(Baothanhhoa.vn) - Xúc tiến, quảng bá vừa là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa là một giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển du lịch, đa dạng sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá góp phần định vị hình ảnh và giá trị du lịch Thanh Hóa

Xúc tiến, quảng bá vừa là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa là một giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển du lịch, đa dạng sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá góp phần định vị hình ảnh và giá trị du lịch Thanh HóaThác Mây xã Thạch Lâm (Thạch Thành) vào hè. Ảnh: Lê Công Bình

Đa dạng các hoạt động

Dựa trên các lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, du lịch Thanh Hóa đang được định vị là điểm đến đa dạng, bao gồm du lịch nghỉ dưỡng biển - sản phẩm mũi nhọn; du lịch di sản; du lịch sinh thái; đồng thời, đang phát triển một số loại hình du lịch bổ trợ khác. Để định vị hình ảnh và giá trị điểm đến du lịch Thanh Hóa, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch nói chung, sự đa dạng các sản phẩm du lịch nói riêng, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, thông qua đó không chỉ góp phần tạo ra sự cộng đồng trách nhiệm trong phát triển du lịch, mà còn thu hút và gia tăng thời gian lưu trú, nâng mức chi tiêu, cũng như khả năng quay trở lại của du khách.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Kế hoạch 233/KH-UBND ngày 3-11-2021, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông và trên website du lịch, kênh youtube, trang facebook, fanpage quảng bá du lịch Thanh Hóa. Đồng thời, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách; triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Thuê hãng truyền thông lớn sản xuất video ngắn, đặc sắc, cô đọng, giàu cảm xúc để giới thiệu du lịch Thanh Hóa.

Cùng với đó, xây dựng và tổ chức chiến dịch tuyên truyền “Thanh Hóa - Điểm đến thân thiện”, “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Tổ chức sản xuất cơ sở dữ liệu, tài liệu, ấn phẩm, vật phẩm phục vụ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Phối hợp với các hãng hàng không xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các chuyến bay đi, đến Thanh Hóa và các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam; phối hợp quảng bá tại các cảng hàng không. Xây dựng cổng thông tin điện tử về du lịch, website du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; xây dựng và duy trì kênh youtube, trang facebook, fanpage phục vụ quảng bá du lịch Thanh Hóa.

Ngoài ra, công tác xúc tiến du lịch cũng đã và đang được chú trọng thông qua việc xây dựng và triển khai đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến du lịch Thanh Hóa. Đồng thời, thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến với các tỉnh, thành phố là thị trường trọng điểm của du lịch Thanh Hóa. Tổ chức công bố các tour, tuyến, điểm du lịch mới; xây dựng và triển khai thực hiện dự án tuyến du lịch nội tỉnh. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông, các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đến Thanh Hóa khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, kết nối các khu, tuyến, điểm du lịch. Phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị lữ hành tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch tại các tỉnh có đường bay và dự kiến mở đường bay đến Thanh Hóa. Tham gia xúc tiến, giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại các thị trường khách du lịch truyền thống và tiềm năng ở nước ngoài; mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh/ thành phố nước ngoài, các Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến tại các nước bạn nhân dịp sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao quan trọng giữa Thanh Hóa và nước bạn. Triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, thu hút đầu tư phát triển du lịch...

Từ sự định hướng trên, trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức hàng loạt sự kiện, hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch. Qua đó, góp phần đưa du lịch nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và lấy lại đà tăng trưởng. Điển hình phải kể đến các hoạt động như lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa. Tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, quảng bá sản phẩm/dịch vụ du lịch để khôi phục, mở cửa du lịch Thanh Hóa. Hội nghị làm việc và ký thỏa thuận hợp tác du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa và các Tập đoàn lớn như: SunGroup, VinGroup... và các hãng hàng không.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã tổ chức chương trình kích cầu du lịch Thanh Hóa bên lề Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội; đồng thời, tham gia các sự kiện, hội chợ, hội nghị liên kết du lịch giữa 4 tỉnh Bắc Trung bộ và liên kết các tỉnh Bắc Trung bộ với các tỉnh/thành phố trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Nam... Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng và trên nền tảng số, nổi bật là thực hiện chiến dịch quảng bá “Thanh Hóa - Điểm đến an toàn thân thiện”; “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa” thông qua các video ngắn, đặc sắc, giàu cảm xúc để giới thiệu về con người và danh lam thắng cảnh của Thanh Hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh trực tuyến, mạng xã hội...

