(Baothanhhoa.vn) - Sau khoảng thời gian “hồi sức” ngắn ngủi, ngành du lịch lại tiếp tục đối diện với nguy cơ “đóng băng” do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và diễn biến đặc biệt phức tạp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động du lịch

Sau khoảng thời gian “hồi sức” ngắn ngủi, ngành du lịch lại tiếp tục đối diện với nguy cơ “đóng băng” do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và diễn biến đặc biệt phức tạp.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động du lịchCác tòa thái miếu trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Gần tròn 100 ngày, cùng với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành du lịch đã có sự khởi sắc trở lại. Đặc biệt, thông qua nhiều hoạt động kích cầu du lịch, quảng bá du lịch, liên kết xúc tiến phát triển du lịch... diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương thời gian qua, ngành du lịch đã trở lại “đường đua tăng trưởng” với nhiều sự kỳ vọng. Thế nhưng, sau khi trọng điểm du lịch Đà Nẵng xuất hiện ca bệnh đầu tiên hồi cuối tháng 7, thì du lịch cũng bắt đầu có sự “chao đảo”. Dịch bệnh đã khiến hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố bị ngưng trệ. Khách hàng hoang mang, doanh nghiệp lo lắng khi hàng chục nghìn tour du lịch đã bị hoãn, bị hủy. Đồng thời, một số địa phương trong cả nước cũng liên tục xuất hiện các ca dương tính với COVID-19. Điều đó đã khiến cho nhiều khu, điểm du lịch phải tạm thời đóng cửa. Hoạt động của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, dịch vụ vận tải hành khách... cũng bị ảnh hưởng do quy định giãn cách và tránh tập trung đông người. Cùng với đó, các chương trình kích cầu, liên kết phát triển du lịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là những tỉnh/thành có người nhiễm COVID-19, cũng chịu ảnh hưởng lớn...

Thực trạng đáng lo ngại kể trên không chỉ đặt du lịch trước nguy cơ “đóng băng” trở lại; mà còn khiến cho dịch bệnh có khả năng bùng phát trên diện rộng, nếu các hoạt động du lịch vẫn diễn ra nhưng không bảo đảm điều kiện an toàn. Do đó, vấn đề đặt ra cấp thiết cho ngành du lịch và chính quyền các địa phương lúc này, đó là tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, có những cam kết và giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, quyền lợi cho du khách và giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Trao đổi với đại diện một doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi được biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, hơn 80% các tour được khách hàng mua từ trước đã bị hủy. Số còn lại đã hoãn hoặc điều chỉnh thời gian nhằm chờ tình hình dịch bệnh lắng xuống. Thiệt hại của doanh nghiệp là khó tránh. Hơn nữa, việc hủy tour của khách hàng cũng đang đặt doanh nghiệp vào tình thế nan giải. Bởi lẽ, kinh phí khách hàng mua tour cũng đã được doanh nghiệp dùng để đặt các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống... trong tour. Do đó, việc hoàn 100% tiền cho khách hàng lúc này đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ nhiều bên liên quan (lữ hành, lưu trú, nhà hàng, các khu, điểm du lịch...).

Bên cạnh những mối lo của các doanh nghiệp du lịch, thì bản thân khách du lịch cũng có không ít băn khoăn. Dù đã lên lịch cho chuyến nghỉ dưỡng cùng gia đình dài ngày, thế nhưng thời điểm này, chị Nguyễn Hà Trang (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) đành phải gác lại. Chị chia sẻ: Năm nay, con gái đầu nhà chị sẽ thi tốt nghiệp THPT. Chị đã tính, chờ con thi xong sẽ đi du lịch, để vừa giúp con giải tỏa căng thẳng, vừa là dịp cả nhà được nghỉ ngơi. Thế rồi, công sức chuẩn bị trước cả tháng, nào là tìm công ty du lịch tư vấn các tour phù hợp, rồi đặt lịch trình, hay cả việc dự tính điểm vui chơi, giải trí, mua sắm... giờ đã thành công cốc hết cả. Nghĩ cũng hơi tiếc và cũng có chút buồn vì kế hoạch không thể thực hiện. Thế nhưng, chị Trang cho rằng điều này cũng là khó tránh, vì dịch bệnh lây lan nhanh và nguy hiểm quá. Vậy nên, bảo vệ sức khỏe gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Có sức khỏe và cuộc sống trở lại bình thường thì sẽ còn nhiều dịp để du lịch. Cũng may mắn là chị Trang đã được công ty du lịch hỗ trợ hủy tour. Đồng thời, công ty cũng có những cam kết và đưa ra nhiều ưu đãi nếu gia đình chị tiếp tục sử dụng dịch vụ sau khi dịch bệnh được khống chế. Điều này đã giúp chị Trang và một số khách hàng đã mua tour cùng chị trước đó, có thêm tin tưởng đối với hoạt động của doanh nghiệp du lịch.

Để bước đầu ổn định tình hình, ngày 29-7-2020, Tổng cục Du lịch đã có Văn bản 982/TCDL-LH về việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch COVID-19. Theo đó, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương cần nghiêm túc quán triệt đến doanh nghiệp và khách du lịch về việc cập nhật tình hình dịch bệnh, cũng như chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Cùng với đó, các địa phương cần duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Đối với các địa phương có dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch nghiêm túc triển khai các quy định của các cơ quan chức năng liên quan; cũng như có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, nhanh chóng kích hoạt quy trình phòng, chống dịch COVID-19 đến từng đối tượng cụ thể như khách du lịch, nhân viên phục vụ, doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch... Ngoài ra, các địa phương cũng cần kịp thời chỉ đạo, vận động, tuyên truyền khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch đã ký kết do tác động của dịch bệnh...

Thanh Hóa hiện là một trong những địa phương có người mắc COVID-19, với lịch sử di chuyển và tiếp xúc tương đối phức tạp. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 130/TB-UBND ngày 7-8-2020 đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7-8-2020). Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện và hướng dẫn, nhắc nhở khách hàng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đối với các cơ sở lưu trú, ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nêu trên, phải phối hợp với đội ngũ y tế hướng dẫn khách lưu trú thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt. Ngoài ra, phải hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người; khuyến khích các gia đình hạn chế tổ chức các sự kiện trong thời gian này; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện khi chưa thực sự cần thiết...

Dịch bệnh COVID-19 đã quay trở lại, phức tạp hơn và khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, với ngành du lịch vốn dĩ chưa có được sự phục hồi vững chắc sau giai đoạn 1, thì “sức đề kháng” trước dịch bệnh lần này càng yếu. Và như nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, thì sự đứt gãy của chuỗi giá trị và tốc độ tăng trưởng ngành du lịch, chắc chắn sẽ chịu tác động và tổn thất nặng nề hơn. Chính vì lẽ đó, ngành du lịch và các địa phương cần dồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, chung sức đồng lòng cùng cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, nhằm “giữ lực” giúp du lịch phục hồi ngay khi dịch bệnh được khống chế.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]