong tình hình mới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi du lịchThông qua các hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh đã mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm và hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp trong tình hình mới. Trong ảnh: Hội nghị kích cầu du lịch “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” do UBND tỉnh tổ chức tại TP Hà Nội, vào tháng 4-2021).

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho toàn ngành du lịch nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực. Chỉ tính riêng trong năm 2021, lượng khách đến Thanh Hóa giảm sâu, toàn tỉnh chỉ đón được 3,4 triệu lượt khách (giảm 53,7% so với năm 2020), tổng thu du lịch ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (giảm 53,4% so với năm 2020). Cũng trong năm qua, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ du lịch gần như tạm ngừng hoạt động. Tại Thanh Hóa có trên 13 nghìn lao động tại các doanh nghiệp du lịch tạm thời nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm và gần 23 nghìn lao động mất việc làm.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, song với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã xác định hướng đi cho ngành du lịch. Trong đó, huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo nguyên tắc “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Trên cơ sở đó, tỉnh đã khẩn trương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch như: kế hoạch đào tạo khởi nghiệp cho doanh nghiệp; triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh; thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo môi trường minh bạch, thông thoáng; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn... Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận và tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tỉnh, hoạt động du lịch vẫn có những tín hiệu khả quan.

Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng thu hút đầu tư du lịch vẫn rất mạnh mẽ. Tỉnh Thanh Hóa đã khởi công và chấp thuận chủ trương một số dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, điển hình như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group (1.482 tỷ đồng); Dự án Flamingo Linh Trường khu B tại huyện Hoằng Hóa (1.570 tỷ đồng) của Tập đoàn Flamingo; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Osen Thanh Hóa tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (gần 7.000 tỷ đồng) của Tập đoàn Sun Group. Cùng với đó, một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành các thủ tục chấp thuận như: Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh (4.960 tỷ đồng) của Tập đoàn Sun Group; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) (4.969 tỷ đồng) của Công ty CP ORG...

Xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trở lại của hoạt động du lịch, thông qua các hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, định hướng liên kết, duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng đã phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa hướng dẫn và tạo điều kiện cho 771 lượt cơ sở lưu trú được giảm tiền điện (trong 3 đợt); tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ cho 89 hướng dẫn viên du lịch; 55 hướng dẫn viên du lịch được giảm lệ phí cấp thẻ; 19 doanh nghiệp lữ hành nội địa được giảm phí cấp phép...

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: Thực tế tất cả các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong thời gian qua đều hướng đến mục tiêu khôi phục trở lại hoạt động du lịch, trong đó đối tượng hưởng lợi trực tiếp là doanh nghiệp dịch vụ. Trong năm 2021, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến dưới nhiều hình thức, như tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại TP Hà Nội (tháng 4-2021); phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới (tháng 10-2021); phối hợp với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thiết lập hành lang du lịch an toàn (tháng 12-2021); xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch tại tỉnh Thanh Hóa và tại các tỉnh, thành phố bằng hình thức trực tuyến... Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, năm 2022, Sở VHTTDL tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; định hướng xây dựng sản phẩm và thị trường du lịch; phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát đánh giá sản phẩm, dịch vụ điểm đến... sẵn sàng mọi điều kiện để đón khách nội địa trong năm 2022 như mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, để có thể khôi phục lại cả thế và lực của doanh nghiệp du lịch, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới và mở cửa đón khách một cách an toàn, bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự quan tâm của các cấp, ngành. Trong đó, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn: Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch; giảm phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất vay ngân hàng; trợ cấp cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; ưu tiên nguồn lực thực hiện các gói kích cầu du lịch, đặc biệt tại thị trường khách quốc tế; liên kết với các nước mở đường bay theo lộ trình an toàn và thống nhất sử dụng hộ chiếu “vắc-xin”... Đặc biệt, đẩy nhanh “độ phủ” vắc-xin để đạt được “miễn dịch cộng đồng”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường và đạt được mục tiêu trong năm 2022.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]