Đi vào chiều sâu

Có thể nói, hoạt động quảng bá, xúc tiến nếu được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa; mà còn thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và Nhân dân, quyết tâm xây dựng du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Song, muốn xúc tiến, quảng bá mang lại hiệu quả cao thì phải tăng cường đầu tư cho du lịch; phải chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ... Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và nó ví như một “vòng tuần hoàn” mà các yếu tố bên trong vừa hỗ trợ vừa tác động lẫn nhau.

Đó là chưa kể, ngày nay cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, đã và đang đặt ra cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng phải tiệm cận nhanh với những cách thức và giải pháp truyền thông mới, có sức ảnh hưởng sâu rộng và mang lại hiệu quả cao hơn. Trong đó, một “chất xúc tác” mạnh mẽ rất cần được tận dụng hiệu quả là các mạng xã hội như tiktok, facebook, youtube đang rất phổ biến hiện nay. Có thể lấy 1 ví dụ rất đơn giản để hình dung. Thay vì viết 1 bài giới thiệu, quảng bá điểm đến dài hàng nghìn chữ, kèm 1, 2 tấm ảnh và đăng lên website như trước đây; thì hiện nay, các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch đang chú ý “bắt trend”, hay tận dụng các “xu hướng hot” để đưa các nội dung muốn quảng bá lên các nền tảng mạng xã hội, nhất là tiktok và facebook. Đó có thể là hình ảnh mới về điểm đến; các sản phẩm mới hoặc độc - lạ - khác biệt; món ăn mới - thú vị; một điểm check-in hấp dẫn giới trẻ... Bằng nhiều hình ảnh, âm thanh sinh động, đa dạng, nhiều màu sắc, hấp dẫn, có khả năng “đánh” vào sở thích, gợi nên sự tò mò và thôi thúc du khách lên đường khám phá, trải nghiệm điểm đến. Thiết nghĩ, đây là một xu hướng rất cần được các nhà quản lý, các địa phương, các doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc để có giải pháp truyền thông hay cách thức quảng bá phù hợp, lâu dài và hiệu quả.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá góp phần định vị hình ảnh và giá trị du lịch Thanh HóaTổ chức thành công Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2023 đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn nói riêng, du lịch Thanh Hóa nói chung đến đông đảo bạn bè, du khách.

Du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19; song những hạn chế có tính “cố hữu” của du lịch vẫn chưa được khắc phục, trong đó có cả hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Để góp phần khắc phục bất cập đó, ngày 18-5-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, biển, đảo; xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”. Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế; đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự báo thị trường. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến du lịch, huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tận dụng vai trò các trung tâm văn hóa Việt Nam tại các quốc gia. Triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tổ chức nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch trọng điểm.

Lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế. Tăng cường truyền thông quảng bá về du lịch, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo cách làm mới. Ngoài ra, các địa phương chú trọng phát triển mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc trưng, một điểm đến tiêu biểu...

Những định hướng và giải pháp được Nghị quyết số 82/NQ-CP đề ra nêu trên, thiết nghĩ, đều có tính tham khảo đối với tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, du lịch được xác định là một trong những chương trình phát triển trọng tâm của tỉnh, do vậy tăng cường truyền thông quảng bá, hay xây dựng một chương trình, một chiến lược truyền thông quảng bá hiệu quả là điều rất cần được chú trọng.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]