(Baothanhhoa.vn) - Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, TP Thanh Hóa ôm trong mình nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, giàu bản sắc. Để “níu” chân du khách khám phá vùng đất Hạc Thành, TP Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thế mạnh.

Đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm “níu” chân du khách

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, TP Thanh Hóa ôm trong mình nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, giàu bản sắc. Để “níu” chân du khách khám phá vùng đất Hạc Thành, TP Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thế mạnh.

Đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm “níu” chân du khách

Khách du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng.

TP Thanh Hóa nổi bật với các di tích lịch sử, nền văn hóa lâu đời vừa có giá trị đặc sắc, vừa rất điển hình về mặt du lịch mà không nơi nào có được. Tiêu biểu nhất là di chỉ văn hóa Đông Sơn thuộc làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng; di chỉ khảo cổ ở núi Đọ - nơi phát hiện ra nguồn gốc người Việt cổ, thuộc địa bàn xã Tân Châu (Thiệu Hóa) và xã Thiệu Vân, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Hòa quyện với nền văn hóa cổ, vùng đất Hạc Thành còn có một hệ thống di tích, các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Trên địa bàn thành phố có hơn 232 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 24 di tích được công nhận cấp quốc gia, 70 di tích được công nhận cấp tỉnh. Gắn liền với các di tích lịch sử đó là các lễ hội truyền thống. Theo thống kê, thành phố có 40 lễ hội truyền thống và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Có thể kể đến các trò chơi, trò diễn độc đáo như múa Tú Huần ở xã Hoằng Quang; làn điệu hò sông Mã ở các phường, xã dọc 2 bên bờ sông Mã. Đó còn là các sản phẩm thủ công truyền thống như bánh đa nem Cầu Bố; men rượu và rượu làng Quảng, nem chua. Hay nghề đúc đồng, chạm khắc đá An Hoạch, nghề trồng hoa ở phường Đông Cương, nghề làm hương ở Quán Giò, phường Đông Thọ...

Hội tụ tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, với nền văn hóa cổ xưa, truyền thống lịch sử và thiên nhiên tươi đẹp nên du lịch TP Thanh Hóa đang ngày càng khẳng định được vị trí trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa và của đất nước. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa cùng TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn, là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng. Theo đó, điểm di chỉ khảo cổ núi Đọ cùng với Khu Di tích danh thắng Hàm Rồng được xác định là 1 trong 25 điểm du lịch địa phương của vùng Bắc Trung bộ. Trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa được xác định là 1 trong 3 cụm trọng điểm phát triển du lịch của xứ Thanh. Cùng với Sầm Sơn, Hải Tiến, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Suối cá Cẩm Lương, Nghi Sơn, Bến En, TP Thanh Hóa trở thành địa điểm du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc khai thác các tiềm năng du lịch của TP Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu riêng để “níu” chân du khách. Bởi vậy, hàng năm số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến TP Thanh Hóa còn hạn chế, đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương chưa cao. Lượng khách du lịch đến thành phố trong 5 năm (2015-2020) đạt 8,33 triệu lượt người, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 8.150 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2022, sau một thời gian dài bị “đóng băng” bởi dịch COVID-19, du lịch TP Thanh Hóa đã “ấm” lên, với lượng khách tăng trở lại. Theo báo cáo của TP Thanh Hóa, quý I năm 2022, toàn thành phố đón 60.706 lượt khách. Nhờ vậy, tổng doanh thu từ du lịch của thành phố trong quý đạt 190 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây là con số mang đến tín hiệu vui cho du lịch của thành phố.

Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, TP Thanh Hóa chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế. Theo đó, thành phố tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với hệ thống các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa, tâm linh. Đồng thời, hình thành các tour du lịch tham quan kết nối giữa TP Thanh Hóa với các khu, điểm du lịch văn hóa - tâm linh trong tỉnh, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Sầm Sơn và Am Tiên (Triệu Sơn)... Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu nền văn hóa Đông Sơn, gắn với trống đồng Ngọc Lũ và làng cổ Đông Sơn; tham quan, nghiên cứu di chỉ khảo cổ núi Đọ; tham quan cầu Hàm Rồng anh hùng, gắn với trận địa pháo Đồi C4, Đồi Quyết thắng; du lịch tham quan bảo tàng gắn với nghiên cứu lịch sử của xứ Thanh; du lịch hoài niệm chiến trường xưa gắn với chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn. Cùng với tuyến tham quan du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, thành phố sẽ khôi phục và tổ chức các cuộc đua thuyền trên sông Mã, kết hợp với biểu diễn điệu hò sông Mã, hát bội, múa Tú Huần và phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của các phường, xã. Đồng thời, xây dựng các tour du lịch tham quan làng nghề và tổ chức chế tác, sản xuất các sản phẩm lưu niệm tinh xảo mang thương hiệu TP Thanh Hóa để giới thiệu, trưng bày, bán cho khách du lịch. Cùng với phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch mạo hiểm leo núi, trải nghiệm khinh khí cầu, trải nghiệm du lịch đồng quê, thành phố còn ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí tại Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng, khu vực Rừng Thông, Khu Công viên sinh thái Cánh Tiên, động Long Quang, động Tiên Sơn, hồ Kim Quy, khu danh thắng Mật Sơn; khu vực núi An Hoạch... Mặt khác, thành phố cũng quan tâm phát triển sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, nhằm khắc phục tính thời vụ trong du lịch và kéo dài ngày lưu trú của du khách khi đến với TP Thanh Hóa.

Với việc tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là đa dạng các sản phẩm du lịch, TP Thanh Hóa sẽ khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thế mạnh đặc biệt của mình. Qua đó, đưa ngành công nghiệp “không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong giá trị sản xuất của thành phố và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]